Khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Sáng nay (25/6), Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công trình trọng điểm quốc gia chính thức được khởi công tại 4 vị trí trên địa bàn thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Đồng loạt khởi công tại 4 vị trí
Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô diễn ra đồng loạt tại 4 vị trí trên địa phận các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, theo phương thức kết nối trực tuyến giữa 4 điểm tổ chức khởi công của Thành phố và các điểm tổ chức động thổ của hai địa phương Hưng Yên, Bắc Ninh.
Đến dự Lễ khởi công, về phía lãnh đạo Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Đại biểu lãnh đạo thành phố Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, ngay sau khi Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, thành phố Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương. Thành phố Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì làm việc với các địa phương để thành lập ngay Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
"Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các địa phương, đến nay, sau 1 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%)", ông Thanh cho biết.
Tại Lễ khởi công, thay mặt UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã báo cáo một số kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; với tinh thần lấy kết quả thực hiện Dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của Thành phố. Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết: Để đạt được những kết quả quan trọng ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố, là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương.
Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá
Tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và nhân dân các địa phương nơi có Dự án đi qua đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương, tích cực để từng bước đưa Dự án về đích.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với việc khởi công đồng loạt Dự án đường Vành đai 4 và Dự án Cao Lãnh - Đồng Tháp cho thấy bước ngoặt quan trọng. Cả 2 dự án đều góp phần tạo không gian phát triển mới. Riêng với Dự án đường Vành đai 4 góp phần kết nối Vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án góp phần kết nối và phát triển, mở rộng không gian mới cho sự phát triển của Thủ đô; góp phần giải quyết vấn nạn giao thông ùn tắc…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm.
“Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định phát triển hạ tầng chiến lược nói chung và hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường cao tốc đến 2030 có 5.000 km đường cao tốc và 2025 có 3.000 km đường cao tốc… Nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2000, chúng ta bắt tay xây dựng đường cao tốc thì đến năm 2021 chúng ta mới hoàn thành được trên 1.000 km đường cao tốc. Như vậy, từ năm 2021 đến năm 2025 chúng ta phải có 3.000 km đường cao tốc. Trong 5 năm chúng ta phải làm đường với tiến độ gấp 2 lần trong 20 năm vừa qua. Mỗi một mốc số liệu đều có ý nghĩa quan trọng. 20 năm qua chúng ta triển khai chưa được nhiều nhưng mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu và đánh dấu mốc son quan trọng trong xây dựng đường cao tốc” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Chúng ta cần dựa trên nền tảng và kế thừa, phát huy những kinh nghiệm đã có trong suốt 20 năm vừa qua để tiếp tục triển khai việc xây dựng các tuyến đường cao tốc trong hai giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.
Đến giờ này chúng ta có thể có số liệu tương đối đầy đủ và cụ thể. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác được 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.729 km. Các dự án thi công đang thi công có tổng chiều dài 350 km. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã khởi công các dự án có tổng chiều dài 1.406 km.
Như vậy, với 1.729 km đã đưa vào khai thác và các dự án đang thi công, đã khởi công tính đến tháng 6/2023 là 1.756 km. Chúng đã đưa vào khai thác sử dụng, đã và đang thi công, khởi công đến ngày hôm nay là khoảng 3.470 km đường cao tốc. Nếu phấn đầu tốt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn thì từ nay đến 2025 chúng ta sẽ đạt mục tiêu có khoảng trên 3.000 km đường cao tốc”.
Cùng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương các công việc của Hà Nội trong thực hiện việc triển khai xây dựng đường Vành đai 4, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng linh hoạt trong công tác điều hành, phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò của người đứng đầu, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân.
Người dân đồng thuận mong dự án sớm về đích
Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, đây là một dấu mốc quan trọng của chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai. Đối với việc khởi công đường Vành đai 4, Đảng bộ và nhân dân, chính quyền địa phương rất vui mừng, phấn khởi vì đây sẽ là điểm kết nối giao thông, liên kết vùng rất tốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời giảm áp lực giao thông cho nội đô.
“Trong thời gian đầu triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng cũng xảy ra nhiều vướng mắc. Song, các lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm, tháo gỡ cùng cơ sở và địa phương. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng cũng như tái định cư đã được chúng tôi thực hiện theo đúng tiến độ đề ra”, ông Sáng cho hay.
Chị Nguyễn Ngọc Hà (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) cho hay, sau khi nhận được thông tin tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể ở địa phương, về công tác di dời mộ để giải phóng mặt bằng triển khai dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã nhanh chóng chấp hành chủ trương.
“Đây là công trình quốc gia nên gia đình tôi và hàng xóm láng giềng rất đồng thuận, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Gia đình tôi đã chọn ngày, chọn giờ tốt để di chuyển mồ mả của các cụ về nghĩa trang mới của xã. Nay dự án được khởi công, tôi rất vui mừng bởi đây là "phúc nhà lộc nước”, góp phần mang lại ấm no cho nhân dân", chị Hà hồ hởi chia sẻ.
Tương tự, bà Phạm Thị Thúy (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) cho biết, ngay khi biết thông tin diễn ra Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, bà phấn khởi đến dự từ sớm. “Không chỉ tôi mà nhiều người dân Sóc Sơn đều mong muốn trong thời gian tới, đường Vành đai 4 được xây dựng, đi vào hoạt động, góp phần giúp việc đi lại dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà, để đời sống người dân chúng tôi ngày càng được cải thiện” - bà Thúy bày tỏ.
Cũng tới dự Lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Giới (Kim Hoa - Mê Linh) chia sẻ, gia đình ông thuộc diện bị thu hồi 860 m2 đất nông nghiệp trồng hoa đào, để phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Mặc dù thuộc diện bị thu hồi đất để phục vụ cho dự án nhưng ông cảm thấy rất phấn khởi và ủng hộ, bởi vậy ngay khi có chủ trương ông nghiêm túc chấp hành. Ông Giới đánh giá, việc thực hiện đền bù, chi trả cho người dân trong thời gian vừa qua rất thỏa đáng.
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) đại diện các nhà thầu bày tỏ niềm vinh dự và trách nhiệm khi đơn vị đã tham gia đấu thầu và được lựa chọn là nhà thầu thi công Gói thầu số 09/TP2-XL đoạn trên địa bàn huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức, là một trong bốn gói thầu xây lắp của Dự án đường song hành trên địa phận thành phố Hà Nội thuộc Dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ông Đào Ngọc Thanh cho biết, trong không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thi đua lập thành tích nhằm thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng Thủ đô Ngàn năm văn hiến phát triển bền vững, với năng lực, kinh nghiệm, sự tâm huyết, yêu nghề của những con người VINACONEX, với tinh thần làm việc “tận tâm vì giá trị thật” của tất cả các cán bộ, nhân viên, các nhà thầu thi công, tư vấn, VINACONEX cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị máy móc, áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để hoàn thành phần việc được giao.
“Với vinh dự và trách nhiệm, Tổng công ty VINACONEX cam kết sẽ triển khai dự án đảm bảo chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ hợp đồng, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội - Vùng Thủ đô Hà Nội, công trình hoàn thành để chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…”, ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km) và tuyến nối (dài 9,7 km).
Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần. Cụ thể, Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 13.362 tỷ đồng. Để thực hiện Dự án thành phần 1.1 sẽ tiến hành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín) của thành phố Hà Nội. Tổng diện tích thu hồi là 798,043 ha, bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ bị ảnh hưởng đất ở bởi Dự án.
Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận thành phố Hà Nội: Tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2 km; quy mô mặt cắt ngang (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) B=12m, mặt cắt ngang cầu B=15,5m. Các hạng mục chủ yếu của dự án: Nền, mặt đường, cầu, thoát nước, chiếu sáng, an toàn giao thông.
Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 113,52 km (Hà Nội: 57,95 km, Hưng Yên: 19,31 km, Bắc Ninh: 36,26 km (26,56 km đường Vành đai 4 và tuyến nối 9,7 km). Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (từ 17,0 m đến 17,5 m).
Riêng mặt cắt ngang các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống (cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng) bề rộng là 24,5 m. Bố trí 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục Đại lộ Thăng Long; nút giao Quốc lộ 6; nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao Quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long), hoàn thiện nút giao Tây Nam, thành phố Bắc Ninh và các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả. UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền đối với 4 Dự án thành phần.
Trong đó, mỗi tỉnh có 2 Dự án thành phần gồm dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh quản lý. Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 671,16/798,043 ha, đạt 84,10%. Tại tỉnh Hưng Yên, đã phê duyệt và thu hồi đất được 161,84/229,88 ha, đạt 70,40%. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và thu hồi đất được 286,712/358,39 ha, đạt 80,0%. Công tác triển khai các dự án thành phần của Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực.
UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án thành phần 1.1 tại Quyết định số 1012/QĐ-UBND ngày 16/2/2023, Dự án thành phần 2.1 tại Quyết định số 1072/QĐ-UBND ngày 20/02/2023. Đối với Dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại Văn bản số 385/CĐCTVN-KHTC ngày 19/04/2023. UBND Thành phố đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 263/TTr-UBND ngày 20/6/2023, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm đinh, dự kiến sẽ hoàn thành công tác thẩm định trong tháng 8/2023.
Thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt dự án trong tháng 9/2023, tổ chức lựa chọn Nhà thầu, Nhà đầu tư và khởi công công trình trong quý I/2024, tổ chức thi công trong thời gian 36 tháng, hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2027.
Đáng chú ý, hiện Hà Nội đã lựa chọn xong nhà thầu xâp lắp, tư vấn giám sát Dự án thành phần 2.1 và hoàn thiện các thủ tục đủ điều kiện khởi công công trình theo đúng quy định Điều 107 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 30, Khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.