Khởi công dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sau 10 năm chuẩn bị
Sáng nay (25.6), dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô được khởi công, động thổ đồng loạt tại 6 vị trí thuộc 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Dự án đường Vành đai 4 kết nối vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, đi qua 14 huyện của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Sau hơn 10 năm, hôm nay (25.6) dự án mới chính thức được khởi công tại Hà Nội, động thổ tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Lễ khởi công tại Hà Nội được tổ chức tại 4 vị trí thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức; Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín. Tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh cũng đồng thời tổ chức lễ động thổ tại 2 địa điểm.
Sau lễ khởi công, tại các địa phương dự án đi qua, sẽ triển khai ngay công tác thi công xây dựng trên toàn dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hà Nội, 4 điểm khởi công gồm vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, giao cắt với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức, giao trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai và nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Tỉnh Bắc Ninh tổ chức khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long, phường Khắc Niệm, TP.Bắc Ninh. Tỉnh Hưng Yên chọn huyện Văn Giang làm điểm khởi công cho dự án vành đai 4 đi qua tỉnh.
Đường này không chỉ giúp giao thông thuận tiện mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội, đến nay các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến.
Các đơn vị chức năng đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành và đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt triển khai thi công ngay sau khi khởi công dự án.
Các quận huyện cũng đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công cho Ban Quản lý dự án. Từ ngày 18.6, nhà thầu đã tiếp nhận và tổ chức triển khai tạo mặt bằng khởi công công trình.
Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo 7 quận huyện có dự án đường vành đai 4 đi qua, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đang vượt kế hoạch TP giao.
Các quận huyện đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội, bao gồm vị trí khởi công để nhà thầu vào tổ chức triển khai khởi công ngày 25.6.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội gồm: 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổng chiều dài đường khoảng gần 113km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP.Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km, đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4 - 6 làn xe, hạn chế tốc độ 80 km/giờ với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m.
Tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 1.386ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỉ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 28.173 tỉ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư BOT là 29.447 tỉ đồng.
Đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 671,16/798,043ha, đạt 84,10%. Tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt và thu hồi đất được 161,84/229,88ha, đạt 70,40%. Tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và thu hồi đất được 286,712/358,39ha, đạt 80,0%.
Về triển khai các dự án thành phần, tại Hà Nội, đã phê duyệt dự án thành phần 1.1, dự án thành phần 2.1. Dự án thành phần 3 (dự án PPP) đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; UBND TP đã trình Hội đồng Thẩm định nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Hiện nay, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang tổ chức thẩm định, dự kiến sẽ hoàn thành công tác thẩm định trong tháng 8.2023. TP.Hà Nội sẽ phê duyệt dự án trong tháng 9.2023, tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và khởi công công trình trong quý 1/2024, tổ chức thi công trong thời gian 36 tháng, hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2027.
Thủ tướng nhắc nhở các đơn vị cần tập trung hoàn thiện giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân theo tinh thần “nơi ở mới ít nhất bằng và cao hơn nơi ở cũ” và yêu cầu kiểm tra nơi ở mới của người dân có ít nhất bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.
Từ thực tế kiểm tra các dự án khác, Thủ tướng nhắc nhở một số công việc cụ thể như: chuẩn bị tốt cho việc huy động vật liệu xây dựng, bãi thải… Các địa phương phải vào cuộc tích cực, tránh tham nhũng tiêu cực trong khai thác vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát, sỏi… Thủ tướng cũng nhắc nhở, cần “vượt nắng thắng mưa”, “3 ca 4 kíp”, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, các tỉnh thành được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Rút kinh nghiệm hạn chế bất cập các dự án trước đây, các bộ có liên quan, các tỉnh thành, bí thư cấp ủy, chủ tịch các cấp chính quyền tích cực bám sát, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền, vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay…Thủ tướng khái quát lại các yêu cầu: “Đảm bảo chất lượng, đảm bảo tiến độ, đảm bảo an toàn kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh, an toàn lao động, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm...".