Khởi công dự án 'Xử lý đất nhiễm chất độc Dioxin' tại sân bay A So
Sáng ngày 2/10, tại sân bay A So (huyện A Lưới, tỉnh TT Huế), Bộ Tự lệnh Hóa học tổ chức khởi công Dự án 'Xử lý đất nhiễm chất độc Dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới'.
Đến dự có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham Mưu trưởng Quân khu 4; Đại diện Văn phòng Chính phủ, cán bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; Đại diện các tổ chức Quốc tế: Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hàn Quốc.
Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải chất độc ở khu vực miền Trung.
Trong 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên - Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu khối lượng lớn dioxin, do đó tỉnh TT Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin. Toàn tỉnh hiện có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới có khoảng 5.000 người.
Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết. “Từ năm 1998 đến năm 2000 các nhà nghiên cứu lên đây để nghiên cứu, sau đó mới phát hiện ở đây tồn lưu chất độc dioxin quá mức cho phép. Do vậy, từ năm 2002 đến 2003 chính quyền địa phương đã di dời bà con ở khu vực này lên phía trên có tồn lưu chất độc nằm trong mức cho phép, tuy vậy nhưng qua quá trình sinh sống bà con rất lo lắng”.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay. “Đây là một dự án mà lần đầu tiên dùng ngân sách của Chính phủ Việt Nam, ngân sách của sự nghiệp môi trường bằng 100%, với tổng đầu tư trên 76 tỷ đồng, đây là một sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, như Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường và các Bộ ngành liên quan.
Theo kết quả điều tra Bộ Quốc phòng, phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường đã tiến hành điều tra trong thời gian qua thì đã khoanh vùng lại, những khu vực mà có đất ô nhiễm cao nhất là độ khoảng 5ha, thì 5ha này cần phải được xử lý triệt để để đưa về ngưỡng an toàn đối với chất lượng về môi trường đất để sử dụng cho nông nghiệp”.
Sau chiến tranh đã có một số dự án khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới. Các kết quả khảo sát đã cơ bản xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So, với diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5,0 ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000 m3. Trong đó, có khoảng 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt (mức độ ô nhiễm rất nặng).
Phát biểu tại lễ khởi công, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Đây là hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hướng tới thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Na đã cam kết với Liên Hiệp quốc.
Nhằm nhanh chống tiến hành các biện pháp tẩy đất ở sân bay A So, tháng 2/2019, Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến trang ở Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng chính phủ đề nghị phép lập dự án: Xử lý đất nhiễm da cam/dioxin tại sân bay A So, A Lưới. Đến nay, Thủ tưởng chính phủ giao cho Bộ quốc phòng trực tiếp là Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì thực hiện dự án.
Việc triển khai thực hiện dự án khẳng định những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Dự án được đánh giá sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng cho tỉnh TT Huế.
Dự án “Xử lý đất nhiễm độc chất dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh TT Huế” dự kiến sẽ được tiến hành trong 2 năm 2020-2022.