Khởi công Khu lưu niệm đồng bào, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc tại Thanh Hóa

Chủ tịch nước mong muốn, sau khi được hoàn thành Khu lưu niệm này sẽ thật sự trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ Việt Nam.

Chủ tịch nước mong muốn, sau khi được hoàn thành Khu lưu niệm này sẽ thật sự trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ Việt Nam.

Sáng 28/8, tại Tp Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; Lễ công bố Quyết định của TT Chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo một số bộ, ngành; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Thành phố Sầm Sơn; đông đảo đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Theo báo cáo tại buổi lễ, từ giữa tháng 10 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955, tại xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa được tin tưởng giao đón tiếp gần 1.700 thương, bệnh binh; trên 47.300 cán bộ; trên 5.900 học sinh, sinh viên và gần 1.450 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra Bắc. Thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho thành phố Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với tầm nhìn chiến lược cách mạng, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương chuyển hàng vạn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo, vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là việc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà thống nhất. Trong đó, đợt tập kết đầu tiên tháng 10/1954, Thanh Hóa là một trong những địa phương đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam đông nhất.

Dù còn khó khăn, nhưng với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa vẫn hân hoan đón tiếp, dành tất cả những điều kiện tốt nhất để chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam. Sau những năm tháng học tập, rèn luyện, lao động và chiến đấu ở Thanh Hóa, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết đã được cử đi thực hiện nhiệm vụ tại nhiều địa phương khác, trong đó một phần lớn quay về Nam chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là một cựu học sinh miền Nam tập kết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng và nghĩa tình thủy chung đến toàn thể đồng bào, đồng chí miền Bắc nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa, Thành phố Sầm Sơn đã có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi công Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Theo VOV.VN

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/khoi-cong-khu-luu-niem-dong-bao-chien-sy-mien-nam-tap-ket-ra-bac-tai-thanh-hoa-76032.html