Khởi công Vở kịch hát 'Ngàn năm mây trắng'

Sáng 18/7, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Lễ Khởi công Vở kịch hát 'Ngàn năm mây trắng' của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.

Tham dự Lễ Khởi công vở kịch hát có ông Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, ông Nguyễn Quang Vinh - NSND, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời buổi Lễ có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đồng thời là tác giả của vở kịch Ngàn năm mây trắng, ông Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

 Lễ Khởi công vở kịch "Ngàn năm mây trắng"

Lễ Khởi công vở kịch "Ngàn năm mây trắng"

Hưởng ứng Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và đăng kí tham dự Liên hoan với vở Kịch hát Ngàn năm mây trắng. Vở kịch hát này đồng thời là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, ông viết vở Kịch thơ này từ đề tài và cảm hứng các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về Nàng Tô Thị.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có vô vàn Hòn Vọng Phu: Người vợ chờ chồng nơi chiến trận trở về; chờ chồng đi biển nhưng bặt vô âm tín; chờ chồng đi làm ăn buôn bán phương xa; chờ chồng đi sứ, đi ra nước ngoài hay một số lý do, hoàn cảnh nào đó…

Trong đó, sự tích (hay truyền thuyết) chờ chồng nơi chiến trận, nỗi niềm chinh phụ - chinh phu vẫn tiêu biểu và điển hình hơn cả. Cũng vì vậy, trong nhóm các sự tích về Hòn Vọng Phu thì sự tích (truyền thuyết) về Nàng Tô Thị mang tính điển hình rất cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, muôn đời lay động lòng người.

Ở nơi địa đầu xứ Lạng của Tổ quốc, phía trên động Tam Thanh, chùa Tam Thanh, thành Nhà Mạc, bên kia là nước láng giềng phương Bắc… lại có pho tượng đá tự nhiên hình mẹ bồng con gợi cho chúng ta hình tượng chinh phụ chờ chồng.

Năm 1997, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ thăm, chiêm bái tượng đá Nàng Tô Thị, và ông viết bài thơ Trước nàng Tô Thị: “Sau ngàn năm, sau vạn năm/ Tôi theo câu hát xa xăm tìm về/Nẻo đường hun hút sơn khê/Vẳng trong gió núi vỗ về lời ru/Chiều nao khói lửa mịt mù/ Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời/ Hay từ đất khách xa xôi/Vần thơ đi sứ rối bời niềm đau/Hay nơi ngõ vắng sông sâu/ Thương trường lỡ bước vó câu bẽ bàng/

Mỏi mòn nửa kiếp hồng nhan/Sương khuya nhuốm tóc, mưa ngàn dội vai/ Tạc trong trời rộng đất dài/ Cho muôn sau bức tượng đài tình yêu/ Tôi đi trong ngẩn ngơ chiều/ Vọng từ hồn đá bao điều đơn sơ/ Hóa thành non nước đợi chờ/ Nàng Tô Thị chẳng chơ vơ giữa đời/ Tim hồng còn rỏ máu tươi/ Chảy trong huyết quản triệu người nhân gian/ Mắt còn vời vợi Nam Quan/ Tảo tần bóng núi non ngàn bãi dâu/ Ngàn năm mây trắng trên đầu”.

 PSG.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả của vở kịch phát biểu tại Lễ Khởi công

PSG.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả của vở kịch phát biểu tại Lễ Khởi công

Bài thơ tiếp tục là cảm hứng, là tứ để ông viết Kịch thơ Ngàn năm mây trắng vào đầu năm 2019.

Kịch thơ Ngàn năm mây trắng là một thể loại khá sở trường của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (4 vở kịch thơ trong số 7 vở kịch nói, kịch hát đã dàn dựng và công diễn của ông, bao gồm Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Thầy Ba Đợi, Ngàn năm mây trắng), tình huống kịch, số phận các nhân vật dựa chủ yếu vào bài thơ nêu trên.

Ba nhân vật chính của vở kịch thơ là Tô Thị (người vợ), Trần Khôi (người chồng), Trương Lỗ (kết nghĩa huynh đệ với Trần Khôi, cuối cùng lộ rõ là kẻ thủ ác). Các nhân vật của tác phẩm được thể hiện số phận, tính cách một cách rõ nét thông qua tài năng, năng khiếu nghệ thuật của các diễn viên thể hiện qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, Cải Lương, hát Xẩm, hát văn Huế.

Cũng vì điều này, vở diễn có cùng lúc hai đạo diễn đó là Đạo diễn - NSƯT Thanh Ngoan phụ trách phần chèo, xẩm, hát văn Huế; Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên phụ trách phần cải lương. Người xem sẽ thú vị và ngạc nhiên khi các ca sỹ (hát truyền thống và hát nhạc mới) của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam hóa thân trên sân khấu bằng những đòi hỏi khắt khe của Kịch hát, Kịch nói, Múa.

Vì vậy có thể nói Ngàn năm mây trắng vừa là vở Kịch thơ, Kịch hát tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm, vừa là sự thử nghiệm có tính “lột xác” của chính các nghệ sỹ và của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi xem Ngàn năm mây trắng người xem trong nước và Quốc tế sẽ có trải nghiệm thú vị khi cùng lúc được thưởng thức nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ Khởi công vở kịch "Ngàn năm mây trắng".

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ Khởi công vở kịch "Ngàn năm mây trắng".

Sau khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, vở Ngàn năm mây trắng sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam, một số đài phát thanh, truyền hình và một số địa phương trong cả nước.

Phát biểu tại Lễ Khởi công vở kịch Ngàn năm mây trắng, PSG.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả của vở kịch cho hay: “Tôi nghĩ vở kịch này là một sự đổi mới mạnh mẽ và có thể thú vị. Nếu dưới bàn tay của các đạo diễn, các diễn viên mà thành công, vở kịch sẽ tạo ra được những ấn tượng nhất định. Tôi hy vọng vở kịch Ngàn năm mây trắng có thể đáp ứng được các tiêu chí Hội nghệ sĩ Việt Nam đặt ra, còn mức độ thành công như thế nào hoàn toàn thuộc về đạo diễn, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công."

Kông Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/le-khoi-cong-vo-kich-hat-ngan-nam-may-trang-d487619.html