Khởi đầu giấc mơ hòa bình cho Nam Sudan

Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua ở Nam Sudan đã nhìn thấy những tia hy vọng hòa bình với việc Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar mới đây nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết sau những cơ hội bị bỏ lỡ.

Theo tờ The New York Times, phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Juba ngày 20-2 vừa qua, Tổng thống Salva Kiir xác nhận thông tin về việc ông và cựu Phó tổng thống-thủ lĩnh đối lập Riek Machar, người hiện sống lưu vong, đã đạt được sự đồng thuận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết và nhấn mạnh rằng những thay đổi này sẽ "mang đến hòa bình" cho Nam Sudan. Theo Tổng thống Salva Kiir, việc đầu tiên mà ông sẽ làm sau khi đạt được sự đồng thuận mang tính lịch sử nói trên là giải tán chính phủ hiện tại để thành lập một chính phủ đoàn kết mới và bổ nhiệm các phó tổng thống, trong đó thủ lĩnh đối lập Riek Machar sẽ giữ chức Phó tổng thống thứ nhất. Tổng thống Salva Kiir cũng khẳng định sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho ông Riek Machar cũng như các thành viên khác của lực lượng đối lập, đồng thời kêu gọi những người tị nạn Nam Sudan hồi hương.

“Chúng tôi đang thảo luận về các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ an toàn cho tất cả những người thuộc lực lượng đối lập. Nếu còn vấn đề gì bất đồng, chúng tôi nhất trí sẽ cùng nhau giải quyết”, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Salva Kiir.

 Tổng thống Salva Kiir (bên phải) và thủ lĩnh đối lập Riek Machar trong cuộc gặp vào tháng 11-2019. Ảnh: Getty Images.

Tổng thống Salva Kiir (bên phải) và thủ lĩnh đối lập Riek Machar trong cuộc gặp vào tháng 11-2019. Ảnh: Getty Images.

Năm 2011, Nam Sudan giành được độc lập và trở thành quốc gia non trẻ nhất thế giới. Thế nhưng, chỉ hai năm sau đó, mâu thuẫn giữa Tổng thống Salva Kiir và cấp phó của mình là ông Riek Machar đã đưa quốc gia này bước vào một cuộc nội chiến mới. Cũng kể từ đó đến nay, tình trạng xung đột sắc tộc và bạo lực đẫm máu giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và lực lượng ủng hộ cựu Phó tổng thống Riek Machar tại Nam Sudan đã khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng, đồng thời là nguyên nhân dẫn tới một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất tại châu Phi trong nhiều năm qua. Dù hai bên đã ký kết thỏa thuận hòa bình vào tháng 9-2018, song việc thành lập chia sẻ quyền lực vẫn rơi vào bế tắc. Gần đây nhất, ngày 12-11-2019, hai bên thống nhất đề ra thời hạn thành lập chính phủ đoàn kết trong vòng 100 ngày, như một phần trong thỏa thuận hòa bình.

Điểm mấu chốt dẫn tới sự bế tắc trong đàm phán thành lập chính phủ đoàn kết ở Nam Sudan là do đôi bên không đồng thuận về vấn đề địa giới hành chính và cách phân chia các bang. Sau khi giành độc lập vào năm 2011, Nam Sudan được chia thành 10 bang, nhưng đến nay quốc gia này có tổng cộng 32 bang. Theo quan điểm của thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar, một trong những điều kiện then chốt để có thể thành lập một chính phủ đoàn kết là phải đưa Nam Sudan trở lại hệ thống quản lý hành chính gồm 10 bang hoặc 21 bang như trước khi quốc gia này giành độc lập. Cách đây ít ngày, Tổng thống Salva Kiir đã chấp thuận yêu cầu chia đất nước thành 10 bang và thêm 3 "khu vực hành chính" là Pibor, Ruweng và Abyei. Tuy nhiên, lực lượng đối lập do ông Riek Machar lãnh đạo tiếp tục phản đối việc thành lập các khu vực hành chính này.

Bên cạnh đó, quá trình đàm phán lâu nay không thể ngã ngũ là do hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung về giải quyết vấn đề an ninh, trong đó có việc thành lập quân đội chung và bảo đảm an toàn cho ông Riek Machar khi ông này trở lại thủ đô Juba.

Theo nhận định của luật sư người Uganda Barney Afako, dù đã nhất trí về việc thành lập một chính phủ đoàn kết, cuộc xung đột tại Nam Sudan chưa hẳn đã hoàn toàn chấm dứt. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một tín hiệu thực sự tích cực, khiến người dân Nam Sudan có thể bắt đầu tin rằng, hòa bình không còn là một giấc mơ quá xa vời.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/khoi-dau-giac-mo-hoa-binh-cho-nam-sudan-610583