'Khơi' đầu ra cho sản phẩm OCOP
Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao. Nắm bắt xu hướng này, để tháo gỡ khó khăn và 'khơi thông' đầu ra cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), thành phố Hà Nội đã và đang tổ chức các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô.
Đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng
Từ đầu tháng 8-2023 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức 2 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2023 tại quận Bắc Từ Liêm và quận Long Biên. Mỗi sự kiện có sự tham gia của khoảng 50 gian hàng của hơn 40 doanh nghiệp, chủ thể, hợp tác xã đến từ Hà Nội và các tỉnh: Hà Tĩnh, Yên Bái, Khánh Hòa, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa… Hai sự kiện thu hút khá đông người tiêu dùng Thủ đô và du khách tới tham quan, mua sắm, thực sự là cơ hội cho các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới thị trường.
Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Mai phấn khởi cho biết, tham gia tuần hàng do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức, công ty bán được khá nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, đây là dịp để công ty nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng nội đô, từ đó cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Còn bà Nguyễn Thu Hằng, ở đường Xuân La, quận Tây Hồ chia sẻ, Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2023 tổ chức ở quận Bắc Từ Liêm có nhiều trái cây, như: Nhãn, sầu riêng, bơ… Các loại trái cây này tươi ngon, có nguồn gốc, xuất xứ, giá cả hợp lý, nên bà Hằng yên tâm mua về để sử dụng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng, nhằm tuyên truyền về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm OCOP bảo đảm tiêu chuẩn, thủ tục của nhà phân phối, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng...
Thời gian qua, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng, giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì. Các sản phẩm ngày càng phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm...
Các sự kiện tuần hàng giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Không những thế, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, góp phần quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Tiếp tục hỗ trợ tìm đầu ra
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP. Cụ thể là: 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.372 sản phẩm; đồ uống 47 sản phẩm; thảo dược 39 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 660 sản phẩm; vải và may mặc 47 sản phẩm; du lịch 2 sản phẩm. Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" đổi mới tư duy sản xuất, đáp ứng trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, từ tháng 8 đến hết năm 2023, đơn vị sẽ tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cụ thể, Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức 4 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn; 4 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố công nhận tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Mặt khác, các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online cũng cần chủ động tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-dau-ra-cho-san-pham-ocop-637807.html