Khởi đầu từ trò giỏi

1. Đầu tháng 7 này, giáo dục Thừa Thiên Huế đón nhận lần lượt 2 tin vui. Một là, em Võ Quang Phú Đức, học sinh lớp 11 chuyên Toán góp mặt ở trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. Cách mà Võ Quang Phú Đức giành chiến thắng cho thấy nội lực, sự tự tin và khả năng vượt khó khi em là thí sinh dự trận thi quý 3 bằng “tấm vé vớt”. Phú Đức là thí sinh đứng thứ 2 cuộc thi tháng. Trong cuộc so tài để một lần nữa mang cầu truyền hình trở lại Huế, có những lúc đại diện cho Quốc Học bị các đối thủ vượt lên, đặc biệt trong phần thi về đích. Nhưng Phú Đức tỏ rõ sự bình tĩnh thi đấu, chắc chắn trong từng đáp án được đưa ra. Qua đó, giành lại được những điểm số để chiến thắng.

 Võ Quang Phú Đức giành giải Nhất quý 3 ở "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 24. Ảnh: Đăng Trình

Võ Quang Phú Đức giành giải Nhất quý 3 ở "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 24. Ảnh: Đăng Trình

Hai là, tấm Huy chương Bạc giành được tại Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 35 (IBO 2024) ở thành phố Astana, nước Cộng hòa Kazakhstan của Hồ Đức Trung, học sinh lớp 12 chuyên Sinh Trường THPT chuyên Quốc Học. Khát vọng chinh phục quốc tế của Trung có từ rất sớm. Khi còn là học sinh ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hồ Đức Trung đã thể hiện niềm đam mê đặc biệt với môn sinh học, thích làm các thí nghiệm về sinh học. Đậu thủ khoa vào chuyên Sinh, Trung đã có những chuẩn bị cần thiết ngay từ lớp 10, để rồi có được vinh quang vào giữa tháng 7 này.

Với sự góp mặt của Võ Quang Phú Đức, Trường THPT chuyên Quốc Học là ngôi trường đầu tiên của cả nước đạt thành tích 2 lần liên tiếp và 7 lần có học sinh tham dự Chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Sau Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (năm 2005), Nguyễn Mạnh Tấn (năm 2008), Hồ Ngọc Hân (năm 2009), Thái Ngọc Huy (năm 2011), Hồ Đắc Thanh Chương (năm 2016) và Nguyễn Minh Triết (2023) và năm nay là Võ Quang Phú Đức. Còn với Hồ Đức Trung là học sinh Quốc Học thứ 4 đoạt huy chương Sinh học quốc tế, sau Trương Đông Hưng (HCV năm 2017), Hồ Việt Đức (HCV năm 2020), Trương Văn Quốc Đạt (HCB năm 2022). Có một điểm đặc biệt cần lưu ý, Hồ Đức Trung là em ruột của Hồ Việt Đức.

2. Trong câu chuyện và thành tích của Phú Đức và Đức Trung, tôi đã có cảm nhận về mạch nguồn và sự tiếp nối truyền thống của cả một vùng đất và của gia đình. Không còn nghi ngờ, các em thực sự là trò giỏi xuất sắc của quê hương hiếu học và tôi thực sự xúc động khi nhìn tấm ảnh thân thương chụp Hồ Đức Trung bên cạnh ông Hiệu trưởng Nguyễn Phú Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh. Hay như, đằng sau hành trình “leo núi” của Võ Quang Đức Phú hôm nay, thấy thấp thoáng các thầy, cô giáo và những anh chị hay người bạn của em ở ngôi trường “hồng” Quốc Học trong cuộc thi Nguyệt quế đỏ. Thiết nghĩ, đó là minh chứng cho câu nói “Không thầy đố mày làm nên”.

Đến đây, tôi nhớ tới cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh có dịp tiếp xúc từ năm 2020 ngay khi anh trai của Hồ Đức Trung là Hồ Việt Đức mang tấm HCV thứ 2 cho bộ môn sinh ở đấu trường quốc tế về cho Huế. Tôi đã như bị cuốn hút trong câu chuyện say sưa và tâm huyết của cô, từ việc phát hiện ra tố chất “hơn người” và niềm đam mê bộ môn sinh học đến việc cùng với đồng nghiệp, đồng hành cùng cậu học trò cưng khổ luyện để có được vinh quang. Rõ ràng, chính năng lực vượt trội và khả năng vượt khó của bản thân cùng với tâm huyết của những người thầy đã hun đúc nên một Hồ Việt Đức có kiến thức, kỹ năng, tâm lý ổn định và bản lĩnh, xứng đáng với tấm Huy chương Vàng quốc tế.

Có nhiều vấn đề liên quan đến phát triển giáo dục. Nhưng thiết nghĩ, việc hình thành được đội ngũ những người thầy ưu tú, vừa hồng lại vừa chuyên phải được xem là vấn đề then chốt. Nhiều bạn bè là học sinh chuyên, từng là học sinh giỏi quốc gia và cả quốc tế nữa, bây giờ đã về hưu, vẫn luôn nhớ về với sự trân quý dành cho thầy Quang, thầy Khải (bên toán) hay thầy Hoan, cô Quỳnh, cô Quế (bên văn), xem họ như nhân tố thành công trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Tôi cũng rất mừng là gần đây tỉnh ta đã có những chủ trương “trải thảm” để mời gọi những giáo viên xuất sắc và thực hiện những đãi ngộ thỏa đáng để “giữ chân” và làm yên lòng đội ngũ giáo viên của Trường chuyên Quốc Học.

3. Hai trong số nhiều nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, liên quan đến phát triển giáo dục và hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Đó là, Nghị quyết 05 - NQ/TU, ngày 24/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết 17 - NQ/TU, ngày 13/5/2022 về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khi mà căn bệnh thành tích và tâm lý “con gà muốn hơn nhau tiếng gáy” vẫn phổ biến với không ít nghi ngờ về giá trị thực của những tấm huy chương hay vòng nguyệt quế. Tuy nhiên, không vì thế mà Võ Quang Phú Đức hay Hồ Đức Trung không xứng đáng với danh hiệu trò giỏi, học sinh xuất sắc. Thiết nghĩ, đó là những hạt nhân quý và là thành quả đáng tự hào của giáo dục địa phương. Giáo dục có nhiều mục tiêu để phấn đấu nhưng điều không thể phủ nhận là phải hướng đến đào tạo và góp phần hình thành nên nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước và cho cả địa phương. Để đạt được mục tiêu đó, với các trường học như Quốc Học là có được càng nhiều trò giỏi như Phú Đức, như Đức Trung càng tốt.

Đình Nam

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/khoi-dau-tu-tro-gioi-143091.html