Khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh là sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học. Việc tìm kiếm những ý tưởng khoa học mới lạ, độc đáo góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của giáo viên và HS trong các trường phổ thông; đồng thời cũng là cơ hội để các em giới thiệu kết quả nghiên cứu, sáng tạo KHKT của mình.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh (HS) trung học toàn tỉnh là sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học. Việc tìm kiếm những ý tưởng khoa học mới lạ, độc đáo góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) của giáo viên và HS trong các trường phổ thông; đồng thời cũng là cơ hội để các em giới thiệu kết quả nghiên cứu, sáng tạo KHKT của mình.

Các giáo viên hướng dẫn và nhóm học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh.

Các giáo viên hướng dẫn và nhóm học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh.

Để Cuộc thi có sức lan tỏa rộng rãi, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động và có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường về cách thức tổ chức, tham gia Cuộc thi.

Điều đáng mừng là Cuộc thi ngày càng thu hút đông đảo các trường tham gia. Bên cạnh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên là đơn vị đã có truyền thống và kinh nghiệm trong việc hướng dẫn HS NCKH, nhiều trường cũng mạnh dạn tham gia và đạt được những thành tích đáng mừng, như: Trường THPT Lương Ngọc Quyến, Trường Tiểu học, THCS, THPT IRIS, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường (Võ Nhai)…

Từ vòng loại cấp trường có 180 dự án tham gia vòng sơ khảo, Ban Giám khảo đã chọn được 154 dự án thuộc 18 lĩnh vực đủ điều kiện tham dự cuộc thi cấp tỉnh, với 301 học sinh cấp THCS, THPT, cùng với các thầy, cô giáo và các nhà khoa học tham gia. Kết quả, có 107/154 dự án đạt giải, với tỉ lệ 69,5% (trong đó có 2 giải Nhất, 26 giải Nhì, 35 giải Ba, 44 giải Tư).

Trong số 107 dự án đoạt giải, Dự án “Chế tạo bề mặt chức năng trên đề nhôm mô phỏng hình thái thiên nhiên định hướng thu thập nước trong không khí cho các khu vực khó khăn khô hạn” của nhóm HS Nguyễn Thùy Dương, Đào Quỳnh Mai, lớp 11A2, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, là 1 trong 2 dự án được trao giải Nhất.

Em Nguyễn Thùy Dương phấn khởi nói: Theo tìm hiểu của chúng em, nước bao phủ 70% bề mặt trái đất, trong đó chỉ có khoảng 3% nước trên Trái đất là nước ngọt có thể sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt của con người. Khoảng 2/3 lượng nước trên trái đất tồn tại dưới dạng khối băng lớn như sông băng tại 2 cực của Trái đất, phần còn lại là nước biển hoặc không thể sử dụng được. Trước tình hình khan hiếm nước sạch diễn biến ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống, chúng em muốn đóng góp công sức của mình vào việc nghiên cứu các quy trình chế tạo các bề mặt có tác dụng thu thập nước, định hướng ứng dụng vào đời sống và sản xuất.

Với vai trò là giáo viên hướng dẫn, Th.s Hoàng Hữu Quý, dạy môn Vật lý, thông tin thêm: Cuộc thi KHKT được Nhà trường triển khai thường niên trong năm học. Từ lớp 10, Nguyễn Thùy Dương và Đào Quỳnh Mai đã nêu ý tưởng với tôi. Nhận thấy đây là ý tưởng mới, hay, tôi động viên các em đăng ký tham gia. Đầu năm học 2022-2023, nhóm đã đăng ký với Nhà trường thực hiện Đề tài. May mắn cho thầy trò chúng tôi là được Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho mượn phòng thí nghiệm để thực hiện các thí nghiệm theo quy trình. Cuộc thi giúp HS phát huy khả năng sáng tạo, là cơ sở để sau này học chuyên nghiệp các em phát huy tốt hơn công tác NCKH.

Dự án “Mô hình máy bơm nước tự động dựa trên tác dụng lực của dòng nước” của nhóm học sinh Dương Trịnh Hoài Thu và Hà Chí Tường, lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường (Võ Nhai), đoạt giải Nhì cấp tỉnh, được Hội đồng Giám khảo đánh giá rất cao về tính ứng dụng.

Thầy giáo Mai Tuấn Khương, trực tiếp hướng dẫn nhóm HS, thông tin thêm: Ở các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số bà con nhân dân thường dùng cọn nước để dẫn nước về đồng ruộng sản xuất, phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, cọn nước không thể đưa nước lên cao được. Từ ý tưởng của nhóm HS, tôi đã định hướng cho các em tập trung nghiên cứu ra một thiết bị đưa nước từ dưới thấp lên cao mà không dùng sức người, không sử dụng điện. Dựa vào những kiến thức đã được học như môn Vật lý, môn Công nghệ, cùng với tìm hiểu thực tế ở địa phương, nhóm đã nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt và vận hành thành công một mô hình máy bơm nước tự động dựa trên tác dụng lực của dòng nước. Mô hình hoạt động ổn định, dễ dàng sử dụng, hiệu quả, ứng dụng tốt tại các địa phương có sông, suối, kênh, mương chảy thường xuyên…

Kết quả trên cho thấy, nếu nhà trường nào cũng biết khơi nguồn sáng tạo của HS thì sẽ phát huy năng lực của các em trong việc học tập đi đôi với thực hành. Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Trong số rất nhiều dự án tham gia dự thi có những dự án mà ý tưởng, quá trình nghiên cứu và kết quả thực hiện đã thực sự mang lại nhiều bất ngờ cho không chỉ các em HS mà cả với các thầy cô giáo, các chuyên gia. Cuộc thi KHKT là sân chơi khoa học bổ ích và trí tuệ của HS, giúp các em thêm yêu khoa học thông qua việc áp dụng, đưa những kiến thức được học vào thực tiễn với những ý tưởng khoa học mới, góp phần thúc đẩy phong trào NCKH của giáo viên và HS. Cuộc thi giúp các em có thói quen sinh hoạt và làm việc khoa học hơn. Ngành Giáo dục sẽ lựa chọn các dự án có chất lượng để đại diện cho HS toàn tỉnh tham gia Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp quốc gia sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3-2023.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202302/khoi-day-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-tronghoc-sinh-0854212/