Khơi dậy giá trị lịch sử
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc, ngày 15/11, tỉnh Cà Mau đã tổ chức 2 sự kiện trọng điểm: Hội thảo khoa học '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử' và Hội nghị 'Kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản năm 2024'. Hai sự kiện không chỉ đánh giá vai trò lịch sử, tầm nhìn chiến lược mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa của địa phương.
Giá trị lịch sử từ sự kiện tập kết ra Bắc
Hội thảo khoa học với chủ đề Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử" đã thu hút nhiều đại biểu, gồm: các nhà sử học, nhà nghiên cứu và lãnh đạo địa phương. Đây là dịp để tái hiện một trang sử hào hùng của dân tộc, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ trong việc tổ chức tập kết ra Bắc.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: "Sự kiện tập kết ra Bắc không chỉ là một bước đi chiến lược mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng trong việc chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Hội thảo là dịp để nhìn lại những nỗ lực phi thường của Nhân dân miền Nam và các chiến sĩ tập kết, cũng như sự hy sinh to lớn trong giai đoạn đầy thử thách này". Các bài tham luận đã làm rõ ý nghĩa lịch sử của sự kiện. Theo đó, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương tái hiện tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào miền Nam. Những lá thư, lời động viên chân thành từ Bác không chỉ là nguồn cổ vũ tinh thần mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc mạnh mẽ, là nguồn động lực để các chiến sĩ miền Nam kiên trì trong cuộc đấu tranh.
Viện Lịch sử quân sự và Viện Hồ Chí Minh đã trình bày các bài tham luận trọng tâm, làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức tập kết lực lượng ra Bắc. Đây không chỉ là một bước lùi mang tính chiến thuật, mà còn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau chia sẻ: "Chúng tôi đã rút ra những bài học quý báu về cách tổ chức dân vận, đảm bảo an ninh trật tự và chăm lo đời sống cho Nhân dân trong thời gian tập kết. Đây là minh chứng cho sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh".
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh việc giáo dục thế hệ trẻ thông qua những câu chuyện lịch sử xúc động từ sự kiện tập kết. Việc đưa những câu chuyện này vào chương trình học giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước, sự hy sinh và ý chí kiên cường của cha ông. Các ý kiến cũng đề xuất phát triển những địa danh lịch sử như "Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc" thành điểm đến du lịch, kết hợp khai thác tiềm năng kinh tế và văn hóa từ di sản lịch sử...
Nâng cao giá trị sản phẩm từ hội nghị xúc tiến
Nhân sự kiện kỷ niệm trên, tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị: "Kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản năm 2024" với mục đích nâng cao giá trị kinh tế của tỉnh. Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: "Hội nghị là cơ hội để tỉnh đánh giá lại toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời xây dựng các liên kết bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế".
Sự kiện đã thu hút nhiều tập đoàn phân phối lớn như: Central Retail, Coop Mart, Bách Hóa Xanh và AEON. Các nhà phân phối đã kết nối trực tiếp với doanh nghiệp địa phương, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm và đề xuất những cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò của Bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau phát triển. "Chúng tôi cam kết đồng hành cùng tỉnh Cà Mau trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững" - bà Thắng khẳng định.
Hội nghị cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp địa phương kết nối với Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản, EU và Mỹ. Hai sự kiện quan trọng trên không chỉ góp phần ôn lại truyền thống lịch sử mà còn mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh Cà Mau. Bởi hội thảo khoa học đã ghi lại những câu chuyện xúc động từ các nhân chứng lịch sử, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng công lao của cha ông. Với sự kết nối chặt chẽ giữa giá trị lịch sử và kinh tế, tỉnh Cà Mau đang hướng đến việc phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có. Đây là cơ hội lớn để địa phương vươn xa, khẳng định vị thế của tỉnh nằm ở điểm cuối bản đồ hình chữ S.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/khoi-day-gia-tri-lich-su_170102.html