Khơi dậy khát vọng chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Sau 75 năm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến có ý nghĩa rất quan trọng, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, giới văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước.
Phân tích trúng, đúng những vấn đề đặt ra về phát triển văn hóa
Hội nghị đã đánh giá một cách hệ thống, khách quan, đúng sự thật việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra các giải pháp trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Từ đó thống nhất về quan điểm để chấn hưng văn hóa trong thời gian tới.
Tại hội nghị, bài phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên tục nhận được những tràng vỗ tay của đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng. Bài phát biểu cũng nhận được sự đồng thuận rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận đánh giá là đã nói trúng, nói đúng những tâm tư, nguyện vọng, kỳ vọng của giới trí thức, văn nghệ sỹ và nhân dân về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đề cập sâu đến những vấn đề đang đặt ra hiện nay trong công tác văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư cũng chia sẻ: “Trong thời kỳ đổi mới này, tôi thấy tiếc quá, chưa có tác phẩm nào nổi tiếng! Ngày xưa biết bao nhiêu bài bây giờ hát vẫn hay, tình cảm, xúc động, lay động lòng người… Sáng tác thế nào để giáo dục chứ không phải chạy theo mốt, bắt chước nước ngoài một cách phản cảm, không có chọn lọc, không phù hợp với văn hóa dân tộc”.
Cán bộ, nhân viên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh theo dõi thông tin về Hội nghị toàn quốc qua Báo Tuyên Quang.
Ảnh: Quang Hòa
Theo đồng chí Đỗ Thu Hương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: “Hội nghị đã khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong mỗi người dân Việt Nam, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.
Theo dõi hội nghị qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng chí Trần Thị Năm, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang) cho rằng, hội nghị đã đánh giá rất cụ thể, khách quan kết quả phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm qua. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, hội nghị cũng nhìn nhận thẳng thắn vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa. “Tôi cho rằng, để phát triển văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, trước hết, các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền”.
Đồng chí Đàng Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái (Na Hang) chia sẻ: “Theo dõi hội nghị, tôi nhận thấy, vai trò của việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, nhất là bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch hết sức quan trọng. Là người đứng đầu cấp ủy cơ sở, tôi sẽ trực tiếp cùng với Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy xã tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc Dao Tiền, gắn với phát triển du lịch”.
Đồng chí Vũ Văn Quyết, công chức Văn hóa-Xã hội xã Thiện Kế (Sơn Dương) theo dõi hội nghị tại điểm cầu huyện Sơn Dương chia sẻ: “Từ khi làm cán bộ văn hóa, đây là lần đầu tiên, tôi được dự một hội nghị triển khai Nghị quyết của Đảng về văn hóa có tầm cỡ như vậy. Hội nghị đã giúp mỗi chúng ta nhìn nhận đầy đủ và sâu sắc hơn về vai trò của văn hóa trong đời sống. Khi nhận thức đúng về văn hóa mới có những giải pháp đúng để phát triển văn hóa. Tôi rất cảm động trước tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác văn hóa. Những đánh giá tại hội nghị về kết quả, hạn chế trong phát triển văn hóa được chỉ ra rất đúng với thực tế hiện nay”.
Với việc nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế, hội nghị cũng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, có tính khả thi để phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là động lực phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội.
Phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội
Tại hội nghị, vai trò, ý nghĩa to lớn của văn hóa là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn được đặc biệt nhấn mạnh. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó giải pháp phát triển, chấn hưng văn hóa cần phải đặt ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Cần phải khắc phục tư tưởng “duy kinh tế” tức là chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Bên cạnh đó giải pháp trọng tâm được nhiều đại biểu đưa ra đó là xây dựng hệ giá trị gia đình trong giai đoạn mới cần được quan tâm, cần xây dựng văn hóa trong Đảng để làm gương từ chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, giải pháp về xây dựng văn hóa trong Đảng trước tiên tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi chỉ khi đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức, lối sống trong sáng, chuẩn mực mới tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xây dựng môi trường văn hóa trong nhân dân.
Theo nhà thơ, nhà báo Ngọc Hiệp, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh mong muốn: “Giải pháp đưa ra tại hội nghị là đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội là rất đúng đắn, cần thiết. Trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa một cách quy mô, đồng bộ”.
Tại hội nghị, vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ được đề cao trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Do đó cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; tôn vinh tài năng, cống hiến của đội ngũ này cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Nghệ sỹ Nguyễn Phi Khanh, hội viên Hội VHNT tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, giải pháp khuyến khích, đãi ngộ, tôn vinh tài năng cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ cần sớm được thể chế hóa vào cuộc sống. Đây sẽ là động lực để khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác, đóng góp nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị cao, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam.
Hội nghị kết thúc thành công và mở ra những “tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị cũng đã khơi dậy khát vọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam trở thành nguồn động lực nội sinh, sức mạnh to lớn để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, cường thịnh.