Khơi dậy khát vọng cống hiến từ 'Ý Đảng – Lòng Dân'

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: 'Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nhằm đưa đất nước ta từng bước phát triển hùng cường, thịnh vượng'. Lần đầu tiên, Văn kiện Đảng đã gợi mở, thúc đẩy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh hơn trong mỗi người dân theo đúng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn'. Không nằm ngoài guồng quay đó, khát vọng phát triển đất nước giờ đây được cụ thể hóa rõ ràng hơn với 'Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long' mà ở đó mỗi người dân, người cán bộ, đảng viên đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng để đưa mảnh đất nơi rồng thiêng hội tụ này 'cất cánh'. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài với 3 kỳ 'Khơi dậy khát vọng cống hiến từ 'Ý Đảng – Lòng Dân' của tác giả Lan Hương.

Kỳ 1: Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân

Bài học “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang giá trị sâu sắc của thời đại, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Việc huy động được sức mạnh, trí tuệ tập thể và sự đồng thuận của nhân dân sẽ là chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển quận Tây Hồ ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với tầm vóc và vị thế vùng đất trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội.

Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân năm 1969 với nhan đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Nêu gương chính là hành động của người đảng viên nhằm tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội, có tính thuyết phục, thuận lòng người và có vai trò dẫn dắt nhân dân làm theo. Đây vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa là phương pháp giáo dục có sức thuyết phục tốt nhất, hiệu quả nhất.

Đứng trước thực tiễn trên địa bàn có nhiều ngõ nhỏ, hàng ăn, những điểm xả rác bừa bãi, xe cộ đỗ lòng đường gây cản trở giao thông, đồng chí Lê Văn Hoàng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ dân phố (TDP) số 2, phường Quảng An nhận thấy để xóa được những điểm nghẽn trên cần sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân sinh sống trên địa bàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban MTTQ phường về đăng ký điển hình xây dựng ngõ văn minh đô thị, cấp ủy Chi bộ 2 đã nhóm họp, nhất trí và vận động các chi hội đoàn thể và nhân dân để thực hiện việc xây dựng tuyến ngõ văn minh tại ngõ 34 Đường Âu Cơ.

Những ngày đầu triển khai, khó khăn bủa vây từ nhiều phía, từ việc chưa huy động được kinh phí đến nhân lực tham gia. Trong khi đó, chỉ còn 25 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang. Tuy nhiên, dần dần từng bước, đồng chí Lê Văn Hoàng đã quyết tâm nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, trước mắt là kêu gọi sự tham gia của những đồng chí đảng viên và các quần chúng ưu tú trong tổ dân phố ngay từ những ngày đầu. Điều này đã tạo sự lan tỏa và được đông đảo người dân trong tổ dân phố ủng hộ.

Với sự đồng lòng nhất trí, việc xây dựng ngõ 34 Âu Cơ trở thành tuyến ngõ văn minh đã hoàn thành trước dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hiệu quả của mô hình này đã tạo tiền đề để Chi bộ 2 tiếp tục xây dựng hoàn thành thêm 3 ngách còn lại của ngõ 310 Đường Âu Cơ. Đến nay, TDP số 2 đã xóa 5 điểm rác, lắp 25 camera giám sát an ninh, có 25 điểm đặt bình phòng cháy.

“Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề. Nhưng bài học của sự thành công chính là phát huy vai trò nêu gương của đảng viên và công tác dân vận để huy động được sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, ban công tác mặt trận và sự ủng hộ của cộng đồng dân cư”, đồng chí Lê Văn Hoàng chia sẻ.

Theo bà Võ Thị Lan, cư dân sinh sống tại TDP số 2, phường Quảng An: "Việc chúng tôi là những người dân cao tuổi, thậm chí có hôm có những những đảng viên 75 tuổi, 80 tuổi, những đảng viên cựu chiến binh, hội viên phụ nữ ra quét dọn, sơn sửa lại tuyến ngõ đã lôi kéo, thu hút toàn thể nhân dân trong khu phố tham gia. Đây chính là cách vận động “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” tài tình, khéo léo của Bí thư Hoàng".

Đồng chí Lê Huy Hưng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận TDP số 14, phường Phú Thượng năm nay đã 71 tuổi và có 12 năm làm Bí thư Chi bộ. Qua nhiều năm trên cương vị Bí thư Chi bộ, đồng chí xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng các “Tuyến ngõ văn minh” trên địa bàn dân cư số 14. Từ tháng 7-2020, trên cơ sở sáp nhập các TDP, TDP 14 có 12 tuyến ngõ trong đó có 9 ngõ phố, 3 ngõ dân sinh và 1 đường gom cầu Nhật Tân. Trước đây, ngõ 1 Đường An Dương Vương là một con ngõ thường xuyên để xảy ra tình trạng ngập úng và tai nạn giao thông. Đây cũng là nơi tụ nhiều điểm chân rác, tình trạng chó thả rông diễn ra phổ biến, các cây cảnh, chậu hoa của nhà dân để tràn xuống lòng, lề đường… gây mất mỹ quan đô thị. Tại thời điểm đó, đồng chí Bí thư Chi bộ đã nhóm họp cấp ủy cùng Ban Công tác mặt trận TDP 14 lựa chọn ngách 1/1 An Dương Vương là tuyến ngõ kém nhất về mỹ quan đô thị để tiến hành xây dựng “Ngõ văn minh đô thị” nhằm tạo đột phá và sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Đồng chí Lê Huy Hưng cho biết: “Trước khi làm, TDP phải tiến hành họp các hộ dân trong ngõ, trao đổi, lấy ý kiến của người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và các đảng viên hai chiều về chủ trương xây dựng ngõ văn minh nhằm tìm tiếng nói thống nhất cũng như sự ủng hộ của cư dân địa phương".

Như vậy, chỉ trong 2 ngày thứ bảy, chủ nhật, với lực lượng nòng cốt là đội ngũ đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ, đảng viên hai chiều là các hộ dân trong ngõ, lực lượng cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên đã tiến hành tổng vệ sinh, sơn sửa, đi lại đường dây điện của ngách 1/1 An Dương Vương, dỡ bỏ các bục bê tông gây cản trở giao thông.

Ngay sau khi tuyến ngách 1/1 Đường An Dương Vương hoàn thành việc xây dựng "ngõ văn minh đô thị", Chi bộ giao TDP và Ban Công tác mặt trận tiếp tục vận động nhân dân xây dựng hai ngách còn lại của ngõ 1 An Dương Vương. Năm 2023, ngõ 1 An Dương Vương chính thức được công nhận là "ngõ văn minh đô thị".

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì được tuyến ngõ văn minh đô thị tại đây quả không dễ dàng. Đồng chí Lê Huy Hưng cho biết, ngoài việc tiếp tục vận động tuyên truyền trên nhóm Zalo các khu phố, tuyến ngõ, gần 2 năm qua, đích thân đồng chí cùng cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận đã tuyên truyền, vận động người dân quyên góp được 20 triệu đồng để lắp đặt được hệ thống 13 camera an ninh tại 3 ngõ dân sinh của TDP để có thể quan sát, duy trì vệ sinh, cảnh quan đô thị của tuyến ngõ. Đến nay, điểm đen về tai nạn giao thông cũng như tập kết rác bừa bãi đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” và Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ cụ thể hóa bằng việc xây dựng Kế hoạch 118-KH/QU, ngày 27-1-2023 về thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng viên bốn tốt”. Đây là mô hình sáng tạo riêng biệt của quận Tây Hồ trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và sau này đã được Thành ủy lựa chọn để nhân rộng ra toàn Đảng bộ Thành phố theo Hướng dẫn số 06-HD/TU, ngày 18-7-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về Một số nội dung thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”.

Theo đó, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa nội dung về các tiêu chí của “chi bộ bốn tốt” và “đảng viên bốn tốt”. Trong đó, nhấn mạnh đến các yếu tố: (1) phải nâng cao tỷ lệ đảng viên tham dự sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ khu dân cư; (2) phải nâng cao số lượng, chất lượng ý kiến tham gia thảo luận tại buổi sinh hoạt; (3) chỉ đạo các chi bộ nghiêm túc thực hiện sinh hoạt chuyên đề theo từng quý về các nội dung như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lựa chọn những vấn đề hạn chế, nhiệm vụ trọng tâm chi bộ để ban hành nghị quyết chuyên đề…

Như vậy, để thực hiện có hiệu quả mô hình "Chi bộ 4 tốt", mỗi đảng viên trong chi bộ cũng cần có sự tham gia, hiến kế, thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình, qua đó góp phần xây dựng chi bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nền tảng quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Điểm đặc biệt nữa là ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng, “đảng viên 4 tốt” phải thực hiện việc đăng ký nhiệm vụ khó khăn, phức tạp ngay từ đầu năm. Ví dụ như, trong năm 2023, toàn Đảng bộ quận Tây Hồ tiến hành triển khai việc xây dựng “Chi bộ bốn tốt, đảng viên bốn tốt” thì tất cả các đồng chí bí thư các TCCSĐ đều phải đăng ký triển khai thực hiện mô hình này. Đối với chi bộ thuộc khối hành chính, năm 2023, việc thực hiện các kết luận sau thanh tra là hết sức quan trọng, do đó Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo các cán bộ, đảng viên của các phòng chuyên môn có liên quan phải đăng ký thực hiện có hiệu quả nội dung trên. Hoặc đối với các vấn đề cần vận động nhân dân trong nhiều năm nhưng chưa thực hiện được thì từ các đảng viên trong chi bộ đến các đồng chí Bí thư Đảng ủy các phường phải đăng ký để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.

Năm 2023, Đảng bộ Công an quận Tây Hồ triển khai việc xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng viên bốn tốt” trong đó có việc đảng viên đăng ký nội dung việc mới, việc khó. Theo đó, 314 đảng viên của Đảng bộ Công an quận đăng ký 452 nội dung; 223 đảng viên của Chi bộ Công an phường đăng ký 315 nội dung.

Kết quả, đến ngày 15-11-2023, 100% các đảng viên hoàn thành nội dung đã đăng ký, thậm chí có 135/547 (24,68%) đảng viên đã hoàn thành vượt mức đạt từ 120% đến 300% nội dung đã đăng ký. Do vậy, từ việc là Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, năm 2023, Đảng bộ Công an quận được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiếp đà năm 2023, cán bộ, chiến sỹ toàn Công an quận đã đăng ký 647 việc mới, việc khó thuộc thẩm quyền, chức trách được giao trong năm 2024.

Theo đồng chí Trần Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ, Quận ủy rất coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện xây dựng mô hình “Chi bộ bốn tốt, đảng viên bốn tốt” và giám sát việc đăng ký việc mới, việc khó của đảng viên. Hằng quý, các đồng chí Thường trực Quận ủy đều bố trí lịch tham dự sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là chi bộ khu dân cư để nắm bắt tình hình. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Quận ủy được chia thành các tổ cấp ủy và tiến hành xây dựng lịch phân công từng đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy lịch dự sinh hoạt các chi bộ thuộc địa bàn mình quản lý. Đảng ủy các phường cũng cử các đồng chí cấp ủy viên tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ. Các buổi dự sinh hoạt đều có kèm theo phiếu đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, gửi về Ban Tổ chức Quận ủy để tổng hợp báo cáo Thường trực Quận ủy.

Từ đây, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đảng viên từ cơ sở được được lắng nghe, giải quyết thấu đáo, tận tình.

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của riêng Đảng, mà còn là trách nhiệm của nhân dân, bởi Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thì mỗi người dân là một động lực xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định một nguyên lý sâu sắc: “Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết”, “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”.

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện đang là cư dân sinh sống tại phường Quảng An, Tây Hồ cho biết: “Nhiều người nghĩ, huy động nguồn lực của nhân dân là huy động tiền. Nhưng nguồn lực lớn nhất là huy động sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân với các chủ trương, chính sách của quận. Khi đã có sự đồng thuận thì họ sẽ xả thân làm. Có được sự đồng thuận thì việc gì cũng thành”.

Minh chứng rõ nét nhất thể hiện tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023 với màn múa “Vũ điệu kết đoàn” tại Không gian sáng tạo quận Tây Hồ (Phố Đi bộ Trịnh Công Sơn) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là màn múa vũ điệu kết đoàn có số lượng người tham gia biểu diễn đông nhất Việt Nam.

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, màn múa với sự quy tụ của 1.200 diễn viên không ai khác chính là cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân quận Tây Hồ, những người dân không chuyên về văn nghệ biểu diễn… nhưng với tình yêu với Tây Hồ, khát vọng Tây Hồ - khát vọng được cống hiến cho Tây Hồ, cho Thủ đô, 1.200 con người đã hòa chung một nhịp đập, đồng lòng cố gắng luyện tập hết sức mình cho thành công của Ngày hội. Đây là tiết mục thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong toàn quận, là cầu nối để cấp ủy, chính quyền các cấp trong quận gần dân, sát dân và ngày càng hiểu dân hơn.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng hàng đầu để nhân dân có thể phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng là phải thực hành dân chủ rộng rãi, để làm sao thật sự dân là chủ, dân làm chủ. Đây cũng là yếu tố được Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ chú trọng thực hiện.

Theo đó, trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” và Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, lãnh đạo quận Tây Hồ đã tiếp 11.568 lượt công dân; tiếp nhận 11 859 đơn; giải quyết 612 vụ/623 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 98,2%; 277 vụ/284 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,5%; 10.630 đơn/10.952 đơn kiến nghị, phản ánh, đạt tỷ lệ 97%.

Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo tổ chức 58 cuộc đối thoại định kỳ, 27 hội nghị đối thoại đột xuất với số lượt người tham gia tại hội nghị đối thoại có khoảng 18.200 lượt người, với 826 lượt ý kiến gửi trước và 345 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị… Kết quả giải quyết các nội dung sau đối thoại đạt trung bình từ 80 - 85%.

Đình kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận tổ chức tiếp công dân trong một ngày. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng định kỳ tổ chức tiếp công dân và các cuộc đối thoại với nhân dân.

Đặc biệt, với những vụ việc phức tạp, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhân dân, lãnh đạo quận sẽ thực hiện theo phương châm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tìm kiếm tiếng nói thống nhất và sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.

Như tại thời điểm năm 2022, khi Đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An với công trình nhà hát đa năng tại hồ Đầm Trị là điểm nhấn được công bố, đã được UBND quận Tây Hồ tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư.

Cuối tháng 12-2023, UBND TP. Hà Nội đã có Thông báo số 526/TB-VP thống nhất điều chỉnh ranh giới Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian bán đảo Quảng An theo đề xuất của UBND quận Tây Hồ. Theo đó, quận cũng đã tuyên truyền rộng rãi về đồ án Quy hoạch, đồng thời gửi kèm phiếu lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đối với điều chỉnh ranh giới đồ án.

(Còn tiếp)

Lan Hương

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/dan-voi-dang/khoi-day-khat-vong-cong-hien-tu-y-dang-long-dan-21338