Khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong tiêu dùng hàng Việt

Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới và biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

Đoàn chủ tọa điều hành Hội nghị.

Đoàn chủ tọa điều hành Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cùng 500 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị, hiệp hội nghề nghiệp các địa phương…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, 10 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp, ngành Công thương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý; nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.

“Những kết quả đó góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, hằng năm đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 12%, tương đương trên 60% GDP nền kinh tế. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ.

Đặc biệt, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở khi hiện nay, công tác tuyên truyền chưa rộng khắp, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt. Công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để, thậm trí có doanh nghiệp đã lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi. Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng; chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chưa dành nguồn lực thích đáng cho quảng bá hàng hóa, dịch vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động có lúc, có nơi chưa thật sự đầy đủ, thực chất, khách quan.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Để khắc phục được những vấn đề này, đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA; đưa ra những giải pháp triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; nhất là khâu thiết kế, cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng mạng lưới phân phối.

Đặc biệt là những giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.

 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về Cuộc vận động trong bối cảnh mới, quan tâm giới thiệu hàng Việt Nam với đông đảo người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.

“Bộ Chính trị, Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả thiết thực Cuộc vận động”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn, thách thức. Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết.

Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, ông Trần Quốc Vượng cho rằng, thời gian tới, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, chinh phục được người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Đồng thời, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng…

“Cuộc vận động sẽ tiếp tục có bước tiến bộ mới, tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt trong tiêu dùng hàng Việt”, ông Trần Quốc Vượng khẳng định.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Nguyễn Phượng
Ảnh: Quang Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-cuoc-van-dong/khoi-day-niem-tu-hao-dan-toc-trong-tieu-dung-hang-viet-tintuc443693