Khơi dậy sự dấn thân của nhà báo trẻ

Nghề nghiệp nào cũng cần sự dấn thân, nghề báo cũng vậy. Với những nhà báo trẻ, sự dấn thân không chỉ bó hẹp trong nhiệm vụ sản xuất nội dung thuần túy mà thêm vào đó, họ còn đảm đương những nhiệm vụ khác, nỗ lực hướng đến xã hội tốt đẹp hơn.

Lao động miệt mài

Trong gian khó mới tỏ lòng nhau, quả đúng như vậy. Cách đây 2 năm, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, không chỉ các lực lượng tuyến đầu như y - bác sĩ, bộ đội biên phòng... xung trận, báo chí cũng tiếp bước theo sau bằng hàng loạt chuyến công tác. Thời điểm đó, những nhà báo, đặc biệt là lực lượng nhà báo trẻ đã tiếp cận tâm dịch, đến và lăn lộn ở những nơi hiểm nguy đến sức khỏe, tính mạng như các vùng dịch, ổ dịch hay khu cách ly.

Thời điểm đó, đội ngũ người làm báo đều tâm niệm rằng, phải tới nơi để chứng kiến tận mắt, gặp trực tiếp những người trong cuộc thì mới có thông tin, hình ảnh thời sự, thuyết phục, khách quan gửi đến độc giả, khán - thính giả trong nước và thế giới. Chẳng ai khác ngoài báo chí làm được điều đó. Và thực tế cũng cho thấy, bức tranh chống dịch Covid-19 của Việt Nam được phản ánh đa chiều, khách quan và làm nổi bật lên hình ảnh đất nước kiên cường.

Thời điểm hiện tại, các nhà báo trẻ sẽ có nhiều cơ hội làm nghề và phát triển nhưng cũng đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Ảnh: Đinh Luyện

Thời điểm hiện tại, các nhà báo trẻ sẽ có nhiều cơ hội làm nghề và phát triển nhưng cũng đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Ảnh: Đinh Luyện

Theo nhà báo Vũ Thị Liễu (Báo VTCnew), nghề báo có những đặc thù rất riêng, nếu không có sự thích ứng và tâm thế sẵn sàng hi sinh những niềm vui, lợi ích cá nhân thì rất khó để đeo bám với nghề. Chẳng hạn, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, để có những góc nhìn toàn cảnh về công tác chống dịch, người làm báo phải chấp nhận làm việc với tần suất gấp đôi, gấp ba ngày bình thường. Đặc biệt, dưới “báo động đỏ” của tòa soạn, người làm báo phải luôn trong tâm thế lao ra đường khai thác thông tin bất kể ngày đêm.

Không chỉ dấn thân nơi tuyến đầu chống dịch, kể về kỷ niệm bài viết “Giá như tôi giữ được lời thề khi kết nạp Đảng” nằm trong tuyến đề tài “Lời thề trước cờ Đảng” vừa vinh dự nhận giải B Búa Liềm Vàng, nhà báo Vũ Thị Liễu cho biết, bài viết kể về một nữ cán bộ, từng là Đảng viên gương mẫu nhưng vô tình đẩy cả người chồng làm công an cùng vướng vào vòng lao lý do lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi thực hiện bài viết, nhà báo Vũ Thị Liễu gặp khó khăn vô cùng. Việc tìm kiếm nhân vật phù hợp quả thực rất khó, mặc dù phía Cục C10, Bộ Công an hay lãnh đạo Công an địa phương đều hỗ trợ liên hệ các phạm nhân từng là Đảng viên đang thi hành án, tuy nhiên, họ đều từ chối trả lời phỏng vấn. “May mắn, trong chuyến công tác tại Trại giam Ngọc Lý, khi tôi đề cập đến đề tài đang theo đuổi, các cán bộ, giám thị đã tìm kiếm hồ sơ phạm nhân, chọn được đúng nhân vật mà tôi yêu cầu” - nhà báo Vũ Thị Liễu chia sẻ.

Trường hợp của nhà báo Vũ Thị Liễu chỉ là một trong những ví dụ cho thấy quá trình lao động vất vả của các phóng viên, nhà báo trẻ. Thực tế, để tìm ra sự thật, truyền tải những thông tin có giá trị đến với bạn đọc, có những phóng viên, nhà báo từng bị dọa giết, thậm chí bị hành hung khi phản ánh những vấn đề gai góc trong cuộc sống. Nhà báo Hoàng Văn Chiên (Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay) đã không ít lần bị đe dọa, thậm chí “nằm trong tầm ngắm” của các đối tượng xấu khi cố gắng phanh phui những vụ việc tiêu cực.

Tuy nhiên, vượt qua những thách thức, anh vẫn luôn cố gắng cao nhất để mang sự thật đến cho bạn đọc. Những cố gắng của anh và các đồng nghiệp cũng được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Đó là những giải thưởng cao quý của nghề như Giải Báo chí Quốc gia, Giải Diên Hồng… và nhận được sự trân trọng từ những đồng nghiệp cũng như độc giả trong và ngoài nước.

Dấn thân vì một xã hội tốt đẹp hơn

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Nơi đây cũng tập trung nhiều cơ quan báo chí lớn với lợi thế về thông tin, công nghệ, địa bàn. Ở đó, các nhà báo trẻ sẽ có nhiều cơ hội làm nghề và phát triển nhưng cũng đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Trong công cuộc chấn chỉnh, xây dựng môi trường báo chí văn hóa, nhà báo văn hóa, những người trẻ cầm bút cần phải được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo trẻ cũng cần ý thức hơn nữa về vai trò, vị thế để dưỡng “tâm trong”, rèn “bút sắc”. Biết mình là ai, phụng sự điều gì thì các nhà báo trẻ mới tự tin sử dụng từng con chữ với cái tâm sáng phục vụ bạn đọc.

Là nhà báo thuộc thế hệ 9X, đam mê dấn thân và tìm ra những góc khuất của cuộc sống để từ đó phản ánh và nỗ lực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, Phó Trưởng Ban Thời sự Báo Lao Động Trần Vương chia sẻ, với tác phẩm báo chí, bạn đọc sẽ không quan tâm đó là người trẻ hay người có kinh nghiệm thực hiện. Điều mà họ quan tâm đó chính là giá trị thông tin mà những bài báo mang lại. Đây vừa là thuận lợi để người trẻ theo đuổi nghề có “sân chơi” với những người đã làm việc lâu năm trong nghề. Tuy nhiên, đó cũng là khó khăn với những người trẻ làm báo để sản xuất được tác phẩm báo chí có chất lượng.

Theo Phó Trưởng Ban Thời sự Báo Lao Động, nghề báo cần rất nhiều kỹ năng từ kỹ năng phát hiện vấn đề, phát hiện đề tài, liên hệ nhân vật, phỏng vấn… Và những kỹ năng đó không phải “tự dưng mà có” hay “từ trên trời rơi xuống”. Nói cách khác, những kỹ năng đó được thiết lập, hình thành qua quá trình trau dồi, học hỏi, thực hành thực tế và tích lũy kinh nghiệm mà có được.

“Tài sản của người trẻ đi làm báo có gì? Tôi nghiệm ra rằng đó chính là tuổi trẻ. Chính tuổi trẻ của họ làm cho tờ báo có sức sống mới. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, những người trẻ đi làm báo cũng gặp không ít khó khăn trong việc quản lý thời gian, công việc, nhận định, đánh giá vấn đề. Song, tôi quan niệm rằng hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chân. Chính bởi vậy, những người trẻ nếu có tình yêu, trách nhiệm và sự kiên trì, chịu khó hoàn toàn có thể theo đuổi nghề báo”, nhà báo Trần Vương nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm làm báo trên 30 năm, ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội cho rằng, đội ngũ phóng viên, nhà báo trẻ, hiện đang có nhiều lợi thế. Nhà báo trẻ hiện nay có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, thụ hưởng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đến gần hơn với thế giới. Họ có thêm những “chìa khóa” mở cửa thế giới đó là công nghệ thông tin, là ngoại ngữ, là khoa học công nghệ. Chính bởi những thuận lợi và lợi thế kể trên, người làm báo trẻ muốn vững hơn với nghề thì rất cần sự lăn xả, không ngại khó, ngại khổ và cần sự “chậm” lại một chút để có thể trau dồi bản lĩnh, học hỏi kinh nghiệm của lớp đàn anh trong nghề.

“Những người trẻ cần luôn học hỏi. Nghề báo là nghề nghiệp đặc thù, bởi vậy những người làm báo trẻ cần học hỏi không ngừng, sẵn sàng lăn xả để đi đến cùng sự thật. Đặc biệt, họ phải biết tu dưỡng, tự hoàn thiện trở thành nhà báo có văn hóa. Tôi mong muốn các cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí Thủ đô luôn là người lính xung kích trên mặt trận thông tin, tư tưởng. Không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, quan điểm lập trường cũng như nghiệp vụ làm báo…”, ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội đưa ra lời khuyên.

Rõ ràng, để có một tác phẩm báo chí chất lượng cao, hay một tác phẩm báo chí tốt, cần có nhiều yếu tố. Chẳng hạn như, đó phải là một nhà báo tốt, phải có một môi trường làm việc tốt và một không khí báo chí tốt. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo để có tác phẩm báo chí chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết trong mỗi cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để phóng viên phát huy cao nhất năng lực, sở trường và học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mặt khác, bản thân mỗi phóng viên, nhà báo cũng cần phải tự ý thức, không ngừng trau dồi và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức của mình. Khi hội đủ kỹ năng nghiệp vụ và bản lĩnh, “lửa nghề” của người làm báo trẻ sẽ luôn được giữ vững, góp phần tích cực trong việc xung kích trên mặt trận tư tưởng.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-day-su-dan-than-cua-nha-bao-tre-157299.html