Khơi dậy sức dân làm đẹp thêm 'miền quê cổ tích'
Phóng sự: Phan Minh Quỳnh
Trở lại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, điều khiến chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi “miền quê cổ tích" đang được đánh thức, tô điểm bởi những công trình xây dựng trị giá hàng chục tỷ đồng từ sức dân… Kết quả này là nhờ “những người lái thuyền” Đảng ủy và chính quyền xã đã làm rất tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân từ bản dưới đến bản trên chung sức xây dựng nông thôn mới.
Những công trình “0 đồng”
Đến Ngọc Chiến, đúng thời điểm lãnh đạo xã đang cùng cán bộ và dân bản Nà Tâu thực hiện tháo dỡ các công trình, tường rào để mở rộng đường nội bản. Đây là bản mà Đảng bộ xã chọn đưa vào Nghị quyết xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng.
Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường đã được mở rộng lần 1, đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, vui mừng thông tin: Tuyến đường nội bản được mở rộng giai đoạn 1 có chiều dài 5 km và rộng 6 m. Hiện tại, bà con nhân dân đang tiếp tục tự tháo dỡ tuyến trung tâm bản để mở rộng đường lên 8 m, sau giải phóng xong mặt bằng sẽ bắt tay ngay vào xây kè đá và làm các tường, cổng bằng đá cuội. Điều đáng nói, đây là 1 trong 101 tuyến đường lớn, nhỏ với chiều dài 45 km đã được xã vận động nhân dân các bản hiến đất mở rộng, góp công đổ bê tông mà không phải dùng đến tiền ngân sách Nhà nước.
Đang lựa chọn từng viên đá cuội để xây tường rào, ông Cà Văn Song, bản Nà Tâu, phấn khởi nói: Nhà báo khi vào bản đi qua cổng chào bằng đá, mái lợp pơ mu và giờ thấy bà con đang xây lại tường rào bằng đá cuội có ấn tượng không? Tôi chắc chắn cả tỉnh chưa nơi nào làm được công trình đá cuội như bản tôi.
Ở Nà Tâu, ngoài tuyến đường đang được người dân góp công mở rộng còn có Khu tâm linh, với điểm nhấn là Nhà thờ tổ làm bằng gỗ, bậc thang và sân kè, lát đá cuội, trong khuôn viên có cây Sa Mu ngàn năm tuổi, đường kính thân lên tới hơn 3 m, nơi hằng năm đồng bào các dân tộc chọn là địa điểm tổ chức cúng trời, đất và tổ tiên với ước mong cầu sức khỏe, mùa màng tươi tốt, mưa thuận, gió hòa và quê hương giàu mạnh…
Dưới tán cây Sa Mu ngàn năm tuổi, ông Tòng Văn, Bí thư chi bộ bản Nà Tâu, bảo: Toàn bộ khu Tâm linh được bản mở rộng, trang trí và xây dựng hoàn thiện lại với diện tích 2.000 m² theo đúng nghị quyết Đảng bộ xã đề ra. Khách đến tham quan đều đặt câu hỏi, công trình do ai thiết kế mà rất ấn tượng? Chúng tôi nói do bà con trong bản tự thiết kế và góp công, góp sức để làm! Nếu tính về giá trị đóng góp công, vật liệu của nhân dân trong bản để xây dựng phải trị giá trên 2 tỷ đồng. Xã đang đề xuất với các cấp để công nhận cây Sa Mu là cây di sản.
Không chỉ hiến đất, góp sức mở rộng đường giao thông nội bản, thực hiện các chủ trương mà nghị quyết xã đã đề ra, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến còn tuyên truyền, vận động nhân dân trồng 18.646 cây ban, mai anh đào trị giá 2,5 tỷ đồng dọc tuyến đường trung tâm xã; mỗi bản đã xây dựng 1 sân vận động rộng 1.500 m² trở lên, trị giá gần 9 tỷ đồng; xây dựng xong 19 cổng chào của bản làm bằng gỗ pơ mu hoặc xây bằng đá cuội, mỗi cổng có kích thước cao 6 m, rộng 8 m, tổng trị giá 17 tỷ đồng; các bản lắp gần 2.200 chiếc cột điện, trị giá trên 2 tỷ đồng. Toàn xã hiện có 18 homestay và nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi và tắm khoáng cho khoảng 20.000 lượt khách/năm…
Nhắc đến những công trình “0 đồng” của Ngọc Chiến, anh Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, tự tin nói: Những công trình “0 đồng” là niềm hãnh diện của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân xã Ngọc Chiến và là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của nhân dân, thể hiện nghị quyết Đảng ủy xã đề ra trúng, đúng. Tính riêng giá trị góp đất của các hộ đã hàng chục tỷ đồng! Còn tính theo giá thị trường tổng chi phí để thực hiện các công trình ước hơn trăm tỷ đồng.
Cùng làm với dân
Chuyện “thời sự” được người dân tại các bản của xã Ngọc Chiến quan tâm, bàn luận nhiều nhất hiện nay là làm thế nào để xây dựng bản mình trở thành bản đẹp nhất, thu hút được nhiều khách du lịch. Nói là làm, nhiều bản thi nhau làm cổng chào, làm tường rào bằng đá cuội; rồi cử người đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn cách làm guồng nước, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan… Nói vui như Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, Lò Văn Thoa: Nếu có cuộc thi xem xã nào có nhiều thợ xây nhất, thì Ngọc Chiến chắc sẽ đứng trong tốp đầu của tỉnh!
Luồng gió mới mang đến sự thay đổi cho Ngọc Chiến hôm nay bắt đầu với sự kiện Đảng ủy xã Ngọc Chiến xây dựng và ban hành Nghị quyết số 65 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, du lịch trên địa bàn với 55 chủ trương và bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2020. Trong đó, có chủ trương thành lập Tổ công tác “Ngày thứ 7 với dân”.
Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ, cho biết: Trong 55 chủ trương đề ra thì thành lập Tổ công tác “Ngày thứ 7 với dân” được xác định là một trong những việc đầu tiên phải thực hiện. Trước khi thực hiện, xã đã họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn xã. Qua xin ý kiến bằng hình thức biểu quyết đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên. Sau đó, Đảng ủy xã đã thành lập 15 Tổ công tác “Ngày thứ 7 với dân” do các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy xã phụ trách. Mỗi tổ từ 3-5 người phụ trách một bản. Ngày thứ 7 của tuần thứ 4 hằng tháng, cán bộ có mặt ở bản mình phụ trách để kịp thời nắm bắt tình hình, trực tiếp giải quyết các vướng mắc và cùng người dân làm nông thôn mới (NTM).
Là Tổ trưởng Tổ công tác “Ngày thứ 7 với dân” phụ trách bản Nậm Nghiệp đã hơn 1 năm, anh Lò Văn Đậu, công chức Văn phòng thống kê UBND xã Ngọc Chiến, vui mừng nói: Tổ công tác đã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, xây dựng nếp sống mới. Trong năm 2020, xã đã dồn lực, huy động tất cả cán bộ, công chức xã lên bản Nậm Nghiệp giúp đỡ người dân. Kết quả, đã cùng với nhân dân làm được 91 nhà vệ sinh tự hoại, dựng 121 cột điện thắp sáng, làm lò đốt rác mini, làm cổng nhà, cổng bản. Bản còn trích tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và huy động người dân đóng góp ngày công bê tông hóa được 3,5 km đường nội bản.
Bản Nậm Nghiệp mà anh Đậu nhắc đến là nơi sinh sống của 121 hộ đồng bào dân tộc Mông, nằm cách trung tâm xã 11 km nhưng đến được bản phải mất hơn 40 phút đi xe máy với điều kiện trời không mưa, phải là tay lái cứng và quen đường. Anh Đậu, kể tiếp: Ngày đầu về bản tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã, một số bà con nói việc gì phải làm nhà vệ sinh? làm cổng nhà làm gì? Từ trước đến nay ở vậy có sao đâu! Nhiệm vụ của Tổ công tác phải ở lại để tuyên truyền, giải thích và thuyết phục người dân.
Dân vận khéo - thuyết phục tốt là cách làm mà các Tổ công tác “Ngày thứ 7 với dân” đã mang đến “cuộc cách mạng” thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Đến nay, tháng nào các Tổ công tác vẫn đang duy trì về bản "cùng làm” với bà con…
Biết học Bác vì nhân dân
Sau một ngày xem Ngọc Chiến “chuyển mình”! Hơn 7 giờ tối, chúng tôi dừng chân nghỉ tại Homestay bản Đông Suông, được thưởng thức những món ăn mang đậm văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái. Ông Lò Văn Pháng, chủ Homestay nói: Tất cả là nhờ Bí thư Sỹ - người “có uy tín” trẻ nhất vùng, lãnh đạo nhân dân làm theo. Để làm được mâm cơm ưng ý, níu chân du khách, Đảng ủy xã đã mời đầu bếp được đào tạo chuẩn về tập huấn, dạy chế biến món ăn và kỹ năng bày mâm cơm cho bà con. Trong bữa ăn rôm rả, chúng tôi còn nghe nhiều tin vui, như Đảng bộ xã ban hành nghị quyết để sau đó xã hội hóa xóa được 18 nhà tạm tại các bản; xây dựng bản...
Cách làm dân vận khéo trong xây dựng NTM của Ngọc Chiến đã và đang tạo sức lan tỏa, nhiều xã, bản trong tỉnh đã đến học tập. Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư huyện ủy Mường La, nhận xét: Đảng ủy Ngọc Chiến đã bám sát Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Mường La để xây dựng, ban hành Nghị quyết sát thực tiễn, phát huy tiềm năng, lợi thế của cơ sở. Cách làm hay của Đảng ủy xã Ngọc Chiến là việc xây dựng ban hành Nghị quyết bằng việc đánh số từng đầu việc và sử dụng những câu từ ngắn gọn, để dân dễ hiểu, dễ nhớ, như “Trồng cỏ voi diệt cỏ dại”, “Thắp sáng làng quê”... Đây là mô hình, cách làm hay cần được nhân rộng.
Sau bữa cơm đậm chất ẩm thực dân tộc, đêm đầu thu ở bản Đông Suông se lạnh, chúng tôi rảo bước trên những con đường bê tông “0 đồng” được chiếu điện sáng trưng không khác gì các thị trấn, thị tứ. Bí thư Đảng ủy Bùi Tiến Sỹ, người đã viết đơn xin tăng cường về xã Ngọc Chiến, bảo: Thật vui, vì sau gần 2 năm nhận nhiệm vụ tại xã, đến nay 100% số bản của xã đều có điện thắp sáng như thế này. Với sự thống nhất, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay xã đã thực hiện thành công 27 chủ trương mà nghị quyết đã ban hành. Còn 28 chủ trương trên các lĩnh vực đang được xã tiếp tục triển khai và cũng đang tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành các nghị quyết đã đề ra trong 4 năm tới!
Học và làm theo Bác, người cán bộ ở Ngọc Chiến đã hướng về cơ sở lắng nghe dân nói và đi trước, làm trước để nói dân nghe! Chúng tôi tin những cán bộ biết học Bác Hồ vì nhân dân sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, khơi dậy sức dân, xây dựng nông thôn mới ở “miền quê cổ tích" thành công hơn nữa, đưa đời sống nhân dân ngày một phát triển.