Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động

Phong trào 'Sáng kiến sáng tạo', 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' được các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai trong thời gian qua đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Từ phong trào, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp công nghệ có giá trị, làm tăng năng suất lao động đã ra đời, làm lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhiều sáng kiến điển hình

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Nam Từ Liêm, cho biết, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: "Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm"… bởi vậy, thời gian qua phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sáng kiến sáng tạo” được LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tích cực triển khai, hưởng ứng, duy trì.

Đáng chú ý, phong trào thi đua đã góp phần động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ của từng CNVCLĐ trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút kinh nghiệm từ nghề nghiệp, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở, Ban Thường vụ LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã lựa chọn và quyết định biểu dương 242 sáng kiến sáng tạo cấp quận năm 2023.

Công nhân lao động hăng hái tham gia lao động sản xuất. Ảnh: Đinh Luyện

Công nhân lao động hăng hái tham gia lao động sản xuất. Ảnh: Đinh Luyện

Theo đại diện LĐLĐ quận Nam Từ Liêm, qua phong trào, nhiều gương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sáng tạo tiêu biểu đã được phát hiện và tôn vinh. Chẳng hạn, nghiên cứu giải pháp thí nghiệm cắt mẫu đá tự động của nhóm tác giả Đào Đăng Minh, Ngô Văn Luyện và Nguyễn Đình Khiêm tại Công ty Cổ phần FECON đã giúp đơn vị ký được 1,3 tỷ tiền thí nghiệm. Theo đó, tại dự án mỏ Niken Bản Phúc, đơn vị tư vấn đã tìm kiếm nhiều nhà thầu thí nghiệm đạt chuẩn để thực hiện dự án, tuy nhiên kết quả thí nghiệm của các đơn vị này không đảm bảo nên toàn bộ công tác thí nghiệm được chuyển về Úc thực hiện. Sau khi xem xét phương pháp luận của thí nghiệm và làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn, nhóm nghiên cứu quyết định thực hiện sáng kiến cải tiến thiết bị thí nghiệm dựa trên các thiết bị sẵn có. Với sáng kiến này, đơn vị ký được 1,3 tỷ tiền thí nghiệm, lợi nhuận từ 60-70%. Sáng kiến cũng đã giúp công ty thực hiện thành công 3 gói thầu tại dự án mỏ Niken Bản Phúc.

Tương tự, tại thị xã Sơn Tây, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây Hứa Đức Tuấn cho biết, thống kê toàn thị xã có 67/191 lượt đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có các hoạt động sáng kiến; 3.321 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đăng ký, viết đề tài sáng kiến, giải pháp hữu ích; tập trung chủ yếu trong ngành Giáo dục và các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Đáng chú ý, số đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích được công nhận là 814 sáng kiến cải tiến cấp cơ sở được áp dụng vào sản xuất và công tác, từ đó làm lợi hàng tỷ đồng. Kết quả, từ phong trào, toàn thị xã có 1.620 Công nhân giỏi cấp cơ sở; có 2 đồng chí đạt danh hiệu Công nhân giỏi cấp thành phố Hà Nội; 64 đồng chí đạt “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” cấp thị xã năm 2022; nhiều tập thể được Trung ương, Thành phố và thị xã Sơn Tây tặng Cờ, bằng khen, giấy khen; số CNVCLĐ được công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thị xã 23 người, cấp thành phố Hà Nội là 21 người.

Ông Hứa Đức Tuấn cũng chia sẻ, từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương cá nhân điển hình tiên tiến, say mê lao động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ CNVCLĐ thị xã. Chẳng hạn, giải pháp của kỹ sư chế tạo máy Công ty CP K.I.P Việt Nam Nguyễn Hữu Kỷ - với cải tiến, thiết kế khuôn dập các chi tiết kim loại đã làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng.

Để phong trào đi vào chiều sâu

Theo Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây Hứa Đức Tuấn, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn các cấp phát động đã được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thu hút người lao động tham gia và được cụ thể hóa vào các ngành nghề phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng đơn vị, địa phương. Điểm sáng tạo nữa là LĐLĐ Thị xã triển khai và gắn phong trào với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi sự thiết thực này, phong trào thi đua lao động sáng tạo trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ do LĐLĐ thị xã phát động ngày càng thu hút được đông đảo cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị tham gia cả về số lượng và chất lượng.

Mặc dù phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào cải tiến kỹ thuật trong đoàn viên, CNVCLĐ đạt được một số kết quả đáng kể, song theo ông Hứa Đức Tuấn, việc phát động, tổ chức phong trào cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Dễ thấy nhất là công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động ở các Công đoàn cơ sở chưa sâu, sức lan tỏa mới chỉ tập trung nhiều ở các đơn vị sự nghiệp, trường học…

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về phong trào, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo tổ chức phong trào và biểu dương, khen thưởng sáng kiến sáng tạo từ cấp cơ sở đến cấp quận vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, một số lãnh đạo, cán bộ Công đoàn đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng đối với sự phát triển bền vững của đơn vị, doanh nghiệp và tăng năng suất lao động.

Ngoài ra, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ nói chung, phong trào “Lao động giỏi” phấn đấu đạt danh hiệu, “Sáng kiến sáng tạo” nói riêng ở một số đơn vị chưa được duy trì thường xuyên, còn nặng về hình thức. Nhiều nơi chỉ chú trọng đến công tác khen thưởng mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức phát động và duy trì các phong trào thi đua, nên hiệu quả chưa cao, chưa động viên, khích lệ thu hút đông đảo người lao động tích cực tham gia, hưởng ứng.

Bàn về giải pháp để khắc phục những hạn chế, theo Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây, để phong trào tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới đòi hỏi các cấp Công đoàn phải tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp với chính quyền tăng cường trách nhiệm của mình; cần tuyên truyền rõ mục đích, ý nghĩa của công tác thi đua, hướng dẫn, vận động tạo điều kiện cho đoàn viên, CNVCLĐ hăng hái đăng ký thi đua với những nội dung và biện pháp cụ thể, hướng vào mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác. Các cấp Công đoàn cũng cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát triển sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, lấy đây làm nòng cốt của phong trào thi đua yêu nước.

Đặc biệt, cần duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm cùng với nhiều hình thức ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi và các hội thi tay nghề, sáng kiến, sáng tạo trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-day-suc-sang-tao-cua-nguoi-lao-dong-159208-159208.html