Khơi dậy tiềm năng giao thông thủy nội địa

TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông, kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành phố phía Nam và giữa các quận, huyện trong thành phố. Đây là tiềm năng lớn về giao thông nội thủy, góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ, tạo nét đặc trưng trên bến dưới thuyền của thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Nhận rõ tiềm năng này, TP Hồ Chí Minh đã mở nhiều tuyến buýt đường sông hiệu quả như tuyến Bạch Đằng (quận 1)-Linh Đông (TP Thủ Đức); Bạch Đằng-Phú Mỹ Hưng (Củ Chi)...

Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều tuyến sông rạch vắng tàu, thuyền qua lại. Đơn cử như tuyến sông Vàm Thuật nối quận Gò Vấp với nhiều quận, huyện của thành phố nhưng có rất ít tàu, thuyền qua lại.

Sông Vàm Thuật, TP Hồ Chí Minh luôn vắng tàu, thuyền qua lại.

Sông Vàm Thuật, TP Hồ Chí Minh luôn vắng tàu, thuyền qua lại.

Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ thuyền, ngụ tại quận Gò Vấp bày tỏ: “Nguyên nhân là tuyến sông có nhiều rác thải, lục bình trôi dạt gây ô nhiễm môi trường, vì vậy, tàu, thuyền đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, các bến kết nối với giao thông đường bộ cũng còn ít nên vận chuyển hành khách, hàng hóa không thuận tiện”.

Thành phố xác định thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh là thời cơ, điều kiện để thành phố phát triển giao thông thủy nội địa, không để những con sông vắng đò. Đây cũng là vấn đề lớn đòi hỏi nhiều kinh phí và tác động đến nhiều thành phần kinh tế, đời sống nhân dân. Vì vậy, thành phố tổ chức nghiên cứu, triển khai các bước đi, lộ trình phù hợp.

Trước hết, TP Hồ Chí Minh tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch cụ thể, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nhằm lựa chọn, xây dựng điểm những tuyến sông, rạch tại trung tâm thành phố; bảo đảm đồng bộ giữa đường hàng hải với đường thủy nội địa. Thành phố quan tâm ưu đãi thuế, hỗ trợ công nghệ, nhân lực và bảo đảm giải phóng mặt bằng, tạo đột phá, sức lan tỏa, phát triển giao thông thủy nội địa. Ngành chức năng thành phố chủ động đánh giá thực trạng các công trình hạ tầng, bến cảng, bến thủy nội địa, nhất là những bến, cảng chưa thuận lợi.

 Bến Bạch Đằng (quận 1, TP Hồ Chí Minh) thuận lợi phát triển giao thông thủy nội địa.

Bến Bạch Đằng (quận 1, TP Hồ Chí Minh) thuận lợi phát triển giao thông thủy nội địa.

Thành phố xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn từ ngân sách thành phố và xã hội hóa cũng như sự chung tay của nhân dân, tạo nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển phù hợp. Các đơn vị, địa phương chủ động nạo vét, khơi thông các luồng lạch; củng cố, mở rộng bến bãi kết nối đồng bộ với giao thông đường bộ, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Thành phố ưu tiên ngân sách thực hiện các cảng, ứng dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu xây dựng những bến, trạm nhỏ phù hợp với các tàu, thuyền dạng nhỏ, công suất thấp, hoạt động trên những tuyến ngắn tại một số kênh rạch.

Ngành chức năng chủ động lắp đặt hệ thống báo hiệu, công nghệ định vị giao thông thủy nội địa, bảo đảm tàu, thuyền hoạt động, nhất là vào ban đêm. Tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khuyến khích thành lập các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho, bãi, cảng biển, giao thông thủy nội địa nhằm thu hút nhiều nguồn vốn tham gia, đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cho hoạt động giao thông thủy nội địa.

Các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân để thay đổi thói quen cũ về giao thông đường bộ nhằm chuyển đổi sang loại hình giao thông vận tải thủy nội địa gắn với tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học-công nghệ vào xây dựng, quản lý, khai thác tốt hạ tầng giao thông thủy nội địa.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-day-tiem-nang-giao-thong-thuy-noi-dia-735763