Khơi dậy tiềm năng kinh tế vùng gò đồi

Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên vùng gò đồi theo hướng bền vững, hiệu quả. Việc tập trung đầu tư, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân ngày một nâng cao.

 Cây dâu tằm được xã Cam Thành lựa chọn là một trong những loại cây trồng để cải tạo vườn tạp. Ảnh: Lê An

Cây dâu tằm được xã Cam Thành lựa chọn là một trong những loại cây trồng để cải tạo vườn tạp. Ảnh: Lê An

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Xuân ở tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, ít ai nghĩ rằng nơi đây từng là vùng đất hoang hóa, um tùm lau lách, cỏ dại. Với khát vọng làm giàu trên chính vùng đất quê hương, năm 2012, ông đã mạnh dạn thuê 4 ha đất để khai hoang nhằm phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp. Trên tổng diện tích đất hơn 4 ha, ông đã dành ra gần 3 ha để trồng giống ổi lê Đài Loan theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Xuân, giống ổi lê Đài Loan cho quả hầu như quanh năm, ít hạt, quả giòn nên rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày ông thu hoạch từ 30 - 50 kg ổi lê. Với giá bán hiện nay từ 15.000 - 20.000 đồng/ kg thì mỗi năm thu nhập từ vườn ổi lê mang lại cho gia đình ông trên 250 triệu đồng. Bên cạnh trồng trọt, ông còn đầu tư 2 trại nuôi gà thịt và lấy trứng; 2 lò ấp trứng có công suất 15.000 quả/tháng.

Ông Xuân cho biết, bình quân mỗi năm ông xuất bán ra thị trường từ 2.000 - 3.000 con gà thịt. Ngoài ra, ông còn liên kết với các trang trại nuôi gà khác để sản xuất gà giống với trung bình từ 12.000 - 15.000 con gà giống mỗi tháng. “Qua quá trình tìm hiểu và trồng thử nghiệm nhiều loại cây, tôi nhận thấy vùng đất của mình có độ dốc thấp, chất đất hoàn toàn phù hợp với các loại cây ăn quả nên cùng với cây ổi lê Đài Loan, sắp tới tôi sẽ trồng thử nghiệm thêm nhiều giống cây ăn quả mới như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, mít thái… theo phương châm “lấy ngăn nuôi dài” và “không để tấc đất nào bị bỏ hoang”. Đồng thời, dự kiến sẽ mở một cửa hàng chuyên bán các loại cây sạch do trang trại và các hộ dân khác tại địa phương sản xuất. Xúc tiến xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông sản sạch, để có đầu ra ổn định, được thị trường tin dùng”, ông Xuân chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Lê Nhật Tiên cho biết, thực hiện đề án 01 của UBND huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, cùng với cây lúa, thời gian qua, UBND xã đã tập trung quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất các loại cây chủ lực trên vùng gò đồi như lạc, sắn, cây ăn quả các loại, cây cao su… Cụ thể, xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại thôn Cam Vũ với tổng diện tích 80 ha; thực hiện liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị với diện tích 27,5 ha bao gồm cây dứa và các loại cây dược liệu như chè vằng, đinh lăng, sâm Bố Chính…; duy trì 433 ha cao su, trong đó có 407 ha đã đưa vào khai thác với năng suất 1,5 tấn mủ khô/ha/năm, mang lại thu nhập bình quân 45 - 50 triệu đồng/ha/năm; cải tạo 35 ha vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như ổi, các loại cây có múi…; xây dựng 15 vườn mẫu với tổng diện tích 2,5 ha. Thực hiện tốt chủ trương giao đất, giao rừng cho Nhân dân và các dự án đầu tư phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững với tổng diện tích 700 ha; khối lượng sản phẩm khai thác rừng ước đạt 12.600 tấn, mang lại thu nhập trên 12,9 tỉ đồng/năm. Đẩy mạnh phát triển nuôi bò thâm canh, trang trại, gia trại chăn nuôi trên vùng gò đồi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với tổng diện tích gần 20 ha; phát triển một số vật nuôi mới như nuôi dê, chim bồ câu, nuôi ong lấy mật…

 Phát triển mô hình nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị. Ảnh: Lê An

Phát triển mô hình nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị. Ảnh: Lê An

Theo ông Tiên, trong thời gian tới, xã Cam Thủy sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, đặc biệt là trên vùng gò đồi theo hướng tổ chức liên kết giữa các hộ tập trung cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn cây ăn quả liên vườn như ổi, quýt PQ, bưởi, thanh long… đảm bảo chất lượng, mời gọi các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Phát huy hiệu quả công trình trạm bơm hồ Đá Lã, Tam Hiệp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, cây dược liệu… tại khu vực thôn Cam Vũ, vùng Trằm thôn Tam Hiệp với tổng diện tích hơn 90 ha. “Trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, sau khi rà soát đánh giá các tiêu chí, chúng tôi nhận thấy phát triển kinh tế vùng gò đồi sẽ là một trong những hướng đi trọng tâm trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Hiện xã đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 80 ha; xây dựng các tổ hợp tác; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vay vốn ưu đãi; chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…”, ông Tiên khẳng định.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, lũ lụt bất thường… đã có những tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2014, huyện Cam Lộ đã tập trung tìm kiếm, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời chú trọng thu hút đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác. Theo đó, với lợi thế phần lớn là đồi núi, đất đỏ ba dan màu mỡ, bên cạnh các loại cây công nghiệp dài ngày truyền thống như cao su, hồ tiêu… huyện Cam Lộ tập trung rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng trồng, đồng thời tiến hành chuyển đổi những diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như bơ, ổi, bưởi da xanh, cam, quýt…; các loại cây ngắn ngày và cây dược liệu như lạc, sắn dây, nghệ vàng, cà gai leo, chè vằng…; trồng cỏ nuôi bò nhốt, nuôi hươu, nuôi dê, nuôi gà thả vườn…

Nhằm phát huy tiềm năng của vùng gò đồi, chủ trương của huyện Cam Lộ là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây, đa con, trong đó tập trung phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu. Để có hướng phát triển bền vững, hiện tại, bên cạnh các loại cây trồng đã khẳng định được hiệu quả, huyện Cam Lộ đang đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới như sâm Bố Chính, chanh leo, dâu tằm, sầu riêng, chôm chôm… Quá trình thực hiện cho thấy, các loại cây trồng mới này đều sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, nhất là trên vùng gò đồi. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, liên kết với doanh nghiệp theo hướng nuôi gia công, phấn đấu đến năm 2025 sẽ tạo được vành đai trang trại trên vùng gò đồi với tổng diện tích từ 1.500 - 2.000 ha; đẩy mạnh phát triển thương hiệu gà Cùa theo chuỗi giá trị…

Theo đánh giá của bà con nông dân, điều khiến họ yên tâm là ngoài sự thích ứng và sinh trưởng, phát triển tốt thì đã có sự liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là mục tiêu của huyện Cam Lộ trong việc tạo ra sản phẩm cây trồng, con nuôi chủ lực và mở ra hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả; góp phần đem lại giá trị kinh tế, môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân vùng gò đồi…

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150138