Khơi dậy tiềm năng, phát triển bền vững

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận tại tổ và trên hội trường về những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022 với mục tiêu bám sát tình hình thực tiễn để chủ động, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Hiệu quả từ sự quyết liệt

Dự báo tăng trưởng 8 - 10%

Thảo luận kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, các đại biểu đánh giá, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của chủ đề năm: “Tiếp tục đoàn kết - sáng tạo - kỷ cương - trách nhiệm; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị”. Nhờ đó, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động dần trở lại trong trạng thái bình thường mới; kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, mức tăng trưởng cao, đạt 14,7% (vượt xa so với kịch bản tăng trưởng cả năm là 6%).

Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ; nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá rất cao như xăng dầu, lương thực, thực phẩm; khu vực sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn, các ngành nghề của địa phương tăng trưởng thấp, thậm chí còn sụt giảm... Các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần có những giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế này.

Tại kỳ họp, các đại biểu tập trung làm rõ về các căn cứ để dự báo, dự đoán và xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng cuối năm; việc giải ngân vốn đầu tư công; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh; quy trình đấu giá đất; thu hút các dự án đầu tư nước ngoài; việc triển khai thực hiện một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc triển khai Quy hoạch chung tỉnh Bắc Ninh và quản lý quy hoạch; tiến độ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân cho biết, tình hình thế giới phức tạp; chỉ số lạm phát, giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, vận tải… trong nước tăng cao, trong khi đó, nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất của tỉnh giảm, khó đạt mục tiêu đề ra... Với những khó khăn như vậy, nên dù tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 đạt cao (14,7%) nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê vẫn tham mưu dự kiến kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2022 ở mức từ 2,9% - 6,3%. Như vậy, cả năm 2022 dự báo tăng trưởng của tỉnh sẽ đạt khoảng 8% - 10%.

Đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu thảo luận tại tổ

Chú trọng giáo dục

Kỳ họp diễn ra trong thời điểm thí sinh THPT cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp, nhiều đại biểu cũng hết sức quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Ngành giáo dục và đào tạo thời gian qua đã tích cực thực hiện nhiệm vụ, tham mưu và triển khai kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành. Chất lượng giáo dục đào tạo đại trà, giáo dục mũi nhọn được duy trì, ổn định ở mức cao; công tác đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập đã tạo chuyển biến rõ nét…

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như giáo viên còn thiếu so với định mức, hợp đồng giáo viên, nhân viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3.7.2020 của Chính phủ gặp khó khăn do dịch Covid-19 và tâm lý lo ngại công việc không ổn định. Diện tích đất của một số trường còn thiếu; việc quản lý, sử dụng và khai thác thiết bị, đồ dùng dạy học ở một số đơn vị còn hạn chế; công tác mua sắm thiết bị dạy học năm học 2021 - 2022 chưa thực hiện được…

Đại biểu Nguyễn Xuân Cường hiến kế những giải pháp để khắc phục tồn tại đối với tình trạng thiếu giáo viên như cần phối hợp với các ngành chức năng để tổ chức tuyển hết số giáo viên được Trung ương phân bổ; tránh tình trạng biên chế giáo viên còn nhưng không tuyển được mà phải hợp đồng giáo viên. Đồng thời, nghiên cứu đẩy mạnh thí điểm công tác xã hội hóa, khuyến khích tính tự chủ đối với các nơi có điều kiện xã hội hóa thuận lợi để dành số biên chế cho các trường khó khăn. Phân luồng học sinh đối với các trường ngoài công lập để giảm tải cho các trường công lập...

Giải trình với đại biểu về các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh, cơ sở vật chất của ngành giáo dục đã được đầu tư xây dựng, mua sắm đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học; 100% trường Tiểu học đã được trang bị phòng tin học, ngoại ngữ, thiết bị dùng chung hiện đại; các trường THCS, THPT đã được trang bị đủ đồ dùng thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm thực hành Lý, Hóa, Sinh, phòng học Tin học và Ngoại ngữ, phòng thư viện điện tử; 100% các lớp của các trường THCS, THPT trên toàn tỉnh đều được trang bị phòng học thông minh.

Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu giảng dạy của trang thiết bị đồ dùng dạy học hiện có ở các khối lớp. Từ đó, tổng hợp, đề xuất kinh phí mua sắm sát với nhu cầu thực tế, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.

Tuấn Đỗ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/khoi-day-tiem-nang-phat-trien-ben-vung-i294838/