Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

PTĐT - Xác định ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ...

Kiểm tra sản phẩm tại Phòng nuôi cấy mô tế bào Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp CNC Việt Nam

Kiểm tra sản phẩm tại Phòng nuôi cấy mô tế bào Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp CNC Việt Nam

>>> Nông dân hưởng lợi từ sản xuất nông nghiệp thông minhPTĐT - Xác định ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC… Nhờ đó, nông nghiệp CNC của tỉnh đã từng bước hình thành; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Là đơn vị “tiên phong” phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh, cùng với sản xuất và cung ứng các loại giống cây trồng, Công ty CP giống - vật tư nông nghiệp CNC Việt Nam đã tập trung vào công tác nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2009, hệ thống sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào của Công ty bắt đầu đi vào hoạt động. Từ cơ sở sản xuất đó, mỗi năm trên 3 triệu cây giống các loài hoa (đồng tiền, cúc, lan Hồ điệp, lan Hoàng thảo…); giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, khoai tây… được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn nông nghiệp CNC, cung cấp cho các nhà vườn, vườm ươm và nông dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất một số cây trồng; sản xuất giống, thương phẩm hoa lan Hồ điệp quy mô công nghiệp theo quy trình công nghệ của Đài Loan; ứng dụng công nghệ nhà màng để sản xuất dưa lưới, dưa leo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thông minh cho cây ăn quả; sản xuất phân bón lá phức hữu cơ cao cấp cung cấp; chọn tạo và sản xuất giống lúa đặc sản và gạo chất lượng cao theo quy trình khép kín… Công ty đã và đang thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án khoa học nông nghiệp CNC cấp tỉnh, cấp Nhà nước.

Sản xuất trứng gà sạch tại Nhà máy ĐTK ở xã Tề Lễ, huyện Tam Nông.

Sản xuất trứng gà sạch tại Nhà máy ĐTK ở xã Tề Lễ, huyện Tam Nông.

Thành công từ mô hình ứng dụng CNC của Công ty CP giống - vật tư nông nghiệp CNC Việt Nam, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tính từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 43 dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Một số doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng của ngành đồng thời góp phần quan trọng hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất nông nghiệp CNC theo tiêu chí vùng nông nghiệp CNC như vùng sản xuất chè, vùng nuôi thủy sản tập trung, thâm canh, vùng chăn nuôi, trồng rau quả… ứng dụng CNC. Trong đó điển hình là vùng chăn nuôi xã Tề Lễ, huyện Tam Nông (Dự án sản xuất trứng gà sạch ĐTK; dự án chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO; dự án chăn nuôi tập trung của Công ty TNHH Minh Hiếu…); dự án gà Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ tại xã Đồng Lương và xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê; dự án trồng cây ăn quả CNC tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba của Công ty CP Khoa học và Công nghệ nông nghiệp H2; dự án xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng CNC của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Cosmos tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn; Mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng cao ở các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Lâm Thao… Đáng chú ý, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC (Công ty CP giống - vật tư nông nghiệp CNC Việt Nam, Công ty ĐTK); 2 doanh nghiệp chế biến nông sản đang đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến, ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn như: Công ty chế biến thực phẩm GOC đặt tại cụm công nghiệp, làng nghề huyện Lâm Thao; nhà máy sản xuất thuốc đông dược GMP-WHO của Công ty CP dược liệu Việt Nam đặt tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh… Nối tiếp những thành quả trong phát triển nông nghiệp CNC từ các doanh nghiệp, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đang mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nông nghiệp CNC, trong đó 20/371 HTX đã được công nhận là HTX ứng dụng CNC. Các HTX đã áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng thực nghiệm khoa học vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các loại cây trồng, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất các sản phẩm rau, quả, ứng dụng công nghệ vào chăm sóc cây con, như: Tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, bón phân qua nước với phương thức tưới nhỏ giọt.

Mô hình trồng rau an toàn của Công ty cổ phần Omega Hà Nội - Chi nhánh Phú Thọ tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Mô hình trồng rau an toàn của Công ty cổ phần Omega Hà Nội - Chi nhánh Phú Thọ tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Để nông nghiệp CNC không chỉ phát triển trong khối doanh nghiệp, mà còn được nhân rộng và phát triển mạnh ở các HTX, tổ hợp tác và hộ cá thể, tỉnh đã và đang lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để triển khai, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Nhiều thành tựu CNC trong sản xuất nông nghiệp đã được ứng dụng có hiệu quả trên địa bàn như: Ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa cây cảnh…; ứng dụng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng trong sản xuất giống bưởi sạch bệnh; liên kết sản xuất giống ngô lai F1; chủ động sản xuất con giống thủy sản truyền thống; sản xuất nhân tạo một số giống cá đặc sản, giống lợn bố mẹ, tinh lợn ngoại… cung ứng cho sản xuất; áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã bưởi đặc sản Đoan Hùng; xây dựng các mô hình sản xuất rau, quả an toàn, rau thủy canh, rau - hoa - quả trong nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho chè, cây ăn quả và sản xuất chè an toàn; ứng dụng công nghệ “sông trong ao” trong nuôi trồng thủy sản; chuyển giao công nghệ vi sinh xử lý rơm rạ, chất thải chăn nuôi, quản lý môi trường nuôi thủy sản… Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và người sản xuất tiếp cận, nắm bắt được các tiến bộ KHKT, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng hàng hóa, hiện đại và đưa giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp từ năm 2016 đến nay đạt trên 4,8%/năm.Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Xây dựng và ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn đã tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo quyết liệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất và các kế hoạch đã được ban hành. Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tích cực tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dồn đổi, tích tụ đất đai; phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp, trang trại, gia trại, đồng thời khuyến khích chuyển đổi phương thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa.Cùng với đó, ngành Nông nghiệp & PTNT sẽ tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản. Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển các thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân để thúc đẩy quá trình đưa CNC vào sản xuất.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202008/khoi-day-tiem-nang-phat-triennong-nghiep-cong-nghe-cao-172469