Khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ BĐBP từ các phong trào thi đua
Phụ nữ Việt Nam vốn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có nhiều đóng góp to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thời gian qua, phụ nữ BĐBP luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; đồng thời, tích cực triển khai nhiều mô hình, phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.
Phụ nữ BĐBP chiếm số lượng không nhiều, chỉ 3% quân số toàn lực lượng BĐBP. Các chị em đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, trên từng cương vị công tác, phụ nữ BĐBP đã khắc phục khó khăn, đoàn kết, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhất là các nhiệm vụ thông tin, cơ yếu, kiểm soát biên phòng, tài chính, nuôi quân, quân y, giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, hội viên phụ nữ BĐBP luôn chấp hành nghiêm chế độ, giờ giấc làm việc; quy định mang mặc, lễ tiết tác phong quân nhân; chấp hành nghiêm việc trực chuyên môn, trực quân số sẵn sàng chiến đấu trong các dịp lễ lớn của đất nước, của lực lượng BĐBP... Những nỗ lực của phụ nữ BĐBP đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Hiện nay, lực lượng BĐBP có 68 Hội Phụ nữ cơ sở (PNCS), với hơn 1.000 hội viên tham gia. Các Hội PNCS đã xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, phù hợp với tình hình tại địa phương, gắn với nhiệm vụ chính trị, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Hội Phụ nữ các đơn vị đã vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các nội dung và chỉ tiêu thi đua phù hợp với tình hình đơn vị, địa phương, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động của Hội. Điển hình như, tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ BĐBP trí tuệ - bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 không”; xây dựng người phụ nữ BĐBP theo tiêu chí “Bốn tốt” (sức khỏe tốt, phẩm chất tốt, chuyên môn tốt, xây dựng gia đình tốt) và “Trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái”, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Bằng tình thương và trách nhiệm, các Hội PNCS đã triển khai nhiều mô hình, chương trình thiết thực, ý nghĩa, hướng về đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo ở khu vực biên giới, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào. Nổi bật là, các Hội PNCS đã đồng loạt hưởng ứng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động và phong trào “BĐBP chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các hội viên phụ nữ BĐBP ở khắp các tuyến biên giới đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên và phụ nữ nghèo tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; vận động hỗ trợ kinh phí mua cây, con giống, phân bón..., giúp phụ nữ nghèo vùng biên giới từng bước vươn lên, làm chủ cuộc sống.
Các tổ chức Hội đã xây dựng và tổ chức các hoạt động thiết thực thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia, với hàng loạt mô hình tiêu biểu như: “Ngày phụ nữ vì cộng đồng” với các hoạt động hướng về biên giới và chăm lo hậu phương quân đội của Hội Phụ nữ BĐBP thành phố Hồ Chí Minh; “Bát cháo tình thương” cấp phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân khó khăn của Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh; “Báo cũ cho em” của Hội Phụ nữ BĐBP Phú Yên; “Ổ bánh mì nơi biên giới” của Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Trị; “Heo đất góp yêu thương” của Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Ngãi... Hay Hội Phụ nữ BĐBP Đắk Lắk phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương xây dựng mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh”, “Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch”, Hợp tác xã “Phụ nữ với ngành nghề truyền thống”. Hội Phụ nữ BĐBP các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Hà Tĩnh triển khai mô hình “Tổ, nhóm tiết kiệm”, “Hỗ trợ con giống cho hộ phụ nữ nghèo” nơi biên giới, phối hợp với các đồn Biên phòng chăn nuôi gia súc gây quỹ hoạt động...
Chia sẻ khó khăn với nhân dân sau đại dịch Covid-19, thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội PNCS các đơn vị BĐBP đã trực tiếp nhận đỡ đầu 21 em nhỏ mồ côi do dịch Covid-19. Ngoài ra, có 7 trẻ em mồ côi (không do dịch Covid-19) và có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã được Hội Phụ nữ BĐBP các tỉnh: Cao Bằng, Nam Định, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Thuận và Trường Trung cấp 24 Biên phòng nhận đỡ đầu.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các đơn vị BĐBP đã quyên góp ủng hộ Chương trình Montainai của Báo Phụ nữ Việt Nam; Hội Phụ nữ BĐBP An Giang thực hiện phong trào "Làm theo Bác" (mỗi cán bộ Hội đăng ký thực hiện từ 1-2 việc làm theo Bác gắn với nhiệm vụ được giao)... Nhiều mô hình cũng được triển khai ở hầu hết các Hội PNCS như: “Tổ, nhóm tiết kiệm”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Góp vốn xoay vòng”, “Toàn hội nuôi lợn tiết kiệm”. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, hội viên làm kinh tế tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều đơn vị còn xây dựng "Tổ, nhóm tiết kiệm", "Tiết kiệm không lãi"... vận động cả nam giới tham gia, để hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể nói, trong mọi hoàn cảnh, trên mọi lĩnh vực công tác, phụ nữ BĐBP luôn nêu cao ý chí quyết tâm, vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa chăm lo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.