Khơi dậy tinh thần thi đua, nỗ lực vì lợi ích chung

Nhìn thẳng vào thực tế hiện nay với tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ' đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm' trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng đây là thực trạng không của riêng Lâm Đồng hay một địa phương nào mà xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại Lâm Đồng, để sớm khắc phục và khơi dậy tinh thần thi đua, nỗ lực vì lợi ích chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm xây dựng, ban hành Chỉ thị số 34 nhằm từng bước khắc phục khó khăn, đến nay đã và đang từng bước đi vào cuộc sống. Qua đây, góp phần chấn chỉnh, nhắc nhở, khơi dậy tinh thần thi đua nỗ lực về đích đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trên các lĩnh vực; hướng đến đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Lâm Đồng đã kịp thời kiện toàn các vị trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Trong ảnh: Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch HĐND tỉnh và tân Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Chính Thành

Lâm Đồng đã kịp thời kiện toàn các vị trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Trong ảnh: Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch HĐND tỉnh và tân Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Chính Thành

XỬ LÝ NGHIÊM CÁN BỘ NẾU CÓ BIỂU HIỆN “NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY, SỢ TRÁCH NHIỆM”

Tại cuộc họp giao ban ngành Tổ chức xây dựng Đảng toàn tỉnh 6 tháng đầu năm, đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã rất nghiêm khắc trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí nhấn mạnh: “Nếu phát hiện cán bộ thực sự có biểu hiện “né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm” trong thực thi công vụ thì kiên quyết phải xử lý, tạm đình chỉ công tác…” theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại, thực tế bất cập dẫn đến tình trạng trên, đó là bất cập về các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, thiếu khả thi, nhiều rủi ro… vì thế việc “sợ sai” là điều cán bộ, viên chức rất thận trọng và lưu ý.

Thậm chí nhiều quy định không khả thi, lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp, thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là các văn bản dưới luật.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đặc biệt ngày 20/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về “Phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
Việc quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về Chỉ thị 34 với phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” (3 điều cần làm là: Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới; làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất; 4 điều cần tránh là: Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả; tránh an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý) thời gian vừa qua ít nhiều đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên; có chuyển biến mới, nền nếp hơn, đã vượt qua phần nào khó khăn, trở ngại của địa phương.

Nhìn lại kết quả 6 tháng đầu năm trước diễn biến về chính trị, tổ chức, kiểm tra; nhiều chỉ tiêu cho thấy có sự hồi phục và khởi sắc; mặc dù thu ngân sách mới đạt trên 50%, nhưng điều đó cho thấy đã có sự cố gắng rất lớn của các ngành, địa phương và của cả hệ thống chính trị, riêng phí, lệ phí đạt gần 47%. Kết quả đó dựa trên cơ sở của sự đồng thuận, nhất trí cao của các tổ chức cơ sở đảng; khẳng định vai trò người đứng đầu. Khẳng định rõ thêm “khi nói tới công tác xây dựng Đảng không thể không nói tới nhiệm vụ về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công… thể hiện chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, khẳng định vai trò của người đứng đầu” - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh.

LÀM VIỆC “VÌ LỢI ÍCH CHUNG”

Thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, tồn tại trong những tháng qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nhận định: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ một số loại hình còn hạn chế; công tác phát triển đảng viên có tăng hơn so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp (41,8%); trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số ban tổ chức, cấp ủy có lúc chưa thật chủ động, thiếu kiên quyết; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, hiệu quả không cao; việc kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của một số địa phương, đơn vị chậm. Một số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý chưa gương mẫu, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, trên tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, giải pháp trọng tâm, chủ yếu được Ban Tổ chức Tỉnh ủy đưa ra chỉ đạo thực hiện từ nay đến hết năm, đó là: Tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW (khóa XIII); Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các quy định của Đảng về nêu gương, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” và Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng các giải pháp “mạnh mẽ, quyết liệt, sáng tạo, tạo chuyển biến đồng bộ, thực chất; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 21/7/2023 của Bộ Chính trị; Quy định số 28-QĐ/TU ngày 27/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Tham mưu rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025; 2025-2030; nhiệm kỳ 2021-2026; 2026-2031 đảm bảo theo quy định để chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp. Tham mưu phương án kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ; phương án bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý hiện đang thiếu của các sở, ngành, địa phương.

Tiếp tục tham mưu hiệu quả Chương trình hành động số 52-CTr/TU, ngày 10/3/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Tập trung tham mưu thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ XIV; Tham mưu cấp ủy chỉ đạo việc kiểm điểm, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên năm 2024 gắn với trách nhiệm người đứng đầu đúng thực chất, tránh chạy theo thành tích.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và thường xuyên để hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hạn chế tình trạng dồn việc vào những tháng cuối năm; đồng thời kịp thời trao đổi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở. Tiếp tục cải tiến phương pháp, lề lối, tác phong làm việc gắn với cải cách hành chính trong Đảng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần “kỷ cương, linh hoạt, hiệu quả”.

HÀ NGUYỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202409/khoi-day-tinh-than-thi-duano-luc-vi-loi-ich-chung-6ee1ca2/