Khơi dậy tình yêu và khát vọng phát triển Thủ đô

Chiều 20/9, tại Trường THPT Việt Đức, Báo Hànôịmới đã tổ chức buổi Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề 'Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển'.

Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Chương trình có sự tham gia của nhiều đại biểu từ các cơ quan Trung ương và thành phố: PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, sự kiện còn có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử như: Đại tá Bùi Gia Tuệ (sinh năm 1931), nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), một những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954; ông Nguyễn Thụ, sinh năm 1933, chứng nhân lịch sử tham gia tiếp quản Thủ đô; ông Nguyễn Văn Trác, sinh năm 1932, tham gia Lễ duyệt binh ngày 2/9/1955 và tham gia 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"; ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô; bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Mai Thị Kim Thoa phát biểu tại chương trình.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Mai Thị Kim Thoa phát biểu tại chương trình.

Về phía các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các chuyên gia có: TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội; ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội.

Về phía Báo Hànôịmới, có các Phó Tổng Biên tập Mai Thị Kim Thoa, Lại Bá Hà cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của Báo Hànôịmới.

Đại tá Bùi Gia Tuệ đã chia sẻ về những kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày tiếp quản Thủ đô.

Đại tá Bùi Gia Tuệ đã chia sẻ về những kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày tiếp quản Thủ đô.

Trong suốt gần 3 giờ diễn ra, buổi gặp mặt đã mang đến nhiều câu chuyện xúc động và ý nghĩa. Đại tá Bùi Gia Tuệ đã chia sẻ về những kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày tiếp quản Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Trác kể lại những ký ức về Lễ duyệt binh ngày 2/9/1955. Ông Nguyễn Văn Khang kể câu chuyện được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, làm nhiệm vụ “có một không hai” là tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội, đã làm sống lại không khí sục sôi của phong trào "Ba sẵn sàng" trong những năm 1960.

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu cũng đã đóng góp những góc nhìn sâu sắc về sự phát triển của Hà Nội. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô trong 70 năm qua. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh vai trò của Luật Thủ đô (sửa đổi) trong việc tạo động lực mới cho sự phát triển của Hà Nội trong thời gian tới. TS Nguyễn Viết Chức đã nhấn mạnh về giá trị văn hóa và con người - gia tài vô giá của Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Khang kể câu chuyện được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, làm nhiệm vụ “có một không hai” là tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản.

Ông Nguyễn Văn Khang kể câu chuyện được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, làm nhiệm vụ “có một không hai” là tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản.

Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham gia của đông đảo thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Việt Đức. Đại diện cho thế hệ trẻ, em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, đã bày tỏ niềm tự hào và xúc động khi được lắng nghe những câu chuyện lịch sử. Các em học sinh cũng đã đặt nhiều câu hỏi thú vị cho các nhân chứng và chuyên gia, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến lịch sử và tương lai của Thủ đô.

Thông qua sự kiện này, thế hệ trẻ đã có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng của Thủ đô, về sự đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước. Nhiều bạn trẻ bày tỏ niềm tự hào và cam kết sẽ tiếp tục phấn đấu, học tập để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn.

Sự kiện còn có sự tham gia của đông đảo thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Việt Đức.

Sự kiện còn có sự tham gia của đông đảo thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Việt Đức.

Buổi gặp mặt không chỉ là dịp ôn lại lịch sử, mà còn là cơ hội để khơi dậy tình yêu và khát vọng phát triển Thủ đô, hướng tới xây dựng một Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Các diễn giả đều nhấn mạnh rằng, với bề dày lịch sử và văn hóa, cùng với sự năng động của người dân, Hà Nội có đủ tiềm năng để trở thành một trong những Thủ đô hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Kết thúc buổi gặp mặt, Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Mai Thị Kim Thoa đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện tại Trường THPT Việt Đức, với mong muốn dòng lịch sử sẽ được chảy mãi. Bà hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống, viết tiếp những trang sử hào hùng của Thủ đô trong tương lai.

Sự kiện này không chỉ là một hoạt động kỷ niệm đơn thuần, mà còn là một cầu nối quan trọng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của Thủ đô Hà Nội. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy truyền thống, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô trong những năm tháng tiếp theo.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-day-tinh-yeu-va-khat-vong-phat-trien-thu-do-177823.html