Khơi dậy vùng đất giàu tiềm năng

Là vùng cao nhưng huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có địa hình khá bằng phẳng và cảnh quan rất đẹp. Từ lâu, người dân nơi đây từng có câu nói ân tình: 'Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba'. Hội rằm tháng ba Âm lịch với những nét văn hóa riêng và vẻ đẹp thiên nhiên miền sơn cước đang dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Quảng Bình.

Thắng cảnh hang Tú Làn ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ryan Deboodt

Thắng cảnh hang Tú Làn ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ryan Deboodt

Là vùng cao nhưng huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có địa hình khá bằng phẳng và cảnh quan rất đẹp. Từ lâu, người dân nơi đây từng có câu nói ân tình: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba”. Hội rằm tháng ba Âm lịch với những nét văn hóa riêng và vẻ đẹp thiên nhiên miền sơn cước đang dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Quảng Bình.

Dấu ấn lịch sử và vẻ đẹp truyền thống văn hóa

Ðến thị trấn sơn cước Quy Ðạt vào một buổi sáng mùa hè thắp lửa, chúng tôi gặp ông Ðinh Xuân Ðình, Chi hội trưởng chi hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa; được ông giúp hiểu hơn về vùng đất có nhiều nét văn hóa độc đáo này. Ngược dòng lịch sử, năm Ất Dậu, tức 1885, khi phong trào Cần Vương kháng Pháp nổ ra, vua Hàm Nghi đã cùng các tướng sĩ yêu nước từ Huế chạy ra Quảng Trị rồi theo đường thượng đạo rút lên vùng rừng núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lập căn cứ Sơn Phòng. Trong ba năm (1885-1888) vị vua trẻ cùng quần thần liên tục di chuyển và nhờ vùng núi Minh Hóa che chở để lãnh đạo kháng chiến. Ngày nay, vùng núi Hóa Sơn, huyện Minh Hóa vẫn còn dấu tích và truyền thuyết về vị vua yêu nước Hàm Nghi. Thời kỳ chống thực dân Pháp, Minh Hóa là chiến khu, căn cứ địa cách mạng của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đây lại là nơi có nhiều tuyến vận chuyển huyết mạch trong hệ thống đường Trường Sơn với những địa danh nổi tiếng và huyền thoại về cửa tử "qua khỏi Ngầm Rinh mới biết mình còn sống"…

Minh Hóa giờ đã nhiều đổi thay song vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo, trong đó có tục thờ cúng Bụt. Chuyện xưa kể rằng, nhà nọ có hai anh em lên lèn Ông Ngoi ở Quy Ðạt để lấy mật ong. Ðến đỉnh lèn, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh đó có một cây quýt trĩu quả. Dưới tán cây có 12 tượng đá giống hình ông Bụt, có bàn đá bằng phẳng và những quân cờ tướng cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ngắm nhìn tượng. Hồi sau, người anh dùng dây rừng buộc một tượng đá đặt trên một tảng đá rồi xuống thác Cúi tắm rửa. Tắm xong, đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi. Từ đó đến nay, thác Cúi được gọi là thác Bụt. Hằng năm, cứ đến rằm tháng ba Âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mưa thuận gió hòa, tài lộc, sức khỏe và dự hội chợ rằm. Theo quan niệm của người Minh Hóa, ai cũng phải đến chợ để mong cả năm gặp may mắn. Phiên chợ này, người dân và du khách gần như chỉ mua bán nông sản của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của Minh Hóa như bồi, cá mát, ốc khe, trứng kiến... Bồi là món ăn truyền thống được làm từ bột ngô, sắn tươi, đậu xanh trộn đều hấp chín, chấm với mật ong hoặc ăn với ốc luộc. Nửa đêm về sáng, trong không gian tĩnh lặng của rừng núi Minh Hóa, trong âm thanh thình thịch tiếng chày giã bồi, làn điệu hò thuốc cá cất lên: Hôi lên (là) hôi lên/Trời mưa nước chảy (hồi) quanh hồi/ Anh không (là) không lấy vợ ai đâm bồi (là bồi) anh ăn. Hôi lên là hôi lên.

Tương truyền, khi xưa vua Hàm Nghi đến lập cứ địa kháng Pháp tại Minh Hóa có nhiều cung nữ nên sau này đất Minh Hóa được mệnh danh là "miền gái đẹp" của Quảng Bình. Vì thế, chợ rằm tháng ba còn được gọi với cái tên "chợ tình"; không chỉ là dịp mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi tình cảm của các bạn trẻ ở huyện vùng cao này. Ðêm trước phiên chợ rằm, nam thanh nữ tú khắp nơi đổ về Quy Ðạt để gặp gỡ, hẹn hò. Sau phiên chợ, nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng…

Ở Minh Hóa còn có một nét văn hóa đẹp thể hiện sự hiếu thảo của con cái, đó là lễ bưng cỗ Tết cho bố mẹ, người địa phương gọi là tục "giỗ sống". Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương, hằng năm vào giữa tháng một Âm lịch, người dân Minh Hóa lại rộn ràng với cái Tết đặc biệt của mình. Con, cháu đã lập gia đình làm một mâm cỗ thịnh soạn mời ông bà, bố mẹ đang sống ăn Tết Nguyên đán trước để tỏ lòng kính trọng và đền đáp công ơn bậc sinh thành, dưỡng dục. Mâm cỗ có đầy đủ các món ăn ngày Tết, như: xôi, bánh chưng, bánh giò, gà, thịt lợn... Tất cả các sản vật ấy được sắp xếp thành một gánh rồi con, cháu trực tiếp gánh đến nhà mời ông bà, bố mẹ thưởng thức. Không biết tục "giỗ sống" xuất hiện từ bao giờ song hiện vẫn được giữ gìn với sự kính trọng và hiếu thảo của con cháu trong đại gia đình, trở thành một phong tục đẹp trong cộng đồng dân cư Minh Hóa.

Khai mở tiềm năng du lịch

Trước đây ở Quảng Bình, nói về Minh Hóa là nói đến vùng đất xa ngái, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Thế nhưng, với sự đầu tư của Nhà nước, các tuyến đường bộ đến và qua Minh Hóa dần được hoàn thiện; lại nằm giữa trục đường Xuyên Á nên huyện vùng cao này có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Minh Hóa còn được đánh giá là một trong hai địa phương của tỉnh Quảng Bình giàu tiềm năng phát triển du lịch với nhiều di tích lịch sử, hệ thống hang động kỳ vĩ, những khu rừng nguyên sinh, nét văn hóa và ẩm thực độc đáo.

Tại xã Hóa Sơn xưa đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt để bảo vệ vua Hàm Nghi, đây được cho là nơi cất giấu kho báu của nhà vua. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Minh Hóa như mạch máu giao thông của hậu phương miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam đánh Mỹ. Các địa danh như Cổng Trời, trận địa pháo Nguyễn Viết Xuân, Cha Lo, đèo Ðá Ðẽo… đã đi vào lịch sử kháng chiến oanh liệt của dân tộc, thành "địa chỉ đỏ" cho du lịch hoài niệm và tâm linh. Minh Hóa có những hang động lung linh, kỳ vĩ, như: hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa, hang Rục Mòn ở hai xã Hóa Sơn và Trung Hóa, hang La Vân ở xã Hóa Tiến. Mặt khác, địa hình rừng núi đã tạo nên những khe suối có dòng chảy rất đẹp, nước trong mát như thác Mơ ở xã Hóa Hợp; thác Bụt, suối nước Mọc ở xã Yên Hóa, thác Nước Rụng ở xã Dân Hóa... Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, năm 2016, đoàn làm phim đến từ Hô-li-út (Mỹ) đã chọn hồ nước Yên Phú (xã Trung Hóa) và khu vực sông suối, hang Chuột (xã Tân Hóa) để thực hiện một số cảnh quay của bộ phim bom tấn "Kong: Skull Island". Mới đây, cảnh đẹp thiên nhiên Minh Hóa tiếp tục được giới thiệu đậm nét qua bộ phim "Người bất tử" của đạo diễn Victor Vũ.

Một đồng nghiệp ở Ðài Truyền thanh huyện Minh Hóa đưa chúng tôi về Tân Hóa xem người dân làm du lịch cộng đồng. Con đường vào xã uốn lượn quanh co theo triền núi, hai bên là những ngôi nhà gỗ bình dị, yên ả trong nắng cuối chiều. Xa xa, thung lũng Tú Làn với những trảng cỏ dài, được tô điểm bởi dòng Rào Nan mềm mại như bức tranh thủy mặc. Ðến Tân Hóa, du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp hoang sơ, thanh bình của làng quê miền sơn cước mà còn được khám phá hệ thống hang động Tú Làn gồm 10 hang động khác nhau với hệ thống thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo. Tiềm năng du lịch độc đáo của Tân Hóa được đánh thức bởi Oxalis - doanh nghiệp đang khai thác tua du lịch đẳng cấp khám phá hang động lớn nhất thế giới Sơn Ðoòng. Tổng Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á chia sẻ, cảnh quan ở Tân Hóa đẹp đến mê hoặc và ít nơi có được, trong khi đời sống người dân còn khó khăn. Việc khai thác tiềm năng du lịch sẽ giúp người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Hiện, Oxalis tổ chức nhiều tua khám phá hang Tú Làn và nơi đây đang dần trở thành điểm du lịch lý tưởng, đặc biệt với khách quốc tế. Sau khi tham gia cuộc đua "Thử thách Tú Làn" mùa thứ 5 năm 2019, bạn Phương Dung đến từ Hà Nội cho biết: "Tân Hóa đời thực đẹp hơn trên phim "Kong: Skull Island" hay "Người bất tử". Em và bạn bè sẽ còn quay lại để thử thách cùng Tú Làn".

Cùng với việc đầu tư khai thác tua du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, Oxalis đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân Tân Hóa, như: xây nhà chống lũ, tạo việc làm cho hàng chục lao động thông qua nghề porter (khuân vác hàng hóa cho du khách) trong những chuyến thám hiểm Tú Làn. Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Cao Thanh Ðá cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Oxalis, người dân đã cải tạo nhà cửa, cảnh quan trong khuôn viên để làm dịch vụ homestay đón khách du lịch; vừa qua, các homestay ở Tân Hóa đã đón hơn 100 khách đến dự chương trình "Thử thách Tú Làn" mùa thứ 5 do Oxalis tổ chức. Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn, hiện một số doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch đã thu hút du khách đến Minh Hóa tham quan, thưởng ngoạn nhiều hơn. Tin rằng, trong tương lai không xa, tiềm năng du lịch trên địa bàn dần được "đánh thức", góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Hương Giang và Lương Trung

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/40613702-khoi-day-vung-dat-giau-tiem-nang.html