Khởi động Chương trình hợp tác khoa học-công nghệ giai đoạn 2021-2024
Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học-CNTT-Truyền thông Hàn Quốc khởi động Chương trình hợp tác khoa học-công nghệ 2021-2024 trong Hiệp định hợp tác khoa học-công nghệ giữa hai Chính phủ.
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc khởi động Chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2024 trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, ký năm 1995.
Hai nước gửi đề xuất các đề tài, lĩnh vực hợp tác nghiên cứu chung nhằm mục đích khuyến khích sự hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ khí hậu-môi trường và lĩnh vực công nghệ nano.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng về trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ 5G; công nghệ đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin tiên tiến; thiết bị, phần mềm, giải pháp, nền tảng cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên của hai nước.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghệ sinh học phân tử, chỉ thị phân tử, chỉnh sửa hệ gen, chuyển gen, lai tạo, đột biến... trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; công nghệ sinh học sinh sản chăn nuôi, thủy sản như: nhân bản, tế bào gốc, bảo quản vật liệu di truyền…; công nghệ sinh học nghiên cứu các bệnh lây truyền từ động vật sang người; giám định chẩn đoán và phương pháp phòng, trị; công nghệ sinh học trong bệnh truyền nhiễm (kít chẩn đoán tiên tiến để phát hiện virus, phát triển vaccine phòng bệnh cúm gồm cả virus SARS-COV-2...
Đáng chú ý, trong lĩnh vực công nghệ khí hậu-môi trường ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý các vùng đất ô nhiễm hợp chất hữu cơ khó phân hủy như thuốc diệt cỏ do hậu quả của chiến tranh, góp phần tăng độ che phủ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ kế hoạch đóng góp quốc gia tự quyết định của hai nước. Công nghệ nuôi trồng một số loài rong tảo biển nhằm thu nhận sinh khối để sản xuất nhiên liệu sinh học, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ kế hoạch đóng góp quốc gia tự quyết định của hai nước.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực công nghệ nano ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế tạo vật liệu và linh kiện nano ứng dụng trong các lĩnh vực quang điện tử, quang tử, năng lượng và chiếu sáng thông minh; công nghệ chế tạo vật liệu tiên tiến cấu trúc nano như: vật liệu in 3D và vật liệu polyme tiên tiến, thân thiện với môi trường; vật liệu polyme composite gia cường bằng sợi các bon; vật liệu nano y sinh; vật liệu tiên tiến ứng dụng trong xúc tác và hấp phụ xử lý môi trường; công nghệ tái chế polyme.
Các đề tài, lĩnh vực hợp tác được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ... hai nước đề xuất gửi đồng thời cho các cơ quan có thẩm quyền điều phối Chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ phía Hàn Quốc và Việt Nam, đề tài chỉ nộp cho một phía sẽ không được xem xét. Mỗi đề tài có thời gian thực hiện 3 năm và hàng năm đánh giá để quyết định việc thực hiện đề tài năm tiếp theo.
Các sản phẩm của đề tài yêu cầu phải đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, đồng thời đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đối với các sản phẩm dạng I, dạng II và dạng III và IV. Thời gian nộp đề tài đến hết ngày 25/5 tới. Về phía Hàn Quốc, các đề xuất phải được tải lên mạng của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NFR) tại địa chỉ: http://ernd.nrf.re.kr.
Về phía Việt Nam, yêu cầu nộp hồ thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.
Hồ sơ điện tử nộp trực tuyến theo địa chỉ: http://stm.most.gov.vn và bản gốc nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện về Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội./.