Khởi động Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao - cột mốc đánh dấu sự khởi đầu một nền nông nghiệp bền vững

Đồng Tháp đã tổ chức lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án) được xem là cột mốc, đánh dấu cho bước khởi đầu mới để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

Các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết thỏa ước nguyên tắc hợp tác trong thực hiện Đề án

Các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết thỏa ước nguyên tắc hợp tác trong thực hiện Đề án

Cột mốc đánh dấu bước hành động

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc khởi động Đề án được xem là cột mốc bắt đầu cho quyết tâm hành động của người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong việc cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững. “Nếu làm tốt các giải pháp trong Đề án, không chỉ giúp gia tăng giá trị hạt gạo Đồng Tháp mà còn tạo ra môi trường sản xuất lúa gạo bền vững cho việc sản xuất lúa gạo của các thế hệ sau này”, ông Nguyễn Văn Vũ Minh chia sẻ.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, thế giới ngày càng quan tâm đến giá trị hạt gạo nhiều hơn, giá trị đó không chỉ nằm ở kỹ thuật canh tác mà còn là trách nhiệm của người sản xuất. Với Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, ngoài mục tiêu tổ chức lại sản xuất lúa của toàn vùng. Đề án còn nhằm tạo ra một môi trường sản xuất lúa bền vững, tạo thói quen sản xuất lúa trách nhiệm với môi trường cho người nông dân thông qua việc giảm phân, thuốc, qua đó tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Đề án có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nông dân ĐBSCL, mà còn là quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp bền vững của Quốc gia. Vì vậy, các chủ thể thực hiện cần nhận thức rõ vấn đề này để cùng hành động cho đúng. Một điều cốt yếu để dẫn đến sự thành công của Đề án là nông dân phải tham gia vào HTX, đây là phương án lâu dài, duy nhất để chúng ta có thể tổ chức được sản xuất lúa gạo, việc tham gia HTX với diện tích đủ lớn sẽ kèm theo đầu tư các yếu tố hạ tầng, giao thông, các điều kiện để giảm chi phí sản xuất trên quy mô rộng lớn.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi về sự cần thiết phải sản xuất lúa gia tăng giá trị

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi về sự cần thiết phải sản xuất lúa gia tăng giá trị

Nông dân được hưởng lợi

Ông Lê Văn Chấn - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Đề án sẽ được triển khai tại các HTX đã thực hiện các mô hình VnSAT, WB9 và các HTX đủ điều kiện. Trong kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai Đề án tại 7 huyện, thành phố trồng lúa của tỉnh gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và TP Hồng Ngự, tổng diện tích gần 70.000ha. Riêng đến năm 2030, ngoài 7 địa phương nêu trên, sẽ triển khai thêm Đề án tại huyện Lấp Vò, với tổng diện tích 161.252ha.

Tại lễ khởi động Đề án, đại biểu và nông dân xem trình diễn ứng dụng cơ giới hóa trong khâu sạ lúa tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười

Tại lễ khởi động Đề án, đại biểu và nông dân xem trình diễn ứng dụng cơ giới hóa trong khâu sạ lúa tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười

Là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khởi động Đề án với diện tích 50ha, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười chia sẻ, việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được HTX triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân, gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, ghi chép nhật ký sản xuất. Với các kinh nghiệm hiện có cùng với sự quyết tâm cao của thành viên, HTX quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án.

Thiết bị sạ cụm và bón phân vùi được áp dụng tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười

Thiết bị sạ cụm và bón phân vùi được áp dụng tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười

Theo cam kết ban đầu giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi và các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, trong vụ thu đông năm 2024, HTX sẽ thực hiện mô hình thí điểm với diện tích 50ha, với 24 hộ dân. Tham gia sản xuất, các hộ sẽ được hỗ trợ 50% chi phí vật tư như: giống, phân bón, Trichoderma phân hủy rơm rạ, ứng dụng cơ hóa (máy sạ cụm/sạ hàng khí động học), drone phun thuốc... đồng thời thực hiện bao tiêu liên kết đầu ra.

Trình diễn quy trình làm đất bằng cơ giới hóa tại cánh đồng thực hiện Đề án

Trình diễn quy trình làm đất bằng cơ giới hóa tại cánh đồng thực hiện Đề án

Tham dự lễ khởi động Đề án, ông Huỳnh Thanh Mẫn - Chủ nhiệm Tâm Việt Hội quán, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, cho biết: “Qua lễ khởi động Đề án, tôi thấy được sự quyết tâm của địa phương thông qua mô hình cụ thể. Là nông dân, tôi cũng thấy rất phấn khởi, tin tưởng vào hiệu quả của Đề án. Là một trong các đơn vị được chọn triển khai Đề án, nông dân trong Hội quán chúng tôi đều sẵn sàng và tự tin thực hiện Đề án trong thời gian tới”.

Có thể nói, việc khởi động Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh được xem là bước khởi đầu cho việc sản xuất lúa theo hướng bền vững. Để thực hiện thành công còn rất nhiều việc cần làm, nhưng với sự hưởng ứng, quyết tâm của địa phương, người dân, doanh nghiệp trong những bước khởi đầu triển khai, tin rằng Đề án sẽ tạo ra bước đi bền vững cho ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới...

MN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/khoi-dong-de-an-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-cot-moc-danh-dau-su-khoi-dau-mot-nen-nong-nghiep-b-123256.aspx