Khởi động dự án 'Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng' tại Bắc Hà, Lào Cai
Ngày 29/5/2023, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lào Cai và Hội LHPN huyện Bắc Hà tổ chức lễ khởi động dự án 'Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng' tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Lễ khởi động tại UBND xã Thải Giàng Phố (Ảnh: Việt Hùng)
Dự án sẽ được triển khai trong vòng một năm, với 8 hoạt động nhằm: i)Từng bước xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và một số vấn đề giới nổi cộm tại địa phương; ii) Cải thiện sinh kế cho các phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng; iii) Xây dựng nhóm nòng cốt thúc đẩy bình đẳng giới và quyền trẻ em tại địa phương. Trong năm đầu tiên triển khai dự án, 15 hộ gia đình được hỗ trợ vốn vay thông qua quỹ gây được từ chiến dịch "Tô cam cùng TH" để cải thiện sinh kế.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy huyện Bắc Hà (Ảnh: Việt Hùng)
Tham dự sự kiện, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy huyện Bắc Hà đánh giá cao ý nghĩa của dự án và nhận định đây là một mô hình tốt để lan tỏa, giúp được nhiều gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Bà Nga cam kết sẽ cùng cán bộ phụ nữ và các ban ngành địa phương hướng dẫn và hỗ trợ các cá nhân, gia đình tận dụng hiệu quả nguồn vốn của dự án, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động dự án trong một năm tới.
Huyện Bắc Hà là huyện vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 70 km, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84% (dân tộc Mông chiếm 44,15%, Tày 11,18%, Nùng 9,2%, Dao 14,07%, các dân tộc khác 2,37%); tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 43%.
Nhiều gia đình tại huyện Bắc Hà sẽ được hưởng lợi từ dự án (Ảnh: Việt Hùng)
Xã Thải Giàng Phố là xã khó khăn với 502 hộ nghèo, chiếm 73,82%. Trên địa bàn xã vẫn tồn tại vấn đề về bất bình đẳng giới trong phân công lao động và ra quyết định; phụ nữ dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết về thị trường, kỹ năng quản trị và tài chính; rào cản ngôn ngữ, v.v. Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng về định kiến giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cho trẻ em bỏ học và lao động sớm; đồng thời những người thất nghiệp và giảm sút thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có 100 người phụ nữ trong xã phải đi làm ăn xa.
Đây là lý do Quỹ VSF và Tập đoàn TH lựa chọn địa bàn xã Thải Giàng Phố để triển khai dự án "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng". Tổng ngân sách thực hiện dự án là 400.800.000 đồng do Tập đoàn TH tài trợ và nguồn đối ứng từ chương trình "Lan tỏa hạnh phúc đích thực" của VSF. Trong đó 150.000.000 đồng được sử dụng để hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn - mong muốn cải thiện sinh kế và thúc đẩy bình đẳng giới. Tại buổi lễ, các đơn vị đã trao 15 gói hỗ trợ vốn vay cho 15 phụ nữ trên địa bàn xã. Với nguồn hỗ trợ này, các gia đình có thể tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống.
Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (Ảnh Việt Hùng)
Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc VSF cho biết: "Chúng tôi mong muốn số lượng phụ nữ nhận được sự hỗ trợ của quỹ vốn vay sẽ không dừng lại ở con số này, mà sẽ được nhân lên qua các năm, và trở thành động lực, thành một mô hình hiệu quả và được nhân rộng tại huyện Bắc Hà cũng như tại các địa phương khác trên cả nước".
Cùng ngày, đại diện các đơn vị cũng đến thăm và trao quà là sản phẩm TH true MILK đến ba gia đình được hỗ trợ vốn vay tại xã Thải Giàng Phố.
Bà Trần Thị Như Trang (áo hồng) thăm các gia đình (Ảnh: Việt Hùng)
Quỹ hỗ trợ vốn vay xuất phát từ chiến dịch "Tô cam cùng TH - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2022. Đây là hoạt động hưởng ứng Chiến dịch UNiTE của Liên Hợp Quốc năm 2022 do VSF và Tập đoàn TH phối hợp với UN Women thực hiện. Với thông điệp "Chung tay vì hạnh phúc đích thực của phụ nữ và trẻ em Việt Nam", chiến dịch gồm nhiều hoạt động nhằm truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho các nạn nhân, trong đó đáng chú ý là xây dựng Quỹ hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn – mong muốn cải thiện sinh kế và thúc đẩy bình đẳng giới.
Trong thời gian 1 tháng diễn ra chiến dịch, đã có 238.000 sản phẩm màu cam của TH được bán ra, với mỗi sản phẩm TH màu cam được mua tại một trong 15 cửa hàng trong chương trình,VSF đóng góp 630 đồng cho Quỹ hỗ trợ vốn vay ý nghĩa này. 630 là con số nhắc nhở người tiêu dùng về tỷ lệ đáng báo động 63% phụ nữ Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình của họ trong đời. Mỗi khoản vốn vay trị giá 10 triệu đồng với lãi suất 0% và vận hành xoay vòng.
Nguồn: TH Group