Khởi động năm học mới 2024-2025

Ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 8, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức họp hội đồng sư phạm, lên kế hoạch, làm công tác chuẩn bị để sẵn sàng chào đón năm học mới 2024-2025.

Giáo viên Trường mầm non La Ngà (huyện Định Quán) trang trí lớp học để chuẩn bị cho năm học mới. Đây là một trong số các trường được xây mới đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025. Ảnh: H.Yến

Giáo viên Trường mầm non La Ngà (huyện Định Quán) trang trí lớp học để chuẩn bị cho năm học mới. Đây là một trong số các trường được xây mới đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025. Ảnh: H.Yến

Thời điểm này, tình hình chuẩn bị đội ngũ, hoàn thiện cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp đang được tiến hành để chào đón học sinh trở lại trường.

Thêm trường học mới khang trang, sạch đẹp

Năm học mới 2024-2025, huyện Định Quán có thêm một số trường học được xây mới và xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, chính thức đưa vào sử dụng gồm: Trường mầm non La Ngà (xã La Ngà) với mức đầu tư 42,8 tỷ đồng, Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Định Quán) với mức đầu tư 80 tỷ đồng, Trường THCS Thanh Sơn (xã Thanh Sơn) với mức đầu tư 42,5 tỷ đồng. Các công trình này đều đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao.

Bên cạnh đó, huyện Định Quán còn các dự án đang triển khai thực hiện như: Trường tiểu học (TH) Phú Cường (gần 40 tỷ đồng), Trường TH Nguyễn Đình Chiểu (42,4 tỷ đồng), Trường TH Nguyễn Bá Ngọc xây dựng điểm lẻ Mít Nài (34,2 tỷ đồng)… Cùng với đó, huyện còn 24 dự án nằm trong danh sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chuẩn bị được đầu tư.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai Lê Thiên Thanh vui mừng chia sẻ: “Trường được xây mới ở khu phố Hiệp Lợi, thị trấn Định Quán. Trường gồm khu hiệu bộ, khu phòng học (24 phòng), khu thực hành - thí nghiệm, phòng đa năng (hội trường). Chúng tôi đang rất háo hức chờ đợi bàn giao để được khai giảng năm học mới ở ngôi trường mới này”.

Một trong những kiến nghị của phòng giáo dục và đào tạo các địa phương là tỉnh cần tăng cường kinh phí trang bị tài liệu tham khảo, đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng trang bị các thiết bị dạy học tiên tiến; đầu tư các phòng học bộ môn cho các bậc học...

Thầy Thanh cho biết thêm, trong thời gian chờ bàn giao cơ sở mới, mọi hoạt động của trường vẫn tiến hành bình thường ở cơ sở cũ.

Hiệu trưởng Trường mầm non La Ngà Lê Thị Mai cho biết, trường được xây mới, đáp ứng quy mô học tập của 340 học sinh. Mặc dù chưa được chính thức nhận bàn giao nhưng hiện nay trường đang dọn dẹp, trang trí các phòng học, góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp, các khu vui chơi, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trong và ngoài trường.

“Để làm được khối lượng công việc đó, chúng tôi huy động toàn bộ giáo viên của trường, làm suốt từ thứ hai đến thứ bảy để kịp khai giảng năm học mới. Nhờ có được cơ sở mới, trường chúng tôi sẽ kiểm định để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm học 2024-2025 này” - cô Mai cho hay.

Chuẩn bị cho năm học 2024-2025, huyện Trảng Bom khởi công nâng cấp, cải tạo 8 công trình với tổng kinh phí 228 tỷ đồng, gồm 120 phòng học được xây mới và trang bị thiết bị đi kèm. Bên cạnh việc tu sửa về trường, lớp, chuẩn bị năm học mới, UBND huyện Trảng Bom đã kịp thời trang bị đồ chơi ngoài trời cho 8 trường mầm non với kinh phí 5 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, không có tình trạng phải học ca 3.

Tương tự, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có các công trình xây dựng mới trường học, xây dựng bổ sung các phòng học; mua sắm, bổ sung trang thiết bị để phục vụ nhu cầu dạy và học trong năm học mới 2024-2025.

Tiếp tục tuyển dụng giáo viên

Mặc dù đã có nhiều giải pháp và nỗ lực trong tuyển dụng nhưng tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên tại các trường học vẫn tiếp diễn. Vì vậy, các trường học đang gấp rút tuyển dụng giáo viên, nhân viên để có đủ nhân sự, đáp ứng nhu cầu dạy - học và thực hiện các công tác chuyên môn trong nhà trường.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Định Quán, huyện còn thiếu 31 cán bộ quản lý trường học (trong đó đang trình hồ sơ 11 người), thiếu 36 giáo viên mầm non, 93 giáo viên bậc TH; riêng bậc THCS dư 27 giáo viên, thiếu 30 giáo viên.

Để giải quyết tình trạng này, huyện Định Quán thực hiện các giải pháp như: tiếp nhận thuyên chuyển viên chức; các trường tiếp tục thực hiện công tác tuyển dụng; xin chủ trương hợp đồng; bố trí dạy tăng tiết hưởng thừa giờ. Trường hợp thiếu không thể bố trí được thì sẽ xem xét dồn lớp, tăng sĩ số học sinh trên lớp, giảm lớp 2 buổi/ngày đối với tiểu học. Song song đó, các trường học tiếp tục tuyển dụng giáo viên, nhân viên.

Năm học 2024-2025, huyện Trảng Bom còn thiếu 314 giáo viên. Huyện cần bổ sung thêm 12 cán bộ quản lý ở các trường. Hiện nay, UBND huyện Trảng Bom đang thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý; thực hiện công tác tiếp nhận giáo viên ngoài huyện, ngoài tỉnh đến, thuyên chuyển giáo viên trong huyện chuẩn bị cho kịp năm học mới.

Tại huyện Tân Phú, theo thống kê, huyện còn thiếu 180 giáo viên, nhân viên so với nhu cầu thực tế. Trong đó, bậc mầm non thiếu 36 người, bậc TH và THCS cùng thiếu 72 người.

Đối với số giáo viên, nhân viên còn thiếu, UBND huyện Tân Phú đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng hoặc hợp đồng để đảm bảo cho các trường có giáo viên dạy đủ số tiết, số lớp theo phân phối chương trình. Cùng với đó, Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp cùng Phòng Nội vụ đã tham mưu UBND huyện Tân Phú kiện toàn cán bộ quản lý các trường học.

Tương tự, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Cửu đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường tuyển dụng số viên chức giáo viên còn thiếu theo chỉ tiêu UBND huyện giao cho các trường trong năm 2024.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/khoi-dong-nam-hoc-moi-2024-2025-6955c6a/