Khởi động phục hồi công năng của các bệnh viện

Hơn bốn tháng chống dịch, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 95 bệnh viện trên địa bàn thành phố đã và đang tham gia điều trị Covid-19. Đến nay, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu 'giảm nhiệt', một số nơi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, việc phục hồi công năng khám, chữa bệnh thông thường cho người dân là một yêu cầu cấp thiết.

Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đã chuyển đổi trở về công năng khám, chữa bệnh thông thường.

Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đã chuyển đổi trở về công năng khám, chữa bệnh thông thường.

Ngày 28/9, hai bệnh viện quận, huyện đầu tiên chuyển đổi trở về công năng khám, chữa bệnh thông thường là Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị phục hồi công năng phải thực hiện đầy đủ các bước rà soát điều kiện tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh như: cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn toàn bệnh viện theo quy định, tuân thủ nghiêm “Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế , “Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong bệnh viện” của Sở Y tế, sắp xếp lại nhân lực, trang thiết bị…

Theo đó, Bệnh viện quận 7 thực hiện khám, chữa bệnh theo mô hình “Bệnh viện tách đôi” kể từ ngày 12/7 tiếp nhận điều trị cho người F0 và thực hiện cấp cứu người bệnh không nhiễm Covid-19. Sau hai tháng chung sức cùng thành phố chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân F0, Bệnh viện quận 7 đã tiếp nhận điều trị cho 1.317 bệnh nhân F0. Để trở lại công năng là cơ sở y tế tuyến quận tiếp nhận khám, chữa bệnh ban đầu, bệnh viện đã tiến hành phun xịt khử khuẩn toàn bộ các khoa điều trị F0 và khuôn viên bệnh viện, xử lý chăn, ga, gối, nệm, vệ sinh phương tiện vận chuyển người F0, toàn bộ bề mặt các vật dụng, thiết bị máy móc, giường bệnh. Công tác khử khuẩn được thực hiện nhiều lần để bảo đảm "sạch vi-rút" trước khi đón bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường vào điều trị. Ngoài ra, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân đến thăm khám, kịp thời ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm tại bệnh viện, Bệnh viện quận 7 đã siết chặt quy trình sàng lọc, khai báo y tế, sử dụng ca-mê-ra tầm nhiệt để phát hiện người bệnh có triệu chứng sốt, phân luồng người bệnh, áp dụng quy trình một chiều. Bên cạnh đó, Bệnh viện quận 7 vẫn duy trì một khu cách ly cho người bệnh có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 thông qua phát hiện sàng lọc tại bệnh viện. Những người bệnh này sẽ được bệnh viện điều trị tạm thời tại khu cách ly của bệnh viện và điều chuyển đến các cơ sở y tế điều trị Covid-19. Bà Nguyễn Thị Vui, phường Phú Mỹ, quận 7 cảm thấy phấn khởi khi hay tin bệnh viện quận trở về với công năng khám, chữa bệnh thông thường như ban đầu. Theo bà Vui, mấy tháng qua, việc đi khám, chữa bệnh thông thường của người dân gặp khó khăn khi các cơ sở y tế đều tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19. Nay bệnh viện quận trở lại điều trị bệnh thông thường như ban đầu đã giúp người dân bớt lo lắng khi có nhu cầu khám, chữa bệnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Tăng Chí Thượng, để phòng, chống đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, lần đầu tiên, ngành Y tế thành phố buộc phải huy động nhiều loại hình bệnh viện khác nhau trong “cuộc chiến” với Covid-19 kéo dài gần năm tháng qua như: Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện tách đôi, Bệnh viện chuyển đổi công năng toàn phần, cùng với việc phải huy động tổng lực nguồn nhân lực từ tất cả bệnh viện trên địa bàn tham gia công tác thu dung và điều trị Covid-19. Và đây cũng là lần đầu tiên ngành Y tế thành phố nhận được sự hỗ trợ nguồn nhân lực đông đảo lên đến hàng nghìn người được Bộ Y tế huy động từ nhiều vùng trên khắp cả nước; nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả của lực lượng Quân y từ Bộ Quốc phòng. Đến nay, tình hình dịch bệnh có những dấu hiệu lạc quan như số ca nhập viện ngày 26/9 đã thấp hơn số ca xuất viện, số ca tử vong, tỷ lệ ca dương tính qua nhiều lần xét nghiệm tiếp tục giảm sâu. Đây là những tín hiệu vui cho thấy thành phố bắt đầu kiểm soát được dịch. Trước thực tế đó, ngành Y tế thành phố đã chuẩn bị một lộ trình phục hồi lại công năng ban đầu của các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân. Tuy nhiên, khi trở lại công năng ban đầu, các bệnh viện phải tích hợp một cấu trúc và quy trình hoạt động mới, bảo đảm thực hiện hai chức năng trong trạng thái bình thường mới, đó là khám, chữa bệnh đa khoa hay chuyên khoa theo loại hình ban đầu của mỗi bệnh viện nhưng phải luôn sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh, bên cạnh việc ưu tiên trả lại các bệnh viện dã chiến đã sử dụng các cơ sở hạ tầng của các trường học, ký túc xá, công sở, các bệnh viện đa khoa quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ sớm được trả về công năng khám, chữa bệnh thông thường, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết: Một nguyên tắc mà ngành Y tế phải bảo đảm khi xây dựng lộ trình chuyển đổi về công năng ban đầu cho các bệnh viện, đó là trên một địa bàn quận, huyện phải luôn có sẵn phương án nơi tiếp nhận và thu dung điều trị F0 có triệu chứng. Nguyên tắc thứ hai, là hạn chế việc phải chuyển người bệnh F0 đi nhiều bệnh viện khác nhau. “Với nguyên tắc này, ngành Y tế sẽ xây dựng mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” thích ứng với hoàn cảnh mới, theo đó, các bệnh viện dã chiến số 13, số 14 và số 16 cùng với các trung tâm hồi sức kế cạnh sẽ đảm trách mô hình này khi thành phố đã kiểm soát được dịch. Trong khi đó, các bệnh viện dã chiến, thu dung và điều trị Covid-19 khác sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình khi điều trị hết bệnh nhân” - đồng chí Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.

Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cảnh báo và ngưỡng năng lực điều trị còn là nhiệm vụ quan trọng song hành với lộ trình phục hồi công năng các bệnh viện, bảo đảm hệ thống điều trị luôn phải thích ứng kịp thời với những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/khoi-dong-phuc-hoi-cong-nang-cua-cac-benh-vien-667404/