'Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi' từ trạng thái pháp lý mới

Trong bối cảnh các nhà quản lý đang nỗ lực thúc đẩy nhanh sự thay đổi về mặt pháp lý, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm cách đón đầu cơ hội phục hồi như thế nào?

Đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn Tài chính – Bất động sản năm 2024 với chủ đề: “Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi”, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, sẽ diễn ra vào ngày 29-5 tới đây tại TPHCM.

Đón đầu câu chuyện pháp lý mới

Chính phủ mới đây đã đồng ý với đề xuất đẩy thời gian có hiệu lực của ba bộ luật liên quan (bao gồm Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản) từ ngày 1-7-2024, thay vì ngày 1-1-2025. Quốc hội kỳ họp thứ 7 khai mạc vào hôm nay (20-5) dự kiến sẽ thảo luận thêm về đề xuất này cùng hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung.

Việc ba bộ luật trên có hiệu lực sớm sáu tháng được các chuyên gia đánh giá là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố chất lượng thị trường bất động sản hiện đang đối mặt nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA), các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.

Cũng theo ông, Quốc hội cũng đang cân nhắc hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Đồng thời các Bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện hơn 20 Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật liên quan cho đợt cải thiện tình trạng pháp lý này.

“Nếu cho phép áp dụng sớm cũng như thông qua hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội cùng các văn bản hướng dẫn liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM”, ông Châu nói.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn cũ

Các vướng mắc pháp lý được cho là đang chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Đây là một trong nhóm giải pháp quan trọng Chính phủ nỗ lực tháo gỡ trong hai năm qua, bên cạnh nhóm giải pháp liên quan đến thanh khoản, dòng tiền cho thị trường.

Hiện nay, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản đang có những tín hiệu mới tích cực từ cả góc độ pháp lý và giao dịch thị trường, mang đến kỳ vọng về sự phục hồi rõ rệt hơn.

Tuy nhiên, các thách thức vẫn còn hiện hữu, từ câu chuyện thanh khoản thị trường trái phiếu, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản, tình trạng mất cân đối cung cầu sản phẩm cho đến những câu hỏi về hiệu quả của việc thay đổi trạng thái pháp lý của ngành.

Trong bối cảnh này, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Tài chính – Bất động sản năm 2024 với chủ đề: “Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi”.

Diễn đàn thường niên năm nay có sự góp mặt của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thảo luận về tình hình thị trường bất động sản trong môi trường pháp lý mới. Trong khi đó, ông Châu của HOREA sẽ trình bày cụ thể hơn về kế hoạch thích nghi của các doanh nghiệp, thực trạng cung cầu trên thị trường, bài toán giá và thanh khoản giao dịch.

Ngoài ra, diễn đàn còn bao gồm hai phiên thảo luận về câu chuyện của dòng vốn chảy trên thị trường bất động; hai là những nỗ lực cải thiện pháp lý sẽ dẫn tới những hệ quả gì trong thời gian tới, cũng như động thái của các doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận đầu tiên về dòng vốn, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, sẽ chia sẻ thêm về hoạt động tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, một lo ngại được nhắc đến gần đây là sự ổn định của mặt bằng lãi suất cho vay, từ đó mang đến sự yên tâm cho người mua nhà.

Câu chuyện dòng tiền và thanh khoản trên thị trường cũng là một điểm cần quan sát kỹ hơn, trong bối cảnh áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn lớn. Những chia sẻ từ ông Hoàng Huy, Chiến lược gia, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty chứng khoán Maybank, sẽ bổ sung thêm những phân tích khách quan, những dự báo mới về thị trường tổng thể, dựa trên sự thay đổi vĩ mô gần đây.

Phiên thảo luận thứ hai sẽ tập trung vào câu chuyện của pháp lý và góc nhìn từ phía doanh nghiệp, với sự góp mặt của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam và bà Dương Thanh Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy.

Một trong những điểm nhấn của diễn đàn còn đến từ góc nhìn của những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp, phân khúc gần như đứng ngoài chu kỳ khủng hoảng của thị trường với đà tăng trưởng ấn tượng.

Theo đó, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam, sẽ chia sẻ những lý do kỳ vọng phân khúc này sẽ dẫn dắt đà phục hồi của thị trường, câu chuyện phát triển quỹ đất và xu hướng đầu tư chú trọng vào tính bền vững.

Còn ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc Công ty KCN Việt Nam, sẽ nói thêm về những nỗ lực phát triển nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ để phục vụ riêng cho nhóm đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ sung cho phân khúc “đại bàng” vốn được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.

Tiếp nối thành công của những sự kiện trước đây như Diễn đàn Ngân hàng thường niên, mục tiêu cuối cùng của Diễn đàn Tài chính – Bất động sản năm nay là làm thế nào để khơi thông dòng tiền trên thị trường, định hướng sản phẩm phù hợp hơn trong chu kỳ phát triển mới.

Độc giả quan tâm đến sự kiện, muốn tham gia Diễn đàn Tài chính – Bất động sản năm 2024, xin vui lòng đăng ký tham gia theo đường dẫn dưới đây:

https://forms.gle/QyN5eHnFNR9u5UgB7

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khoi-dong-von-don-co-hoi-phuc-hoi-tu-trang-thai-phap-ly-moi/