Khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn trong thời gian ngắn để quy định chi tiết các luật mới

Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 130 văn bản. Trong đó, có một số luật phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết như Luật Điện lực (29 văn bản), Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực tài chính (15 văn bản), Luật Di sản văn hóa (16 văn bản)…

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, đã diễn ra Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Hội nghị do Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao kịp thời của Đảng; sự chủ động, đồng hành, giám sát chặt chẽ của Quốc hội; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các địa phương, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục đi vào nền nếp với những kết quả hết sức quan trọng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: (1) đẩy mạnh rà soát pháp luật để kịp thời tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền để phản ứng chính sách phù hợp; (2) Chính phủ, Thường trực Chính phủ thảo luận kỹ lưỡng về các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; (3) tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật (xem xét, cho ý kiến hơn 70 đề nghị xây dựng và dự án luật, dự thảo nghị quyết); Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc về pháp luật, giao Bộ Tư pháp là đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng (trình Quốc hội cho ý kiến 19 dự án luật, thông qua 28 dự án luật, 6 dự thảo nghị quyết quy phạm). Cùng với việc trình các Luật, Chính phủ đã ban hành 159 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 23 quyết định, các Bộ trưởng ban hành 832 thông tư.

Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Quốc hội đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần đầu về 10 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác, đa số là do Chính phủ trình.

Trong số 18 luật, 4 nghị quyết, có 1 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2024; 2 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; 1 luật có hiệu lực 15/01/2025, 1 luật có hiệu lực từ 1/2/2025, 2 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; 1 luật có hiệu lực từ 1/1/2026, 2 nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2025, các nghị quyết còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quốc hội thông qua.

Hội nghị do Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức, được kết nối trực tuyến toàn quốc tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị do Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức, được kết nối trực tuyến toàn quốc tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các đạo luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (Luật sửa 9 luật do Bộ Tài chính chủ trì; Luật sửa 4 luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa).

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội kịp thời xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề, xu hướng mới như quản lý, sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi... tạo khuôn khổ pháp lý, hướng tới thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế-xã hội (Luật Điện lực, Luật Dữ liệu...)

Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các đạo luật về quốc phòng và an ninh quốc gia, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ để làm tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng không nhân dân..); ban hành các đạo luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý thuốc, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế).

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành cao trên 90% (có luật thông qua với tỉ lệ 100% đại biểu như Luật Phòng không nhân dân).

Nội dung các luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, bảo đảm yêu cầu pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kết quả nêu trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan liên quan, nhất là sự tích cực, chủ động chuẩn bị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trong quá trình tham mưu, đề xuất ban hành Luật sửa 9 luật và Luật sửa 4 luật nhằm kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực để phát triển, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội, các bộ khẩn trương nghiên cứu, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết (Luật Điện lực, Luật Dữ liệu). Một số bộ xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng để triển khai thi hành các luật và đang thực hiện việc lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan (Luật Công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam…).

Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ biến luật, nghị quyết. Các bộ chủ trì soạn thảo tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cập nhật, đăng tải toàn văn nội dung văn bản lên Cổng/Trang thông tin điện tử để cán bộ và nhân dân dễ tiếp cận.

Sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ 8, các bộ đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024).

Theo đó, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 130 văn bản. Trong đó, có một số luật phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết như Luật Điện lực (29 văn bản), Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực tài chính (15 văn bản), Luật Di sản văn hóa (16 văn bản)…

Đến nay, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số bộ đã chủ động soạn thảo và có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định nhằm bảo đảm tiến độ, thời hạn trình ban hành văn bản quy định chi tiết.

Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ rà soát, gửi thông báo đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung luật, nghị quyết giao chính quyền địa phương quy định chi tiết. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ban hành văn bản để quy định chi tiết 3 nội dung được giao tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Riêng Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng phải ban hành văn bản để quy định chi tiết 1 nội dung được giao tại Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn trong khoảng thời gian ngắn

Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhằm góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác xây dựng pháp luật; chống lãng phí và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh, Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Việc lập và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm phải trên cơ sở thực tiễn và thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội đang bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới.

Khẩn trương gửi kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ; trong đó, đối với việc sửa đổi các luật liên quan đến tên, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan sẽ thay đổi sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Khẩn trương đề xuất sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật theo kết quả rà soát của Tổ công tác, thực hiện đề án 06 và cắt giảm thủ tục hành chính.

Về công tác triển khai thi hành các luật, các bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Tập trung nguồn lực ban hành đúng tiến độ 83 văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua từ Kỳ họp thứ 7 trở về trước và ban hành đúng tiến độ 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, nhất là 69 văn bản quy định chi tiết các luật hoặc nội dung có hiệu lực trong tháng 12/2024 và đầu năm 2025. Với khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải cùng "chung tay", góp sức và nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp soạn thảo, thẩm định, cho ý kiến nhằm ban hành các văn bản bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực đồng thời với luật, nghị quyết.

Đức Tuân

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khoi-luong-van-ban-can-ban-hanh-rat-lon-trong-thoi-gian-ngan-de-quy-dinh-chi-tiet-cac-luat-moi-102241225162022873.htm