Khơi mở tiềm năng kinh tế sáng tạo cho doanh nghiệp Việt

Việc đầu tư vào chuyển đổi số, không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đóng gói lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Đóng gói lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Đổi mới sáng tạo trong các ngành sản xuất là lựa chọn, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt nếu muốn nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt khi Liên minh châu Âu (EU) rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và sản xuất. Do đó, việc đầu tư vào chuyển đổi số, không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Qua nhiều năm đồng hành cùng các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu ở Đồng Nai, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Logistics Hưng Thịnh Phát, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cho hay, cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thâm nhập và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU từ rất sớm với nhiều mặt hàng truyền thống như gốm thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất, nông sản thực phẩm gồm hạt điều, cà phê.... Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào EU đạt giá trị hơn 1,3 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, thỏa thuận Xanh châu Âu đã đặt ra mục tiêu để EU trở thành khu vực có mức phát thải carbon thấp vào năm 2050. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị xanh và bền vững, nếu họ có thể đáp ứng các tiêu chí về môi trường và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường để không chỉ tuân thủ các yêu cầu của EU mà còn nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Group cho hay, công ty đang nghiên cứu sâu và phát triển các loại nông sản với các dòng sản phẩm mới để tìm kiếm thị trường mới, gia tăng thị phần, thu hút đầu tư. Hiện tại, công tác quản trị Nafoods đã chính thức tái cơ cấu theo mô hình chuyên nghiệp, áp dụng quản trị vào hệ thống nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển đến năm 2026. Bên cạnh đó, công ty cũng đã bổ sung nhiều nhân sự mới cho các vị trí chuyên môn quan trọng, tập trung cho đào tạo và nâng cao chất lượng, chú trọng vào phát triển và ươm mầm nguồn nhân lực.

Về sản xuất kinh doanh, để chủ động nguồn cung ứng và tăng cường tính kiểm soát chất lượng đầu vào nguyên liệu, Nafoods đặc biệt chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng, áp dụng các phần mềm chuyên biệt như: Cropin, Fast Business, CRM, SRM… Mặt khác, Nafoods cũng nâng cao năng lực sản xuất, khánh thành Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao Tây Nguyên có diện tích 10 ha bao gồm: trung tâm nghiên cứu nhân giống cây trồng công nghệ cao; nhà máy sản xuất để phân loại, tách, đóng gói và bảo quản trái cây xuất khẩu; khu nông nghiệp công nghệ cao.

Ở góc độ phân phối, Chuyên gia thị trường Nguyễn Hồng Lượng, Giám đốc Công ty TNHH MegaVN chuyên tổ chức xúc tiến các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc cho biết: Một trong những ngành hàng ưu tiên mà các đối tác Hàn Quốc đang tìm kiếm để khai thác từ Việt Nam, đó là những mặt hàng, sản phẩm có sự đầu tư về đổi mới sáng tạo và công nghệ.

Việt Nam có lợi thế về chi phí sản xuất thấp so với nhiều quốc gia khác. Các sản phẩm được cải tiến và đổi mới sáng tạo từ Việt Nam thường có giá thành hợp lý hơn, nên giúp Hàn Quốc dễ dàng tiếp cận và tiêu thụ trên thị trường. Người tiêu dùng Hàn Quốc cũng ngày càng có xu thế nhập khẩu nhiều do nhu cầu cao về sản phẩm an toàn và sạch, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm. Các sản phẩm nông sản hữu cơ hay sản phẩm chế biến từ nông sản đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang trở thành sự lựa chọn hấp dẫn.

Ngoài ra, việc đổi mới trong quản lý chuỗi cung ứng cũng giúp tăng cường khả năng phân phối và logistics, đảm bảo sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng Hàn Quốc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Điều này sẽ làm tăng sự hài lòng của khách hàng và tạo sự tin tưởng đối với sản phẩm Việt Nam.

Gần đây, Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại và đầu tư. Hàn Quốc coi Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược trong dòng chảy thương mại nên việc ưu tiên các mặt hàng có đổi mới sáng tạo từ Việt Nam cũng là một cách để củng cố, thúc đẩy mối quan hệ này. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam, Hàn Quốc nhận thấy tiềm năng lớn từ việc xuất khẩu các sản phẩm đổi mới sáng tạo, không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở rộng thị trường ra toàn cầu.

Theo các chuyên gia, đổi mới sáng tạo trong xuất khẩu được hiểu là việc áp dụng các ý tưởng, công nghệ mới hay phương thức sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì lẽ đó, việc tập trung vào đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa thúc đẩy xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường quốc tế cho các mặt hàng Việt Nam.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khoi-mo-tiem-nang-kinh-te-sang-tao-cho-doanh-nghiep-viet/345521.html