Tình trạng ô nhiễm ở Delhi đã đạt mức tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay với chỉ số ô nhiễm gấp 400 lần mức cho phép. Các chuyến bay phải chuyển hướng khỏi thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Một tuần sau lễ hội Diwali, làn khói bụi dày đặc màu nâu bao trùm thành phố vẫn không có dấu hiệu chuyển biến. Một người dân trong tình trạng nguy kịch đã được báo cáo hôm 1/11 và Thủ hiến của Delhi, ông Arvind Kejriwal, cho biết thành phố đã biến thành một "phòng hơi ngạt". Ảnh: Znera.
Sang ngày 3/11, chất lượng không khí tiếp tục đi xuống. Chỉ số chất lượng không khí ở mức cao hơn 900 tại nhiều khu vực, vượt quá xa con số 25 - mức an toàn theo khuyến nghị của WHO. Chỉ số cao hơn 500 được coi là tình trạng "đặc biệt nghiêm trọng". "Vào lúc 11h sáng 2/11, chỉ số cảm biến ở bang NCR và Haryana đạt tối đa 999. Hãy ở trong nhà, đeo mặt nạ và ngồi cạnh máy lọc không khí nếu bạn may mắn có một cái. Hãy cầu nguyện cho những người vô gia cư", nhà văn Vikram Chandra, người đăng bức ảnh trên, viết. Ảnh: Twitter.
Tầm nhìn trở nên tồi tệ đã khiến hơn 30 chuyến bay phải chuyến hướng từ sân bay Delhi. "Ô nhiễm (không khí) đã đạt đến mức không thể chịu đựng được", Thủ hiến Kejriwal nhận định. Ảnh: Getty.
Sachin Mathur, 31 tuổi, người lái xe lam tự động ở tây bắc Delhi, cho biết vì phải làm việc ngoài trời nên anh cảm thấy khó thở và gần như không thể mở mắt trên đường. "Tôi đã lái xe lam trên đường phố Delhi được 3 năm. Mỗi năm sau thời điểm diễn ra lễ hội Diwali, Delhi đều trở nên như thế này", anh Mathur nói. "Tôi đang bị viêm họng và mắt tôi bị bỏng. Tình trạng ô nhiễm khiến tôi ế ẩm hơn và việc đi gặp bác sĩ thì không hề rẻ". Ảnh: Getty.
Cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí đang trở thành một truyền thống hàng năm ở Delhi cứ vào thời điểm này trong năm. Hỗn hợp khói bụi từ việc đốt pháo hoa trong lễ hội, nông dân đốt rơm rạ ở các bang Punjab và Haryana lân cận và việc hạ nhiệt độ khi bước vào mùa đông đã gây ra tình trạng tồi tệ này. Ảnh: Reuters.
Cơ quan giám sát môi trường của Safar cho biết sẽ không triển khai các hoạt động cứu trợ trong ít nhất hai ngày nữa vì trời mưa và độ ẩm cao. Các trường học phải đóng cửa ít nhất đến ngày 5/11. Các công trường tạm dừng hoạt động. Chính quyền phát mặt nạ cho người dân. Ngoài ra, từ ngày 4/11, New Delhi sẽ thí điểm dự án cho các xe có biển số chẵn, lẻ chạy đan xen các khung giờ trong ngày. Ảnh: Reuters.
Nhiều người dân Delhi ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ngăn chặn thủ phạm chính đốt rơm rạ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy có hơn 3.000 đám cháy trong tuần trước do đốt rơm rạ ở các bang láng giềng. Theo ước tính, việc này đóng góp 44% vào tình trạng ô nhiễm ở thủ đô. Ảnh: Reuters.
Rachel Rao, phó hiệu trưởng của trường Queen Mary ở Delhi, cho biết nhà trường đã hạn chế các hoạt động ngoài trời cho học sinh. "Trong 10 năm qua, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy ô nhiễm như thế này", ông Rao nói. "Những ngày vừa qua thật kinh khủng. Chúng tôi chứng kiến nhiều học sinh bị ốm và phàn nàn về việc khó thở". Ảnh: Reuters.
Các bệnh viện ở thủ đô phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Bác sĩ Sai Kiran Chaudhary, trưởng khoa phổi bệnh viện Viện Tim & Phổi Delhi, cho biết người dân đã nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của ô nhiễm trong 2 năm qua. Mặt nạ trở thành vật dụng không thể thiếu và họ phải ngồi trong nhà nhiều hơn. Ảnh: Reuters.
"Mọi nguyên do từ đô thị hóa dẫn đến nhiều công trình mọc lên và gia tăng lượng xe cộ, đồng thời không gian xanh bị cắt xén khiến cho tình hình ngày một tồi tệ hơn", ông Chaudhary cho biết. "Rất nhiều người đang phải trả giá bằng tính mạng". Ảnh: Reuters.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nặng nhất thế giới là ở Ấn Độ. Tuổi thọ của những người sống ở các bang: Bihar, Chandigarh, Delhi, Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và Tây Bengal đã giảm tới 7 tuổi do ô nhiễm. Ảnh: Reuters.
Hà Lan