Khởi nghiệp châu Á thoát khỏi cái bóng của thung lũng Silicon
Tập trung giải quyết các vấn đề chung của khu vực, nhiều công ty khởi nghiệp châu Á đã mang tính toàn cầu ngay từ ngày đầu thành lập, điều thung lũng Silicon không làm được...
Hijup là khởi nghiệp chuyên bán thời trang cho phụ nữ Hồi giáo - Ảnh: Nikkei.
Ở châu Á, các doanh nhân khởi nghiệp có những “ý tưởng mang tính toàn cầu ngay từ ngày đầu thành lập, điều bất khả thi tại thung lũng Silicon”, tờ Nikkei dẫn lời Ernestine Fu, đối tác liên doanh của Alsop Louie Partners cho biết.
Lý do chính khiến các công ty khởi nghiệp châu Á làm được điều đó là tập trung giải quyết những vấn đề chung tại khu vực của mình. Một mô hình kinh doanh hay sản phẩm làm được điều đó thường sớm phát triển thành một công ty tỷ đô.
Đèn thắp sáng bằng nước muối
Công ty khởi nghiệp Salt của Philippines là một ví dụ điển hình. Với ý tưởng tìm kiếm nguồn thắp sáng ổn định thay cho điện tại vùng sâu vùng xa của Philippines, nhà sáng lập Aisa Mijeno từng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch tập đoàn Alibaba, Jack Ma, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Manila năm 2015.
Salt đã chế tạo ra loại đèn sử dụng nước muối để thắp sáng thay vì dùng dầu hỏa (thay cho điện) vốn phổ biến ở các nước Đông Nam Á.
Mijeno nảy ra ý tưởng đèn nước muối sau thời gian sống tại một bộ lạc xa xôi ở Kalinga, phía bắc Philippines, nơi người dân phải đi bộ ít nhất sáu tiếng đồng hồ tới thị trấn gần đó để mua dầu hỏa.
Theo Salt, đèn nước muối của công ty có thể dùng được 8 tiếng mỗi ngày trong 6 tháng nếu bảo quản đúng cách.
"Chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện những nhu yếu phẩm mọi gia đình Philippines đều có là muối, nước và gạo. Đó là lý do chúng tôi dùng muối để làm chất xúc tác… tạo ra “điện”, Mijeno chia sẻ.
Salt được thành lập năm 2014 khi gia nhập Ideaspace Foundation, tổ chức tài trợ và phát triển những ý tưởng tiên tiến có tiềm năng thương mại. Ideaspace đã chọn Salt vào top 10 dự án hàng đầu của năm đó. Đến nay, công ty này đã cung cấp hơn 1.000 chiếc đèn muối cho các vùng xa xôi hẻo lánh ở Philippines và đang hợp tác với một công ty để bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Một số công ty khởi nghiệp mới nổi tại châu Á - Ảnh: Nikkei.
Thời trang Hồi giáo
Còn với Diajeng Lestari ở Indonesia, vấn đề cô canh cánh là giúp phụ nữ Hồi giáo vừa giữ được truyền thống vừa được tư do thể hiện gu thời trang của bản thân. Với ý tưởng này, năm 2011, cô thành lập Hijup, một trang web thời trang chuyên bán quần áo và phụ kiện cho phụ nữ Hồi giáo.
Hijup là từ viết tắt của "hijab-up" giống như từ make-up (trang điểm) hoặc dress-up (mặc) trong tiếng Ạnh. Hijab là từ chỉ loại khăn choàng phổ biến của phụ nữ Hồi giáo.
"Chúng tôi tin rằng mình có thể mang lại những điều tuyệt vời cho phụ nữ Hồi giáo khắp thế giới”, website của công ty cho biết. Theo công ty này, phụ nữ Hồi giáo “bị hạn chế nhiều thứ, không được tự do tạo ra những điều tuyệt vời và nhận được sự tôn trọng của người khác. Họ xứng đáng được hạnh phúc trong những chiếc hijab thời trang”.
Theo truyền thông địa phương, Hijup, khởi đầu với số vốn chỉ 5 triệu rupee (375 USD) năm 2011, giờ đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2016, ước tính doanh thu mỗi tháng của công ty là từ 500 triệu tới 2 tỷ rupee.
Thị trường tiềm năng mà Hijub đang nhắm đến khiến công ty này trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Theo Báo cáo Kinh tế hồi giáo toàn cầu của Thomson Reuters, năm 2015, phụ nữ Hồi giáo trên khắp thế giới đã chi khoảng 44 tỷ USD cho quần áo truyền thống. Ước tính chi tiêu cho quần áo Hồi giáo sẽ tăng từ 243 tỷ USD năm 2015 lên 368 tỷ USD vào năm 2021.
Hijup là một trong những trang web bán quần áo cho người Hồi giáo nổi tiếng nhất tại Indonesia. Tuy nhiên, chính thành công của công ty khiến nhiều người làm theo và cạnh tranh với họ. Theo một khảo sát hồi tháng 3 của tập đoàn iPrice của Malaysia, Hijup có 117.600 lượt truy cập mỗi tháng, đứng thứ 2 trong số các website thời trang Hồi giáo, chỉ sau Hijabenka, một công ty mới hơn.
Tuy nhiên, Lestari tỏ ra khá lạc quạn “Tôi hi vọng Hijub có thể trở thành một thương hiệu toàn cầu, giúp được nhiều người Indonesia, nhờ đó đóng góp cho Indonesia và cả thế giới”, cô chia sẻ trên một kênh truyền hình năm ngoái.
Phân tích hành vi lái xe
Còn ở Malaysia, một công ty đang nỗ lực để xử lý tình trạng ăn cắp xe hơi và lái xe vô trách nhiệm. Tại Malaysia, cứ mỗi 24 phút lại có một chiếc xe bị ăn cắp, truyền thông nước này cho biết.
Năm 2014, Katsana, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Kuala Lumpur, ra đời với mục tiêu giải quyết tình trạng này. Dịch vụ theo dấu GPS của công ty này cho phép chủ xe nhanh chóng định vị chiếc xe bị mất cắp của mình.
Katsna cho phép định vị một chiếc xe trong bán kính 5 mét và cập nhật 10 giây một lần. Công ty này cũng giúp các công ty vận chuyển giám sát vị trí của lái xe và vận hành phương tiện an toàn.
Điều làm nên sự khác biệt giữa Katsana và các đối thủ là những phân tích của mình. Tháng 12/2016, công ty này nhận được khoản đầu tư 4 triệu ringgit (907.000 USD) từ quỹ công nghệ Axiata Digital Innovation Fund thuộc tập đoàn viễn thông Axiata Group. Số tiền này được dùng để phát triển và thương mại hóa mảng di động viễn thông của Katsana, sản phẩm chuyên giám sát hành vi lái xe.
Thông qua hồ sơ rủi ro chính xác dựa trên phân tích hành vi lái xe, các hãng bảo hiểm có thể xác định những lái xe tốt và điều chỉnh mức phí bảo hiểm phù hợp. Katsana cho biết dịch vụ của mình giúp “các hãng bảo hiểm xe máy giảm đáng kể tiền bồi thường bảo hiểm, đồng thời có đầy đủ dữ liệu để chuẩn bị cho chính sách tự do hóa bảo hiểm xe máy sắp tới tại Malaysia”.
"Kể từ khi thành lập năm 2014, chúng tôi nhận ra rằng những phân tích về hành vi là tài sản giá trị nhất của chúng tôi”, Syed Ahmad Fuqaha Syed Agil, giám đốc điều hành, nhà đồng sáng lập của Katsana, cho biết trong một thông cáo. “Kinh nghiệm thực tế khi làm việc với các công ty lớn giúp chúng tôi phát triển được những thuật toán chính xác để phân tích hành vi lái xe. Điều này mang lại lợi ích trực tiếp cho các hãng bảo hiểm xe máy. Đây cũng là sứ mệnh đóng góp cho an toàn giao thông tại Malaysia của chúng tôi”.
Kim Tuyến