Khởi nghiệp cho nữ lao động làng nghề truyền thống

Hà Nội có 1.350 làng có nghề và trên 300 làng được công nhận là làng nghề truyền thống với khoảng 1 triệu lao động, trong đó, có nhiều làng nghề, lao động nữ chiếm trên 70%. Vấn đề khởi nghiệp tại các làng nghề có ý nghĩa quan trọng, giúp cho phụ nữ tạo thêm việc làm tăng thu nhập và góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống.

Các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội như: Làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, Hà Đông; Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; Làng nghề gốm Bát Tràng; Làng nghề dát vàng, bạc Kiêu Kỵ, Gia Lâm… Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: May mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, cơ khí, chế biến nông sản...

Phụ nữ làng nghề Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ với sản phẩm mây tre giang đan. Ảnh: N.Du

Phụ nữ làng nghề Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ với sản phẩm mây tre giang đan. Ảnh: N.Du

Tổng doanh thu trung bình một năm của các làng nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD/năm; tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Lực lượng lao động nữ của nhiều làng nghề chiếm tỷ lệ trên 65% (có nơi trên 70%) đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển làng nghề truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy vậy, kinh doanh với chính những sản phẩm truyền thống do bàn tay mình tạo nên không hề đơn giản với phụ nữ làng nghề bởi nhiều rào cản, nhiều hạn chế họ gặp phải khi muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trong đó, khó khăn đầu tiên là cũng là vấn đề chung mà các làng nghề đang gặp phải là thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Khó khăn tiếp nữa là các cơ sở sản xuất tại làng nghề chủ yếu là hộ gia đình nên chưa quan tâm đến việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm cũng là tình trạng phổ biến. Một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm; qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng làng nghề, giao thông xuống cấp, chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm, chưa có cách khắc phục…cũng là những hạn chế, là rào cản cho sự phát triển chung của các làng nghề.

Để khởi nghiệp từ chính làng nghề của mình, chị em phụ nữ rất cần có sự hỗ trợ về chính sách vay vốn ưu đãi; hỗ trợ về kiến thức như: Mở các lớp nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, bồi dưỡng kiến thức về quản lý tài chính, thương mại điện tử, nhân sự, ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức các hội chợ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuỗi liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm… Có như vậy mới phát huy được tiềm năng của chính chị em cũng như các sản phẩm thủ công làng nghề.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khoi-nghiep-cho-nu-lao-dong-lang-nghe-truyen-thong-162056.html