Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải từ giáo dục
Chiều 26-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV-STARTUP), được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đơn vị tổ chức. Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm với với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV), giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh sinh viên có tính khả thi cao.
Nghiên cứu đưa khởi nghiệp thành môn học chính khóa
Điểm nhấn của sự kiện là Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THCS, THPT tham gia. Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên có đội tuổi từ 12-24 tuổi, được phát động từ tháng 4-2021 và đã nhận được gần 400 dự án. 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu thành công, một số dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Báo cáo những kết quả đạt được khi thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) sau 4 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, sau 4 năm thực hiện Đề án tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đa xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện đề án, công tác hỗ trợ đào tạo trong các trường hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ phụ trách tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, sinh viên khởi nghiệp còn hạn chế. Đội ngũ tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp còn ít kinh nghiệm, đa số là kiêm nhiệm, chưa có bộ phận chuyên trách, một số cán bộ phụ trách chưa tâm huyết, nhiệt tình. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên an phận, thiếu nhiệt huyết, tư duy không muốn đổi mới. Tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp cho sinh viên còn ít, chưa sát với thực tiễn. Một bộ phận sinh viên ngại khó khăn, thiếu tính năng động, sáng tạo, việc cân đối giữa việc học chuyên ngành và tham gia hoạt động khởi nghiệp còn chưa hợp lý. Đặc biệt, Đề án 1665 không có nguồn kinh phí riêng nên mọi việc triển khai rất chậm, chủ yếu phụ thuộc nguồn xã hội hóa...
Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia nhiều HSSV chia sẻ mong muốn được tạo điều kiện để tiếp cận sớm với các kiến thức, kỹ năng về tư duy, sáng tạo khởi nghiệp. Em Dương Thế Long, sinh viên năm nhất Trường ĐH VinUniversity đề xuất việc xây dựng 1 hệ thống website kết nối ngay trên nền tảng website của Đề án 1665. Cùng với đó, các nhà trường cần thay đổi, nội dung chương trình để tạo điều kiện cho mọi HSSV sớm tiếp cận với các nội dung về đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp, văn hóa doanh nhân và khát vọng cống hiến cần sớm được trang bị cho học sinh, sinh viên ngay từ bậc học phổ thông.
Giáo dục phải đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Do đó, tinh thần khởi nghiệp, chủ động tiếp cận với những thay đổi chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới; cơ chế chính sách còn một số bất cập. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước.
Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, không phải nhiệm vụ của riêng bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy.
Thủ tướng yêu cầu phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra mô hình kinh doanh mới, có đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và toàn xã hội.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục, hóa giải những mặt yếu, mặt hạn chế. Mặt khác, sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Đó là tâm lý “tiểu nông”; nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại thay đổi, tầm nhìn thiển cận; không dám thể hiện chính kiến; thụ động, “an phận thủ thường”; cục bộ, địa phương, dòng họ; tâm lý bình quân chủ nghĩa “xấu đều hơn tốt lỏi”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”; tùy tiện, ý thức kỷ luật kém…
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đặc biệt, đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.
Cùng với đó Thủ tướng đề cập việc tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, của giảng viên, của sinh viên; tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho khởi nghiệp như phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nguyên liệu để sản xuất thử nghiệm, vốn mồi, hỗ trợ ban đầu cho các dự án khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn, doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong trường đại học. Đẩy mạnh kết nối nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế; các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững.
Khẳng định tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Với tâm thế, tinh thần quyết tâm cao, toàn ngành Giáo dục sẽ nỗ lực thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng. Thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phát huy tối đa các kết quả của ngày hội khởi nghiệp, giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên nhằm trang bị các kỹ năng cần thiết, tạo nên khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Ngành sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp, sẽ tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, cùng với các bộ ngành, doanh nghiệp, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh sinh viên.