Khởi nghiệp kiểu 'bia kèm lạc', vợ chồng 8X đưa bánh dừa nướng ra thế giới

Những ngày đầu không bán được bánh dừa nướng, chị còn tặng kèm cho khách mua bánh mì theo kiểu 'bia kèm lạc'. Nhưng có người còn gọi điện nói thẳng 'mày đừng cho tao bánh nữa, đem cho gà nó cũng không ăn'.

Không gục ngã

Cùng sinh ra và lớn lên tại xứ dừa Tam Quan (Bình Định), nơi được coi là vùng nguyên liệu dừa lớn thứ hai của cả nước chỉ sau Bến Tre, chị Mai Thị Ý Nhi và anh Nguyễn Văn Tân (cùng sinh năm 1980), học đại học cùng nhau tại TP. Đà Nẵng. Sau khi ra trường, cả hai nên duyên vợ chồng và chọn Đà Nẵng làm nơi khởi nghiệp.

Ở TP. Đà Nẵng, hầu như ai cũng biết bánh dừa nướng Top Coco. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có được thành công ngày hôm nay, vợ chồng chị Ý Nhi cơ cực như thế nào.

Theo chia sẻ của chị Ý Nhi, tuổi thơ vất vả của vợ chồng chị gắn liền với cây dừa. Từng phải đi hái từng trái dừa mang ra chợ bán, cho tới việc nhà nghèo đến mức không có hộp quẹt để nhóm lửa, phải mang vỏ dừa qua nhà hàng xóm xin lửa, đựng than vào vỏ dừa rồi mang về dùng lá dừa khô thổi lên mới có lửa mà đun nấu.

Chị Mai Thị Ý Nhi (đứng) kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Chị Mai Thị Ý Nhi (đứng) kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Sẵn có nhiều kỷ niệm và tình yêu với dừa, trong một lần tình cờ thấy người ta bán bánh dừa với dòng chữ “Đặc sản Quảng Nam”, chị Ý Nhi chợt nghĩ: “Mình có cơ sở sản xuất bánh mì tươi, ông xã mình dù sao cũng biết làm bánh, trong khi quê mình là cả một vùng nguyên liệu dừa rộng lớn, vậy tại sao mình không làm bánh dừa?”

Sau khi đi tìm hiểu các lò làm bánh dừa tại Quảng Nam, năm 2018, vợ chồng chị bắt tay vào làm bánh dừa nướng. Cứ nghĩ bánh mình làm ngon lắm, nhưng khi đem đi bán mọi chuyện lại khác.

“Mình còn tặng kèm bánh dừa cho những khách mua bánh mì, nhưng có người còn gọi điện nói thẳng 'mày đừng cho tao bánh dừa nữa, cho gà nó cũng không ăn”, chị Ý Nhi nhớ lại.

Những chuyến đi làm thị trường cùng chồng và mẹ già 70 tuổi, có những chuyến chị tự đi một mình, hoặc dắt con đi theo.

Gọi là “làm thị trường” cho sang, thực ra là mang bánh đi mời chào người ta mua. Thậm chí, có lúc chị cảm thấy chán nản khi người tiêu dùng thờ ơ với sản phẩm. Đó là năm đầu tiên khởi nghiệp, cũng là lúc chị vừa sinh đứa con thứ ba.

“Ngày mới sinh bé thứ ba được một tháng, buổi chiều mình đi đón hai con lớn, trên đường về chở luôn con đi chào hàng. Thời đó mới sinh con nên đi làm cứ phải mang theo máy vắt sữa, nhiều lúc mải làm quên luôn việc vắt sữa, đến khi vắt thì bị tắc sữa chảy cả máu. Nhớ lại những ngày đó thấy kinh hoàng lắm. Bây giờ nhìn lại chặng đường đó, không thể nghĩ là mình có thể vượt qua.”

Chồng làm vợ bán, đi đến đâu chị cũng mang theo bánh để tranh thủ chào hàng. Tìm đến từng siêu thị, cửa hàng bán đồ đặc sản, có những cửa hàng chị phải mất 2 năm tiếp cận, chào mời, năn nỉ, thuyết phục,... mới đưa được sản phẩm lên kệ của họ. Lý do là bởi thị trường đã quá quen thuộc với bánh dừa Quảng Nam.

Bí quyết thành công: Không bao giờ bỏ cuộc

Bánh dừa vốn là sản phẩm chỉ được làm thủ công, không loại máy móc nào có sẵn chỉ để làm bánh dừa. Thế nhưng, hai vợ chồng nghiên cứu, mày mò để tạo ra dây chuyền khép kín trong sản xuất bánh. Cùng lúc với việc cải tiến máy móc là cải tiến quy trình, chất lượng sản phẩm để làm sao bánh không bị quá ngọt, không bị cứng, không bị dày, màu sắc và hình dạng phải đều.

Mất thêm một năm cho việc mò mẫm cải tiến này, chị Ý Nhi mới lần đầu cảm nhận được tín hiệu “sống sót” của sản phẩm. Đó là khi một khách hàng người Nhật tìm đến cơ sở sản xuất của chị, họ nói được một người bạn mang bánh từ Việt Nam sang và đã ăn thử. Đơn đặt hàng xuất ngoại đầu tiên của chị cũng chính là đơn hàng gửi sang Nhật từ vị khách mà sau này là đối tác của công ty.

Tại thị trường trong nước, bánh dừa của chị Ý Nhi dần thâm nhập vào các siêu thị, cửa hàng đặc sản phục vụ khách du lịch.

“Chất lượng và giá cả đã thuyết phục được các nhà phân phối, cộng với việc thấy mình năn nỉ ỉ ôi quá thì họ cũng thương. Sản phẩm vẫn bán được ở các cửa hàng tạp hóa truyền thống bất chấp hai năm dịch bệnh. Dần dần, bánh dừa đi ra khỏi Đà Nẵng và giờ đây có mặt ở nhiều tỉnh thành”, chị Ý Nhi nói.

Sau khi ra được công thức cuối cùng, bánh dừa làm từ 100% nguyên liệu tự nhiên, gồm: đường, bột gạo, bột nếp, đậu xanh, đậu phộng, me, đặc biệt là dừa từ xứ dừa Bình Định quê hương của anh chị. Những thành phần này đã tạo nên hương vị đặc trưng của bánh dừa nướng, được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của Đà Nẵng, trở thành sản phẩm đặc trưng của thành phố.

“Bánh làm ra vừa ngọt, vừa béo, vừa giòn, lại thơm tự nhiên, công thức cuối cùng của mình làm được là như thế”, chị Ý Nhi cho hay.

Đối tác nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm.

Đối tác nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm.

Top Coco đã có mặt tại 4 quốc gia, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, và Mỹ. Trong đó, thị trường Nhật Bản đã chinh phục được sang năm thứ tư.

Điều đặc biệt, ngoại trừ thị trường Lào, 3 thị trường còn lại khách hàng đều tự tìm đến với công ty theo cách tình cờ.

Container hàng đầu tiên xuất đi Mỹ vào tháng 11/2022, để đặt chân được vào thị trường này, doanh nghiệp Mỹ Phương Food phải đạt được chứng nhận FDA do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp.

Trước Tết Nguyên đán 2023, một đối tác từ Úc đến thăm quan và tìm hiểu sản phẩm, mang sản phẩm qua thử nghiệm tại thị trường Úc, nếu thành công họ sẽ trở thành đối tác lớn của công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đàm phán xong xuôi mọi điều khoản với đối tác Trung Quốc, nhưng đang còn chờ bảo hộ thương hiệu tại thị trường này.

“Rất tiếc là không kịp xuất lô hàng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc trước Tết Nguyên đán. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm OCOP đầu tiên của Đà Nẵng có mặt tại thị trường tỷ dân theo đường chính ngạch”, chị Ý Nhi chia sẻ.

Động lực để vượt qua khó khăn và thành công của hai vợ chồng chị là sự kiên trì, tình yêu quê hương, và luôn nghĩ rằng mình không thể thất bại.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khoi-nghiep-kieu-bia-kem-lac-vo-chong-8x-dua-banh-dua-nuong-ra-the-gioi-2102548.html