Khởi nghiệp nơi vùng sâu Cát Tiên
Vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng những thanh niên sinh ra, lớn lên và đang từng ngày bám trụ lại mảnh đất Cát Tiên đã bắt đầu mạnh dạn đổi thay để phát triển kinh tế. Vẫn gắn bó với cây, với đất, họ gieo những 'hạt mầm' niềm tin mới ngay tại nơi mà cha, ông họ từ những ngày đầu đi xây dựng kinh tế mới đã nhận là quê hương thứ hai.
Những chuyển biến mới
Chị Nguyễn Thị Hồng Anh - Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên, khẳng định: “Không thể nói rằng phong trào khởi nghiệp đã phát triển mạnh tại địa phương. Nhưng so với một vài năm trước đây thì hiện nay, khởi nghiệp đã có những bước khởi sắc. Mỗi xã đã có 1, 2 mô hình thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế - dù không hẳn là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà chủ yếu dựa vào nền tảng sẵn có của gia đình để phát triển chăn nuôi, trồng trọt”.
Theo thống kê của Huyện đoàn Cát Tiên, toàn huyện hiện có 43 ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, chủ yếu trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (đan sọt tre, dệt thổ cẩm); dịch vụ (vận tải, dân dụng)...
Đặc biệt, trong năm 2018, Dự án “Phát triển nghề đan giỏ nhựa gia công tại địa bàn huyện Cát Tiên” của Bùi Thị Nga - Chi đoàn Thôn 5, xã Đức Phổ đã đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức. Đây là lần đầu tiên thanh niên huyện Cát Tiên ghi dấu tại sân chơi này, tạo thêm động lực cho các ý tưởng tiếp tục được nung nấu và thực hiện.
Tại xã Gia Viễn, thông qua công tác tuyên truyền, vận động gắn với việc giới thiệu, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả mà trong thời gian qua, đoàn viên, thanh niên đã phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể như các mô hình nuôi vịt, nuôi cá, dế, heo, bò, trùn quế,...
Theo anh Nguyễn Huy Hùng - Bí thư Đoàn xã Gia Viễn, những mô hình và cách làm mới không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn giúp thanh niên địa phương có thêm niềm tin rằng: Không phải chỉ có những người được học hành qua các trường trung cấp, cao đẳng, đại học mới có thể lập nghiệp. Với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, cùng với phong trào “đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, mỗi người hoàn toàn có thể khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình.
Thực hiện Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn Cát Tiên đã phối hợp với các cơ quan có liên quan hỗ trợ dạy nghề, tập huấn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật; kết nối và mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại cho các dự án, mô hình phát triển kinh tế khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các đơn vị có liên quan tại địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch, tạo nguồn lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Cách đây 2 năm, từ vườn điều kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Bích (sinh năm 1990, thôn Ninh Hậu, xã Nam Ninh) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 150 gốc sầu riêng và hơn 100 gốc bơ 034. Với số vốn hơn 150 triệu đồng đầu tư giống cây và lắp hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 1 ha, đến nay, vườn cây ăn trái của anh Bích đang phát triển tốt. Vừa làm vừa học hỏi từ những người đi trước và rút kinh nghiệm, anh Bích phấn khởi chia sẻ, khoảng 2 năm nữa, vườn cây của anh sẽ cho thu nhập tương đối tốt. Tuy nhiên, điều vẫn khiến anh Bích cũng như nhiều thanh niên khác ở nông thôn gặp khó khăn là nguồn vốn. “Thanh niên có nhu cầu nhưng không có điều kiện để phát triển. Có nhiều người có ý tưởng nhưng không có đất, hoặc có đất nhưng không có vốn. Việc khó tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp cũng dễ khiến chúng tôi chùn bước” - anh Bích chia sẻ.
Về khoa học - kỹ thuật, đa số các anh em tự tìm tòi, học hỏi, đồng thời có sự hỗ trợ từ các lớp tập huấn. Theo Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên Nguyễn Thị Hồng Anh, hiện, ba thứ mà thanh niên tại địa phương đang thiếu trong quá trình khởi nghiệp là vốn, kiến thức và sự mạnh dạn. Để giải quyết những khó khăn này, không phải là chuyện một sớm một chiều.
Tính tới thời điểm hiện tại, trong số 43 ý tưởng khởi nghiệp đã tổng hợp trên địa bàn huyện, chỉ mới có 1 ý tưởng khởi nghiệp đã được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với số tiền 50 triệu đồng vào năm 2018. 42 ý tưởng còn lại chưa được hỗ trợ, với nhu cầu vay vốn đầu tư khoảng 4,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn theo Đề án 740 (Đề án về Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 của UBND tỉnh) của đoàn viên, thanh niên cũng còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế. Hiện tại, Huyện đoàn Cát Tiên đang có kế hoạch phát động trong cơ sở đoàn tự hình thành các nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, số tiền huy động được cũng chỉ rất ít ỏi, không đáp ứng đủ nhu cầu của thanh niên.
“Để giải quyết những hạn chế này, chúng tôi vận động thanh nên tại địa phương tận dụng những cái mình đang có, tức là tư liệu sản xuất vốn có của gia đình và sức khỏe của bản thân để phát triển kinh tế. Đồng thời, từ sự hỗ trợ, khuyến khích của các ban, ngành, đoàn thể mà có động lực để cố gắng. Đối với các mô hình khởi nghiệp hiện có, thời gian tới, các Đoàn cơ sở sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đồng thời mở rộng thị trường, tư vấn giới thiệu sản phẩm” - Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Hồng Anh cho biết thêm.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/khoi-nghiep-noi-vung-sau-cat-tien-3040084/