Khởi nghiệp thành công từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Trong bối cảnh nông nghiệp truyền thống đang đối diện với nhiều thách thức, vợ chồng chị Phạm Thị Hương (sinh năm 1986, xã Hồng Minh, tỉnh Hưng Yên), sáng lập Hợp tác xã Nông trại hữu cơ Thái Bình, đã mạnh dạn đưa nông nghiệp công nghệ cao về với đồng đất quê hương. Vượt qua khó khăn ban đầu, mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn của gia đình chị đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tạo đột phá trong sản xuất tại địa phương.
"Chìa khóa" mở lối cho nông nghiệp hiện đại

Chị Phạm Thị Hương kiểm tra vườn nho sữa Hàn Quốc trước khi thu hoạch.
Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư khoa Nông học thuộc Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2009, chị Phạm Thị Hương, cô gái quê Ninh Bình, sớm bén duyên, lập nghiệp và xây dựng gia đình trên mảnh đất Thái Bình cũ (nay là tỉnh Hưng Yên).
Sau 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2019) gắn bó kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tại địa phương, chị Hương đã tích lũy nhiều kinh nghiệm về quản lý và sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, khi đại dịch COVID-19 bùng phát để lại nhiều hệ lụy tới sức khỏe cộng đồng, chị Hương nảy ra ý tưởng về mô hình sản xuất xanh, nông nghiệp sạch, hướng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Ban đầu, gia đình chị đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo mô hình an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi. Chất thải này được trộn với phôi nấm thải để tạo dinh dưỡng, giá thể cho trồng nho, măng tây, dưa các loại... Trong chuỗi tuần hoàn, chị Hương cũng linh hoạt lựa chọn cây trồng theo mùa vụ để phù hợp với canh tác, bảo đảm "lấy ngắn nuôi dài".
Cuối năm 2021, chị Phạm Thị Hương cùng chồng là anh Hoàng Quốc Toản quyết tâm thành lập Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình nhằm xây dựng thương hiệu riêng và tìm "chỗ đứng" cho nông sản từ mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ của gia đình. Đây là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của địa phương trong ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao vào sản xuất.
Hợp tác xã có quy mô khoảng 2 ha, chia thành 3 vùng: Trồng nấm, nuôi gà thịt, làm nhà màng trồng các loại cây như cà chua bi, nho hạ đen, nho sữa, bông cải xanh, cải bó xôi, xà lách thủy tinh, dưa lưới... Các loại cây này được trồng theo công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới tự động bằng kỹ thuật nhỏ giọt hoặc phun sương. Khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi vùng sản xuất đều được giám sát chặt chẽ theo nhật ký điện tử nên giảm chi phí lao động và kiểm soát tốt các yếu tố kỹ thuật. Hệ thống này cũng giúp hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn.
Theo chị Hương, ứng dụng công nghệ cao là “chìa khóa” cho nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng, thân thiện môi trường, giúp tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu chất thải. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường qua các nền tảng thương mại điện tử cũng là kênh tiêu thụ hiệu quả, gia tăng giá trị sản phẩm.
“Trái ngọt” từ nỗ lực khởi nghiệp xanh

Với quy trình sản xuất sạch, công nghệ cao, vụ nho sữa Hàn Quốc đầu tiên của Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình cho chất lượng tốt.
Trong số các loại cây trồng được đưa vào sản xuất, nho sữa Hàn Quốc là điểm nhấn đặc biệt của Hợp tác xã. Với diện tích nhà màng hơn 4.000 m², chị Hương mạnh dạn nhập khẩu giống nho sữa Hàn Quốc, giống nho được thị trường ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, vị ngọt thanh mát, giàu dinh dưỡng.
Để tạo ra sản phẩm chất lượng, Hợp tác xã áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác khoa học, chặt chẽ từ chọn giống, làm đất, chăm sóc dinh dưỡng, cắt tỉa đến phòng trừ sâu bệnh theo hướng hữu cơ, công nghệ cao. Hệ thống nhà màng giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió và ngăn chặn sâu bệnh; hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương tự động cung cấp nước đều đặn, tiết kiệm; hệ thống giàn leo tạo điều kiện cây phát triển tốt.
Với diện tích 4.000 m² trồng nho, vụ đầu tiên của Hợp tác xã dự kiến đạt sản lượng hơn 6 tấn, giá bán tại vườn là 250.000 đồng/kg. Sản phẩm được phân phối tới các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Anh Hoàng Quốc Toản, chồng chị Hương chia sẻ, từ khi còn học đại học, hai vợ chồng đã cùng đam mê nông nghiệp. Sau khi ra trường, cả hai lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp, hành trình vất vả nhưng đầy tâm huyết. Nhờ quyết tâm và đồng thuận, mô hình nông nghiệp xanh, hiện đại, tuần hoàn của gia đình đã đạt hiệu quả kinh tế. Năm 2024, Hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Không chỉ sản xuất nông sản sạch, chị Phạm Thị Hương còn phát triển mô hình gắn với Dự án “Sản xuất nông nghiệp xanh tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm”. Năm 2024, dự án là đại diện đầu tiên của tỉnh Thái Bình (cũ) vào chung kết quốc gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

Năm 2024, dự án “Sản xuất nông nghiệp xanh tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm" của chị Phạm Thị Hương được giải Nhì cấp vùng khu vực miền Bắc và giải Khuyến khích chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh", do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.
Dự án đạt giải Nhì cấp vùng miền Bắc và giải Khuyến khích chung kết toàn quốc là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực và tâm huyết của chị Hương, đồng thời truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ trong khởi nghiệp, chuyển đổi sản xuất bền vững.
Ông Vũ Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Minh nhận định, mô hình phát triển kinh tế của Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình là một điểm sáng của địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Đây là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nông nghiệp.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền hỗ trợ mô hình mở rộng sản xuất, thúc đẩy du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp. Đây không chỉ là sự chuyển đổi tư duy sản xuất, mà còn là khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất quê hương bằng con đường nông nghiệp xanh, bền vững.