Khởi nghiệp thành công từ nghề may
Khởi nghiệp từ một cửa hàng đi thuê với diện tích chỉ đủ rộng để đặt một hàng máy may, đến nay chị Trần Thị Dung, xóm Nội, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã mua đất, xây dựng được nhà xưởng rộng trên 120m2. Hàng tháng, cơ sở may Huy Dung... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Khởi nghiệp từ một cửa hàng đi thuê với diện tích chỉ đủ rộng để đặt một hàng máy may, đến nay chị Trần Thị Dung, xóm Nội, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã mua đất, xây dựng được nhà xưởng rộng trên 120m2. Hàng tháng, cơ sở may Huy Dung của chị xuất ra thị trường vài chục nghìn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 180-230 nghìn đồng/người/ngày. “Thành quả của ngày hôm nay là kết quả của những đêm miệt mài ngồi vẽ, tạo mẫu, cắt may, những lần “chai mặt” đi gõ cửa từng gian hàng để chào bán sản phẩm. Càng vất vả tôi càng cảm thấy quý trọng công việc, nghề may của ông cha để lại. Nghề xưa đã nuôi sống và cho bao thợ nghề trong làng có cuộc sống sung túc” - Chị Dung chia sẻ.
Sinh ra tại làng Sắt, nơi có nghề may mặc, dệt vải lâu đời nên từ khi còn nhỏ, chị Dung đã được làm quen với việc khâu vá, đường kim mũi chỉ. Tiếp cận nghề sớm, chị Dung tỏ ra có năng khiếu và “duyên” với nghề. Chị tâm sự: Ngay từ những năm học THCS tôi đã có thể tự nghĩ ra mẫu và cắt may thành những bộ quần áo đẹp không khác gì một thợ nghề thực thụ. Lớn lên đam mê cắt may, khâu vá lại càng cháy bỏng. Tôi đã xin mẹ đi học một lớp thiết kế thời trang ngắn hạn ở thành phố Nam Định. Học xong lớp thiết kế, tôi về làm cùng với mẹ một thời gian, nung nấu ý định mở xưởng”. Năm 2005, sau khi lập gia đình được vài tháng, chị bàn với chồng quyết định mở xưởng, tạo lập cơ sở may riêng. Thời gian đầu mới mở cơ sở may, chị gặp khó khăn về vốn để đầu tư máy, thuê mặt bằng, trả công thợ. Vốn ít, chị Dung chỉ dám thuê cửa hàng với mặt bằng là một “con ngõ” được cải tạo lại đủ để đặt một hàng dọc 4 máy may công nghiệp. Để tiết kiệm tiền thuê nhân công, vợ chồng chị thay nhau cắt may, tạo mẫu. Hầu hết thời gian trong ngày chị Dung đều ở xưởng, cặm cụi thiết kế, lên bản mẫu rồi lại kỳ cạch ngồi may. Thời gian này chị nhận làm “hàng chợ” với các mẫu mã đại trà xuất bán cho tiểu thương trên địa bàn tỉnh. “Nếu chỉ bán trong tỉnh thì thị trường hạn hẹp và không ổn định, giá cả của sản phẩm cũng không cao. Vì thế, tôi đã nghĩ đến việc đi chào hàng tại nhiều tỉnh, thành phố khác” - Chị Dung chia sẻ. Để mở rộng thị trường, chị đã mang quần áo đến các chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh), Đồng Xuân (Hà Nội)… để chào hàng. Nhiều lần chị bị từ chối thẳng thừng, thậm chí “đuổi khéo” vì sợ mất thời gian. Không nản, chị tiếp tục kiên trì gõ cửa từng gian hàng, tìm cách bán hàng. Không phụ công người, dần dần, chị đã có được lòng tin của một số tiểu thương ở các chợ vải lớn. Thế là “bài toán” đầu ra cho sản phẩm đã gỡ được “nút thắt” quan trọng nhất. Khi đã có “mối” hàng quen, những lần nhập bán sau của chị Dung đều thuận lợi; có mẫu mới chị chỉ cần liên hệ qua điện thoại và gửi mẫu theo xe cho các chủ cửa hàng. Những năm này, cơ sở may của chị xuất bán vài trăm nghìn, thậm chí đến hàng triệu sản phẩm quần áo 4 mùa mỗi năm. Công việc đang trên đà phát triển thì chủ nhà đòi lại mặt bằng cho thuê. Chị Dung vừa đôn đáo chạy khắp nơi tìm thuê mặt bằng mới, vừa mở rộng cơ sở sản xuất. Đến năm 2008, gom góp hết số tiền dành dụm được cộng với vay thêm của người thân, anh em, bạn bè chị Dung mua đất, mua thêm máy may, xây dựng nhà xưởng và thành lập cơ sở may Huy Dung. Chị mua 23 máy may công nghiệp, 2 nồi hơi, 2 bàn cắt với tổng giá trị đầu tư trên 300 triệu đồng. Quy mô sản xuất được mở rộng, có thời điểm, cơ sở may Huy Dung tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Ba năm trở lại đây, nhận thấy việc đổ mối hàng chợ cho các tiểu thương tồn tại nhiều rủi ro như: đầu ra không thật sự ổn định, hàng tồn nhiều, bị tiểu thương ép giá, trả lại hàng khi không bán hết, tiền thu hồi về chậm, chị Dung “xoay” sang cắt may, bán quần áo cho những người kinh doanh qua mạng. Đối tượng khách hàng của chị bây giờ là những người bán quần áo online. Khách hàng sau khi nghiên cứu thị hiếu, mẫu mã thị trường sẽ đến cơ sở may của chị đưa mẫu và nhờ cắt may. Các khách này thường đặt may với số lượng rất lớn, thậm chí lên đến hàng nghìn sản phẩm/ngày. "Phục vụ đối tượng khách là những người bán hàng online đối với các cơ sở may như chúng tôi có lợi thế là không phải lo về đầu ra cho sản phẩm, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy, không có hàng tồn; lại thu tiền về ngay sau khi giao hàng nên chủ động được nguồn tiền để trả công người lao động và tái đầu tư cho sản xuất". Tuy nhiên để có thể hợp tác làm ăn lâu dài với khách hàng online cũng đòi hỏi các cơ sở may phải nhanh nhạy trong việc tiếp cận các mẫu mã mới, có nguồn vải sẵn; yêu cầu về kỹ, mỹ thuật cũng cao hơn hẳn so với hàng chợ. Hiện tại, cơ sở may Huy Dung cung ứng cho khách hàng từ vài trăm đến hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày. Một số sản phẩm của cơ sở được thị trường đánh giá cao, xuất bán với số lượng lớn như áo phông, các loại quần đùi, áo thu đông, áo thể thao, áo sơ mi, bộ đồ…
Từ cửa hàng nhỏ đến một cơ sở sản xuất rộng rãi được đầu tư các loại máy móc hiện đại, hàng năm trừ chi phí, thu nhập 200-300 triệu đồng/năm, chị Trần Thị Dung hiện đã thực hiện được ước mơ làm chủ cơ sở may của mình. Nỗ lực làm giàu của chị là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ nông thôn trên con đường lập nghiệp./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên