Khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống

Đam mê “lời then, tiếng tính”

Chị Mã Thị Dạy (sinh năm 1988) sinh ra và lớn lên từ trong một gia đình có truyền thống hát then ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông. Tiếng đàn Tính, lời hát Then đã “ngấm vào máu” chị Dạy từ khi nào không hay. Chị chia sẻ rằng, đến chừng lớp 3 hay 4 gì đó, khi nghe tiếng đàn Tính là chị cất tiếng hát Then theo được. Qua các chương trình giao lưu và tự tìm tòi thêm kiến thức về hát Then, đàn Tính từ những nghệ nhân cao tuổi, ngón đàn và giọng hát của chị ngày càng mượt mà hơn.

 Anh Nông Quang Hảo luôn đồng hành cùng chị Mã Thị Dạy tại các chương trình giao lưu nghệ thuật hát Then, đàn Tính.

Anh Nông Quang Hảo luôn đồng hành cùng chị Mã Thị Dạy tại các chương trình giao lưu nghệ thuật hát Then, đàn Tính.

Năm 2009, đem theo đam mê “lời Then, tiếng Tính”, chị Dạy đến làm dâu tại xã Mỹ Thanh, truyền lại tình yêu nghệ thuật dân gian cho các thành viên trong gia đình. Chị Dạy tâm sự: “Trước đây khi tôi hát Then là chồng tránh đi chỗ khác. Nhưng nay chồng tôi cũng biết hát Then. Anh ủng hộ và cùng tôi tham gia các chương trình giao lưu nghệ thuật hát Then, đàn Tính khi có lời mời từ các đơn vị tổ chức”.

Luôn muốn các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy, không bị mai một theo thời gian, chị Mã Thị Dạy có ý tưởng mở lớp dạy đàn Tính miễn phí cho bà con dân bản. Chị bàn với chồng, không ngờ anh Hảo lại ủng hộ ngay.

Và từ đó, chị Dạy đã nhóm lên tình yêu với hát Then cho bà con thôn Bản Luông. Người nhỏ nhất học hát Then mới chỉ 8 tuổi, người cao niên nhất cũng đã gần 80 tuổi.

 Hè năm nay, chị Mã Thị Dạy tranh thủ mở lớp dạy đàn Tính cho các em nhỏ trong thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh.

Hè năm nay, chị Mã Thị Dạy tranh thủ mở lớp dạy đàn Tính cho các em nhỏ trong thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh.

Có sự ủng hộ và đồng hành của gia đình, năm 2019, chị Dạy đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Then, đàn Tính "Sắc Chàm", nhờ đó nhiều người có chung sở thích, đam mê đã tham gia để cùng nhau tìm hiểu, tập luyện các làn điệu dân ca của dân tộc. Hiện nay, CLB này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn mời truyền dạy những làn điệu hát Then, đàn Tính cho các CLB tại địa phương.

Tình yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này còn được chị Mã Thị Dạy lan tỏa đến mọi người bằng nhiều hình thức như dạy qua mạng; đăng tải những clip về hát Then, các hoạt động bảo tồn loại hình nghệ thuật này, giới thiệu trang phục của đồng bào Tày trên mạng xã hội, qua đó sáng tạo ra những “nét mới" cho nghệ thuật hát Then. Hiện chị đang quản lý nhóm “Hội Đam mê hát Then Việt Nam” với hơn 13.000 thành viên trên nền tảng facebook và kênh youtube “Bảo An Hát then” với hơn 1.200 người theo dõi và hơn 212.000 lượt xem.

Biến di sản thành tài sản

Trong dòng chảy nghệ thuật truyền thống vốn có của gia đình, chị Dạy cùng chồng và em trai- những người đam mê văn hóa truyền thống vẫn luôn ấp ủ có thể “biến di sản của dân tộc thành tài sản”.

 Những chiếc đàn Tính do xưởng của gia đình chị Mã Thị Dạy làm ra.

Những chiếc đàn Tính do xưởng của gia đình chị Mã Thị Dạy làm ra.

Và rồi trong ngôi nhà cấp 4 giản dị ở thôn Bản Luông, 3 người ấy đã mở một xưởng làm đàn Tính. Anh Nông Quang Nghĩa- em trai chồng của chị Dạy tâm sự: "Năm 2019, nhận thấy tiềm năng và nhu cầu cần mua đàn Tính trong các bản làng còn lớn, nhưng các cơ sở đều mang tính chất nhỏ lẻ, không có giấy đăng ký kinh doanh, chưa tiếp cận, cung cấp được các đơn hàng lớn. Các đơn vị khác giá thành còn cao so với mặt bằng chung của đối tượng hướng tới... Nên tôi cùng anh chị quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh, coi nghề làm đàn Tính là nghề chính.

Để đáp ứng nhu cầu của các đơn hàng, xưởng sản xuất đàn Tính của cả 3 người đã xây dựng vùng nguyên liệu trồng bầu tại 04 xã Mỹ Thanh, Vi Hương, Quang Thuận, Cẩm Giàng (Bạch Thông) để trồng 2 vụ chính với diện tích khoảng 1,2ha. Mỗi năm diện tích này cho thu hoạch khoảng 15.000 quả bầu có thể làm đàn tính, xưởng sẽ thu mua toàn bộ số bầu này. Việc liên kết trồng bầu vừa giúp cơ sở của gia đình có nguồn nguyên liệu ổn định, lại vừa góp phần tạo thu nhập cho các hộ dân tham gia canh tác.

Đây là năm thứ hai gia đình chị Triệu Thị Thu Điệp ở xã Quang Thuận trồng giống bầu tròn. Với diện tích 1.500m2, từ đầu vụ đến nay gia đình chị đã thu được gần 30 triệu đồng từ việc bán quả.

 Cửa hàng của chị Dạy chuyên may trang phục dân tộc Tày.

Cửa hàng của chị Dạy chuyên may trang phục dân tộc Tày.

Khi xưởng làm đàn Tính đã có chồng và em trai quản lý chính, chị Dạy đã mạnh dạn mở một cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng như: Quần áo chàm truyền thống; quần áo chàm cách tân; giày nhung, xà tích... Bản thân chị cũng mày mò, học từ những người đi trước về cắt, may, thêu thùa những bộ trang phục của dân tộc Tày, Nùng truyền thống để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, cửa hàng của chị Mã Thị Dạy có 09 nhân viên, trung bình thu nhập khoảng 6 - 9 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập mỗi năm của cửa hàng sau khi trừ chi phí đạt 800 triệu đồng.

Chị Dạy cũng mở các lớp dạy đàn tính online cho các học viên yêu thích hát Then, đàn Tính ở trong và ngoài tỉnh như Đắk lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước… Mỗi lớp 6 học viên/khóa học/30 buổi. Những dịp không quá bận với công việc làm đàn, may trang phục, chị lại cùng các thành viên trong CLB hát then, đàn tính Sắc Chàm nhận lời tham gia biểu diễn tại các sự kiện, chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch.

Với mong muốn duy trì và phát triển hơn nữa văn hóa của dân tộc, chị Mã Thị Dạy cùng các anh Nông Quang Nghĩa, Nông Quang Hảo đã mang dự án “Bảo tồn giá trị văn hóa dân gian truyền thống trong nghệ thuật hát then đàn tính, nhạc cụ, trang phục truyền thống dân tộc Tày, Nùng” tham dự Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên” tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV năm 2024 và xuất sắc giành giải Nhất.

Huyền Thương

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/khoi-nghiep-tu-van-hoa-truyen-thong-post65030.html