Khởi nghiệp từ ý tưởng chế tạo máy lọc nước biển thông minh
Với ý tưởng thiết kế và chế tạo máy lọc nước biển thông minh dựa trên công nghệ màng MD (membrane distillation) cho ngư dân đi biển, Lê Kiều Phượng cùng các thành viên của nhóm đã đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2018, trở thành 1 trong 17 dự án được tỉnh cam kết hỗ trợ thực hiện.
Đều là những người con của miền biển nên các thành viên nhóm thấu hiểu được những khó khăn của ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Họ phải mang theo những can nước ngọt để phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt cho những ngày lên đênh trên biển nên vừa thiếu thốn nước, vừa tốn nhiên liệu để chở nước trên tàu, ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt cá của ngư dân. Trước thực tế này Phượng cùng các bạn đã nghĩ đến việc “biến” nước biển thành nước ngọt. Được sự đồng hành, hỗ trợ công nghệ của hai thầy cô là TS. Nguyễn Công Nguyên và TS. Nguyễn Thị Hậu nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu để thiết kế, chế tạo nên Máy lọc nước biển thông minh.
Máy lọc nước biển thông minh sử dụng công nghệ màng MD có thể tận dụng các nguồn nhiệt thải hay các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời do đó có thể tiết kiệm được năng lượng.
Khi áp dụng công nghệ này trên tàu đánh cá, hơi nước nóng sẽ được tận dụng từ bầu két nước của máy nổ (hay máy phát điện) có sẵn ngay trên tàu tức là nguồn nước nóng luôn có sẵn ngay trên tàu sẽ là nguyên liệu cũng như năng lượng để vận hành thiết bị, nhiên liệu đầu vào đã có sẵn trên tàu, hoàn toàn không có chất thải sau quá trình xử lý. Trong máy lọc nước sẽ có có các module được thiết kế riêng biệt, dễ dàng cho việc lắp ráp, vận hành và bảo trì.
Nhóm phát triển ý tưởng bắt đầu từ việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên ở trường, sau thời gian trau dồi, học hỏi đã tiến xa hơn là biến nó thành ý tưởng khởi nghiệp. Điều khó khăn nhất trong quá trình hiện thực hóa là thời gian và nguồn vốn. “Dự án vận dụng công nghệ tiên tiến nên cần nguồn kinh phí rất lớn đồng thời quá trình nghiên cứu dài. Trong khi đó, các thành viên đều ra trường, có công việc riêng, điều này đồng nghĩa với việc phải vừa cân bằng giữa việc ở công ty và việc nghiên cứu. Tuy vây, với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, chúng em sẽ cố gắng hết mình, đi đến cùng để đưa sản phẩm ra thị trường”, Lê Kiều Phượng chia sẻ.
Dự tính sản phẩm hoàn thiện sẽ có các công suất: 20 l/h, 40 l/h, 80 l/h và 100 l/h. Các tàu đánh cá vừa và nhỏ cũng có thể lắp đặt được chứ không chỉ riêng cho những tàu lớn. Theo kế hoạch, sản phẩm đầu tiên thử nghiệm tại vùng biển Ninh Thuận lấy phản hồi để hoàn thiện sản phẩm trước khi đến với thị trường.
Khởi nghiệp ở lĩnh vực cơ khí ứng dụng công nghệ cao trong khi thành viên nhóm lại chiếm tới 50% là nữ, đây cũng là minh chứng cho thấy với niềm đam mê, quyết tâm, phụ nữ sẽ tạo nên nhiều giá trị lớn lao.
Chia sẻ về những kinh nghiệm đúc rút được trong hành trình dài vừa qua, Lê Kiều Phượng cho biết: “Do bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên nên đối với chúng em đó là một cơ hội trải nghiệm, thử thách để vươn mình ra khỏi vòng quay chỉ chăm chú vào học tập ở trường. Các thành viên trong nhóm đã học hỏi thêm được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế từ những lần tập huấn, những cuộc thi hay những buổi chia sẻ của các chuyên gia, được nêu lên ý tưởng của mình trước mọi người đó là một điều rất hạnh phúc; chúng em đã tự tin hơn, kỹ năng mềm cũng được cải thiện. Và em nhận thấy, điều quan trọng trong quá trình khởi nghiệp là tinh thần quyết tâm. Dù biết trong quá trình sơ khai ban đầu luôn là những khó khăn và mệt mỏi, đôi khi muốn buông bỏ tất cả nhưng nếu mọi người cùng có một tinh thần quyết tâm bền bỉ đến cùng thì mọi chuyện đều sẽ vượt qua và tương lai tốt đẹp chắc chắn sẽ đến”.