Khởi nghiệp với các sản phẩm từ tre Việt

Nhận thấy quê hương Thanh Hóa có nguồn nguyên liệu dồi dào, sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở Hà Nội, anh Nguyễn Mạnh Cường quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp và tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm từ cây tre, cây luồng của xứ Thanh.

Vốn sinh ra ở nông thôn nên anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1983, quê Hà Trung, Thanh Hóa) rất quen thuộc các vật dụng từ tre, luồng. Lớn lên sau khi đã trải qua nhiều công việc, năm 2007 vợ chồng anh đã quyết định về quê lập nghiệp.

Trước thực tế nguồn nguyên liệu gỗ đang ngày càng cạn kiệt và xu hướng người tiêu dùng sẽ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nên chàng trai 8X đã quyết định khởi nghiệp từ cây tre, cây luồng - có vùng nguyên liệu dồi dào tại Thanh Hóa.

Ban đầu anh Cường khởi nghiệp từ việc sản xuất đũa tre, tăm bông, tăm tre, bán cho các cửa hàng ăn uống, quán tạp hóa nhỏ lẻ tại địa phương. Tuy nhiên các sản phẩm tăm, đũa tre là những sản phẩm sơ chế thô sơ, giá trị gia tăng lợi nhuận không cao, điều đó thôi thúc anh tìm hướng đi cho các sản phẩm từ tre, luồng mà mang lại kinh tế cao hơn.

Sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, năm 2017 anh Nguyễn Mạnh Cường mạnh dạn vay mượn đầu tư gần 20 tỷ đồng để mua dây chuyền sản xuất với đầy đủ hệ thống máy cắt luồng, chẻ luồng, máy vót nan thô, máy bào nan tinh, máy lăn keo, máy ép, hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt...

Quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm là quy trình khép kín, công nghệ sản xuất tiên tiến đạt các tiêu chuẩn về đặc tính kỹ thuật, thân thiện với môi trường. Trải qua nhiều năm xấy dựng và hoàn thiện sản phẩm giờ đây anh đã có một nhà máy sản xuất sản phẩm từ cây tre, luồng quy mô ở xứ Thanh.

Nhà máy sản xuất của chàng trai 8x xứ Thanh nổi tiếng với những 4 nhóm sản phẩm: Ván lát sàn, đồ nội thất (bàn, ghế, giường, tủ...), đồ bếp gia dụng (thớt, thìa, muỗng...), hàng thủ công mỹ nghệ (khay, hộp...).

“Tre, luồng rất dễ bị mối mọt, nhưng nếu trải qua các thao tác gia công thì sẽ trở nên bền vững, có tuổi thọ rất tốt. Ngoài phương pháp thủ công là phơi, sấy ra, mình phải làm thêm công đoạn hấp nguyên liệu nữa để bảo đảm sản phẩm đưa vào sử dụng bền hơn”, anh Cường chia sẻ.

Nhà máy của anh được đặt tại xã Hà Ninh (nay là xã Yến Sơn), Hà Trung, Thanh Hóa đang tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

“Ở độ tuổi ngoài 40 chúng tôi rất khó đi làm ở các nhà máy xí nghiệp khác, nhưng ở đây chúng tôi được tạo điều kiện để làm việc và có mức thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/tháng”, chị Kim Hoa - công nhân của nhà máy cho biết.

Hiện nay, nhu cầu của thị trường với sản phẩm nội thất từ tre, luồng khá rộng mở. Ngoài phục vụ nhu cầu nội thất gia đình, anh Cường quyết định phát triển mảng bán lẻ và tập trung kinh doanh hàng nội thất, như bàn ghế phục vụ cho các quán cafe, nhà hàng, giường tủ, nội thất phòng ngủ cho khách sạn, resort hay trang bị nội thất cho nhà ở thương mại.

Hiện tại, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình, nhà hàng nhỏ lẻ, nhà máy sản xuất của chàng trai 8x xứ Thanh còn gia công cho các nhà phân phối để xuất khấu đi nước ngoài.

Thời gian tới, anh Cường sẽ tiếp tục phát triển thêm đa dạng sản phẩm, liên kết nhiều vùng nguyên liệu. Đồng thời áp dụng các quy trình hiện đại trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu và duy trì các giá trị xanh trong sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.

Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/khoi-nghiep-tu-cac-san-pham-tu-tre-viet/127017.htm