Khởi nghiệp với sâm Ngọc Linh

Năm 2022, ở tuổi 50, ông Lương Trọng Khoa sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax) - chuyên chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, với mong muốn đưa 'quốc bảo Việt Nam' đến với số đông người tiêu dùng và nâng tầm sản phẩm của quê hương

Là người con đất Quảng và với điều kiện của một doanh nhân, ông Lương Trọng Khoa đã sử dụng thường xuyên sâm Ngọc Linh từ khá lâu. Nhờ vậy, so với bạn bè cùng trang lứa, ông có nền sức khỏe tốt. Ở tuổi xấp xỉ 50, ông vẫn chinh phục được đỉnh Phú Sĩ - Nhật Bản và đỉnh Fansipan ở nước ta dù không luyện tập trước để chuẩn bị thể lực.

Từ trải nghiệm của bản thân và những người xung quanh, ông Khoa nhận thấy hiểu biết của nhiều người tiêu dùng về sâm Ngọc Linh vẫn chưa đầy đủ. Dù mua sản phẩm rất đắt tiền nhưng họ chỉ biết tin vào người bán, rất khó phân biệt thật - giả bằng mắt thường; cách sử dụng phổ biến vẫn là ngâm rượu, ngâm mật ong...

Hiện tại, giá sâm Ngọc Linh vẫn cao nhưng có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây khi sản lượng tăng lên vì có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia trồng xung quanh khu vực đỉnh núi Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum.

"Nhìn sang Hàn Quốc, sâm của họ tuy các hoạt chất không bằng sâm Ngọc Linh nhưng có thương hiệu mạnh, được chế biến sâu. Họ chiết xuất tinh chất sâm, sau đó kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo ra rất nhiều sản phẩm và trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ. Tôi cũng chỉ học theo cách làm của họ nhưng khởi đầu không hề đơn giản" - ông Khoa nhớ lại.

Ông Lương Trọng Khoa giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh với lãnh đạo TP HCM tại Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM

Ông Lương Trọng Khoa giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh với lãnh đạo TP HCM tại Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM

Ông Khoa cho biết việc đầu tiên là ông tìm nhà máy đạt chuẩn để chiết xuất tinh sâm Ngọc Linh. Ông phát hiện những nhà máy hiện hữu có lô sản xuất tối thiểu lên đến vài trăm ký nguyên liệu.

"Tôi đã sản xuất một lô nhưng tỉ lệ thu hồi tinh chất rất thấp khi cần 27 kg sâm Ngọc Linh tươi mới được 1 kg tinh sâm khiến giá thành quá đắt, không thể thương mại hóa. Tôi tìm cách đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm, sau đó "đo ni đóng giày" trở thành dây chuyền chuyên chiết xuất tinh sâm Ngọc Linh với mỗi lô chỉ cần 10 kg nguyên liệu, thu hồi được 1 kg tinh chất" - ông Khoa tiết lộ.

Từ tinh chất sâm Ngọc Linh, Vinapanax nghiên cứu phát triển nhiều nhóm sản phẩm dùng liền dạng bột hòa tan, thức uống dinh dưỡng... với chi phí dùng chỉ khoảng 30.000 đồng/ngày, phù hợp với số đông người tiêu dùng. Vinapanax còn ký được hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu tại Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua nhờ sản phẩm chế biến sâu.

Theo ông Khoa, việc sử dụng tinh chất sâm Ngọc Linh giúp công ty có thể định lượng, định tính và kiểm tra gien để xác định được sâm chuẩn. Từ đó, công ty giải quyết được bài toán sâm Ngọc Linh giả.

"Thị trường sâm Ngọc Linh chế biến hiện còn rất nhỏ nên rất cần các đơn vị hợp sức mở rộng thị trường. Vừa qua, tôi đã đưa các nhà vườn trồng sâm Ngọc Linh lớn tại Quảng Nam đến tham quan những nhà máy chế biến để họ tự phát triển thêm danh mục sản phẩm" - ông Khoa cho biết.

Trải nghiệm để quản lý tốt hơn

Dù từng đảm nhận vị trí lãnh đạo cao cấp ở một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn có hàng ngàn nhân viên nhưng khi khởi nghiệp, ông Khoa không nề hà làm mọi việc của công ty, từ bốc vác đến livestream bán hàng hằng ngày. Ông giải thích: "Một là để tiết kiệm chi phí, hai là trải nghiệm để quản lý tốt hơn. Nhưng cũng có những lúc livestream gặp phải các bình luận toxic (độc hại) khiến tôi sốc. Những lần như vậy, tôi lại lên núi ngắm sâm Ngọc Linh để "chữa lành".

Tuy vậy, ông Khoa nhìn nhận những kinh nghiệm trên thương trường cũng giúp ông có sức chịu đựng tốt ở lần khởi nghiệp này và sẵn sàng cho đường dài.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoi-nghiep-voi-sam-ngoc-linh-19624080418221888.htm