Khởi nghiệp 'xanh' - Xu hướng phát triển bền vữngBài 1: Tiềm năng khởi nghiệp 'xanh'

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI cũng xác định: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số. Khởi nghiệp “xanh” là lĩnh vực đang được quan tâm nhiều, đặc biệt là trong các khu vực có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và môi trường như Cà Mau. Ðây là cơ hội tuyệt vời để phát triển các doanh nghiệp bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Bài 1: Tiềm năng khởi nghiệp “xanh”

Khởi nghiệp “xanh” là hướng phát triển tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm hay giải pháp có tác động tích cực đến môi trường, xã hội với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra lợi ích cho xã hội.

Cà Mau nằm ở cực Nam của Tổ quốc, giáp với biển Ðông ở phía Ðông và vịnh Thái Lan ở phía Tây, có đường bờ biển dài khoảng 254 km, là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, bao gồm rừng ngập mặn và các vùng đất nông nghiệp phong phú. Những tài nguyên này có thể được khai thác trong các mô hình kinh tế “xanh” như sản xuất nông sản hữu cơ, năng lượng tái tạo và phát triển du lịch sinh thái.

Trù phú tiềm năng

Chính những điều kiện thuận lợi rừng, biển, nét văn hóa đặc trưng tại Cà Mau đã khơi dậy ý tưởng khởi sự sáng tạo của những đam mê khát vọng chinh phục vùng đất cực Nam Tổ quốc, mong muốn khởi nghiệp gắn liền với mảnh đất quê hương.

Ông Quách Văn Ấn, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, lý giải: “Với những tiềm năng sẵn có, Cà Mau còn nhận được sự quan tâm của Trung ương, địa phương và các tổ chức về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nên đã có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp “xanh”. Chính phủ đã có cam kết tại Hội nghị COP 28 về việc giảm phát thải khí nhà kính Net Zero vào năm 2050, Bộ Khoa học và Công nghệ có Chương trình khoa học - công nghệ Net Zero vào năm 2024, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết 23 của HÐND tỉnh quy định thực hiện Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

“Ðặc biệt, với hệ sinh thái đa dạng của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Khu Ramsar thế giới, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hệ sinh thái ngập ngọt ở khu vực U Minh Hạ... đã tạo lợi thế về phát triển nông nghiệp xanh, đặc biệt là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Vì vậy, hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Cà Mau thời gian qua đều tập trung vào lĩnh vực tài nguyên bản địa theo hướng kinh tế xanh, bảo vệ môi trường”, ông Quách Văn Ấn cho biết thêm.

Cà Mau có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là khởi nghiệp "xanh".

Cà Mau có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là khởi nghiệp "xanh".

Chính sự thay đổi trong nhận thức của doanh nghiệp và người dân về những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường đã thúc đẩy các doanh nghiệp cần phải có mục tiêu xã hội, giải quyết những thách thức thông qua các dự án, giải pháp sáng tạo, bền vững. Hơn nữa, người tiêu dùng thông thái, nhận thức sâu sắc hơn về tác động của sản phẩm và dịch vụ đến môi trường, nên họ ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp có cam kết môi trường và xã hội, điều này tạo ra nhu cầu thị trường cho các dự án khởi nghiệp xanh.

Khởi nguồn cho ý tưởng sáng tạo

Là người con vùng đất Cà Mau, chị Dương Kiều Lam, ấp Gành Hào, xã Hòa Tân, TP Cà Mau, chọn con tôm để khởi nghiệp theo hướng xanh, sạch, phù hợp với nhu cầu thị trường. Hơn 5 năm trong quá trình khẳng định thương hiệu tôm khô, chà bông tôm, chị Lam đã có những quyết định đúng hướng về câu chuyện khởi nghiệp từ chính tiềm năng của quê hương mình.

Chị Lam trải lòng: “Nói về khởi nghiệp từ con tôm thực sự mình còn quá non trẻ, nhưng tôi có thể khẳng định rằng mình đã đi đúng hướng. Từ nhỏ, cuộc sống đã gắn bó với con tôm, nên lớn lên thường đặt ra câu hỏi cho mình là con tôm ngon, ngọt như thế sao mình không kinh doanh mặt hàng này. Vậy là ý tưởng khởi nghiệp từ con tôm bắt đầu từ đó. Và tôi chọn con tôm được nuôi tự nhiên để kinh doanh, khởi nghiệp theo đúng ý tưởng mình”.

Tôm khô Dương Lam không chạy theo số lượng mà theo đuổi chất lượng trong từng sản phẩm. Quá trình khởi nghiệp của chị Lam trải qua nhiều câu chuyện buồn, vui, trên những bước chân đầu tiên để đưa con tôm Cà Mau đến gần hơn, rộng rãi hơn với người tiêu dùng trong cả nước.

Sự kiện và diễn đàn khởi nghiệp CamaUP'24 đã thu hút nhiều ý tưởng khởi nghiệp phát triển bền vững, xanh, sạch và không phát thải.

Sự kiện và diễn đàn khởi nghiệp CamaUP'24 đã thu hút nhiều ý tưởng khởi nghiệp phát triển bền vững, xanh, sạch và không phát thải.

Anh Lâm Quốc Nhựt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Chính những lợi thế từ vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, sản vật phong phú từ rừng, biển đã thôi thúc nhiều dự án khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp “xanh” gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tạo hệ sinh thái xanh, sạch, bền vững và đã tạo nên dấu ấn tại cuộc thi khởi nghiệp”.

Từng câu chuyện về quá trình khởi nghiệp đã thể hiện rõ tình cảm yêu thương gắn bó với quê hương Cà Mau, trân trọng từng sản vật, đồng thời thể hiện sự nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám thử thách với những ý tưởng mới./.

Hằng My

Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khoi-nghiep-xanh-xu-huong-phat-trien-ben-vung-a38194.html