Khối ngoại cũng 'đánh sóng ngắn'
Hai tháng qua, mặt bằng lãi suất giảm góp phần giúp dòng tiền nhà đầu tư nội có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán, nhưng khối ngoại lại có động thái bán ròng.
Hai lý do chính
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO GM Stock, trong tuần từ 22 - 26/5/2023, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2.800 tỷ đồng, tương đương mức bán ròng trong tháng 4/2023 và hai phiên cuối tháng 5 bán ròng thêm hơn 1.000 tỷ đồng. Khối ngoại gia tăng bán ròng là tín hiệu đáng lưu ý về dòng tiền.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, trước đó, khối ngoại đã mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng kể từ thời điểm VN-Index lùi từ trên 1.500 điểm xuống 900 điểm hồi giữa tháng 11/2022, tạo lực đỡ cho thị trường trong giai đoạn tạo đáy ngắn hạn. Tính đến nay, VN-Index đã tăng xấp xỉ 200 điểm, tương đương tăng 23%, nên khối này có động thái chốt lời là điều dễ hiểu.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán và trái phiếu VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất mạnh trong tháng 11 - 12/2022 và tháng 1/2023, tập trung vào những thời điểm giá cổ phiếu ở mức thấp. Tháng 2 và 3/2023, khối ngoại tiếp tục mua ròng, nhưng không nhiều và từ tháng 4 đến nay chuyển sang bán ròng.
Bà Thu nhận định, có hai lý do chính khiến khối ngoại “quay xe”.
Thứ nhất, mặt bằng giá cổ phiếu nói chung dù vẫn rẻ so với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, nhưng không còn quá hấp dẫn như giai đoạn VN-Index ở vùng 900 - 1.000 điểm, nhất là các cổ phiếu phi tài chính. Trong khi đó, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, lãi suất đồng USD được dự báo sẽ duy trì ở mức cao cho đến khi lạm phát quay về mức kỳ vọng 2%/năm của Fed (đa số dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%/năm trong cuộc họp giữa tháng 6 tới, lên mức 5,25 - 5,5%/năm). Trong môi trường lãi suất đồng USD ở mức cao, dòng tiền đầu tư trên toàn cầu có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên (vốn được coi là có rủi ro hơn các thị trường phát triển), thị trường Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Thứ hai, số liệu kinh tế vĩ mô và tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay đều không tích cực.
“Những lo ngại này thể hiện khá rõ ở nhiều đối tác châu Âu của chúng tôi trong chuyến công tác gần đây”, bà Thu chia sẻ.
Về kinh tế vĩ mô, báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 5/2023 của Ngân hàng HSBC đánh giá, kim ngạch xuất khẩu giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ giảm chậm hơn so với dự đoán của thị trường, nhưng sự suy yếu trên diện rộng vẫn còn.
Trong khi đó, tình trạng nhập khẩu sụt giảm vẫn tiếp diễn khi giảm 18,3% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 19,4% cũng là minh chứng cho triển vọng còn yếu (2 tháng trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 giảm 14,4%, tháng 4 giảm 16,2%; tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 12,9% và 23,9%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 14,8% và 18,3%).
Tuy nhiên, có những điểm sáng trong triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới khi doanh số bán lẻ tháng 5/2023 tăng 11,5% so với cùng kỳ, là tín hiệu cho thấy tiêu dùng trong nước vẫn mạnh mẽ. Trong đó, doanh số các mảng liên quan đến du lịch tiếp tục hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa, với nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,1%. Du khách quốc tế đạt 916.000 lượt, lũy kế 5 tháng đạt 4,6 triệu lượt, tương đương 60% mục tiêu 8 triệu du khách quốc tế năm 2023.
Lạm phát toàn phần trong tháng 5/2023 so với cùng kỳ đã dịu xuống mức 2,4%, từ mức 2,8% của tháng 4 và 3,4% của tháng 3. Mặc dù vậy, lạm phát cơ bản chưa có dấu hiệu giảm, duy trì ở mức 4,5%, mức trần mà Việt Nam đề ra cho năm 2023.
Về kết quả kinh doanh, theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPT, tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của 908 doanh nghiệp trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM, chiếm 95,2% vốn hóa thị trường, có mức giảm 18,1% so với cùng kỳ.
“Tôi cho rằng, khi Fed ngừng tăng lãi suất và nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong nước có triển vọng phục hồi rõ ràng hơn, dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam”, bà Thu nói.
Chờ cơ hội mới
Bà Nguyễn Hoài Thu cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi kỹ tình hình kinh tế tại các thị trường lớn trên thế giới và đánh giá về sự hồi phục của nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng về thu nhập của các doanh nghiệp cũng như người dân. Ở trong nước, chúng tôi phân tích kỹ những tác động từ các chính sách của Nhà nước về điều hành lãi suất, tỷ giá và khả năng tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Tình hình thị trường trái phiếu, với những khoản trái phiếu lớn đáo hạn trong tháng 6 và quý III/2023 cũng được theo dõi kỹ”.
VN-Index được dự báo sẽ đi ngang trong vùng 1.000 - 1.120 điểm và dòng tiền luân phiên tìm kiếm cơ hội trong nhiều nhóm ngành.
“Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, vẫn có những ngành hay doanh nghiệp có khả năng duy trì tăng trưởng tích cực như một số ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, ít cho vay bất động sản, ít nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, hay ngành công nghệ thông tin với tính phòng thủ cao, có doanh nghiệp dẫn đầu là FPT liên tục tăng trưởng lợi nhuận trên 20% mỗi năm. Các chính sách của Nhà nước về giảm lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công, hay các dự án về năng lượng, dầu khí dự kiến được triển khai trong thời gian tới sẽ có tác động tích cực đối với các ngành và doanh nghiệp liên quan. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ cũng đáng quan tâm, vì khi kinh tế Việt Nam và thế giới trở lại quỹ đạo tăng trưởng, thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ sẽ phục hồi mạnh”, bà Thu nói thêm.
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc Đầu tư, AFC Vietnam Fund cho hay: “Những yếu tố về ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế là thứ chúng tôi đang theo dõi sát sao. Sự bất ổn của thị trường trái phiếu và bất động sản đã lan ra thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung. Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế như giảm thuế, phí, lãi suất hay tăng đầu tư công. Gói đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng cần đẩy nhanh hơn nữa để lấy lại đà tăng trưởng của kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng ổn định”.
“Trong nửa cuối năm 2023, cá nhân tôi cho rằng, các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán. Trong đó, nhóm chứng khoán, đầu tư công và bất động sản khu công nghiệp đang thu hút dòng tiền. Nhưng khi đã đạt tới mức lợi nhuận đáng kể, dòng tiền sẽ đi tìm những ngành khác chưa tăng và còn cơ hội lớn như thủy sản, dệt may. Đặc biệt, ngành bảo hiểm năm nay được dự báo sẽ có một năm kinh doanh thuận lợi và lợi nhuận tăng trưởng cao”, ông Vicente Nguyen chia sẻ.
Từ góc nhìn phân tích kỹ thuật, ông Nguyễn Hoàng Dương dự báo: “Trong thời gian tới, với sự tương đồng về vận động của VN-Index so với năm 2019, thị trường sẽ đi ngang trong vùng 1.000 - 1.120 điểm, dòng tiền sẽ luân phiên tìm kiếm cơ hội trong các nhóm ngành và nhà đầu tư có thể tìm được các “hidden gem” (viên ngọc ẩn). Ngoài ra, kinh tế đang ở trong giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục, chính sách tiền tệ đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng, các ngân hàng thương mại giảm dần lãi suất vay”.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khoi-ngoai-cung-danh-song-ngan-post323038.html