Khối ngoại 'săn' VNM, doanh nghiệp sữa đã vượt qua thách thức tăng trưởng?
Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thời gian gần đây tăng giá tốt, đi cùng sự quan tâm của khối ngoại.
Trong tuần trước, VNM dẫn đầu danh sách các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất, với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Phiên 5/8, mã này cũng là mã được khối ngoại tập trung gom ròng với giá trị hơn 190 tỷ đồng.
Cùng với diễn biến tích cực của khối ngoại, giá cổ phiếu VNM cũng thể hiện tốt trên thị trường chứng khoán. Từ vùng 65.000 đồng/cp hồi giữa tháng 7/2024, mã đã trở lại mức trên 70.000 đồng/cp vào đầu tháng 8 - cao nhất kể từ tháng 3/2024. Thanh khoản của VNM những phiên gần đây cũng tăng vọt cho thấy sự quan tâm của dòng tiền. Đáng kể nhất là phiên 31/7, khối lượng giao dịch nhảy vọt lên gần 21,6 triệu cổ phiếu.
Sự tích cực của VNM diễn ra sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 với những con số khả quan. Cụ thể, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.656 tỷ đồng trong 3 tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt đỉnh 16.194 tỷ đồng của quý 3/2021, trở thành quý có doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Thị trường nước ngoài đóng 18,5% tổng doanh thu trong quý 2/2024. Cụ thể, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5,9% trong quý đầu năm.
Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của Vinamilk đạt 2.696 tỷ đồng, tăng gần 21% so với thực hiện của quý 2/2023, đồng thời là quý thứ 3 liên tiếp duy trì mức tăng trưởng trên 15%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 30.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.903 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 19% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận năm đề ra.
Bước đi mới trước thách thức tăng trưởng
Vinamilk là doanh nghiệp đầu ngành sữa của Việt Nam, đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2014 - 2020. Tuy nhiên sau khi đạt mức đỉnh lợi nhuận hơn 11.000 tỷ đồng vào năm 2020, công ty gặp khó về tăng trưởng khi thị phần ngành sữa đã đạt đến giới hạn, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm 2022, lợi nhuận của doanh nghiệp lùi về mức hơn 8.500 tỷ đồng.
Trước thách thức tăng trưởng, cổ phiếu của VNM cũng không còn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư như trước. Từng là một trong những mã đắt đỏ nhất trên sàn với thị giá trên 100.000 đồng, mã cổ phiếu này lùi về vùng dưới 60.000 đồng/cp hồi giữa tháng 6/2022 và từ đó đến nay chưa thể trở lại mức “hoàng kim” đã đạt được trong lịch sử.
Nhận thấy cần bước đi bứt phá để tạo đà bứt tốc cho tương lai, ban lãnh đạo Vinamilk đã quyết định tái định vị thương hiệu vào năm 2023, với logo và bao bì nhận diện mới.
Động thái bất ngờ này của Vinamilk thời điểm đó đã gây nên không ít tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, dù nhận được sự đồng thuận hay phản đối thì không thể phủ nhận việc thay đổi logo của doanh nghiệp sữa đã tạo được dư luận và thành công trong việc làm nóng lại thương hiệu. Thực tế, kết quả kinh doanh cải thiện những quý gần đây cũng là minh chứng cho thấy sự thay đổi của Vinamilk bước đầu đã mang lại kết quả.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 4 năm nay, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ, trước tiên, Vinamilk tập trung tái định vị vào ngành hàng sữa nước, bắt đầu thay đổi bao bì phổ biến từ cuối quý 3 và đầu quý 4 năm 2023, sau khi sử dụng hết bao bì cũ. Thị phần ngành hàng sữa nước sau 5 tháng tái định vị đã tăng 2,8%.
Trong quý 2/2024, công ty thay đổi toàn bộ nhận diện ngành hàng sữa chua (gồm loại ăn và uống) và quý 3 sẽ tái định vị sản phẩm sữa bột trẻ em. Việc tái định vị không chỉ là thay bao bì mà Vinamilk còn xác định nên duy trì dòng sản phẩm nào, nên gộp sản phẩm nào với nhau, giảm bớt danh mục để tập trung bán hàng và tập trung vào các đối tượng hiệu quả.
“Vinamilk có chiến lược tái cấu trúc 5 năm, tập trung chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, cung ứng, chăn nuôi, bán hàng, marketing, kế toán - quản trị, nhân sự... Những cái chúng ta làm được sẽ thể hiện trong hai năm đầu tiên. Công ty sẽ cố gắng hoàn tất tái định vị trong năm 2024. Về doanh số có thể còn suy nghĩ nhưng lợi nhuận tự tin sẽ tăng trưởng,” bà Liên nói với cổ đông.