Khơi nguồn đam mê cổ phục truyền thống từ những người trẻ
Lịch sử trang phục của Việt Nam là một kho tàng phong phú, mang đậm những dấu ấn văn hóa đặc sắc với chiều dài gần 4.000 năm. Trong nhịp sống hối hả hiện đại, ngày càng có nhiều bạn trẻ mong muốn gìn giữ, theo đuổi đam mê nét xưa cũ đó bằng những cách khác nhau.
Cổ phục Việt Nam có rất nhiều loại trang phục. Mỗi loại lại có những đặc điểm nhận biết khác nhau. Từ một bộ cổ phục, các chuyên gia có thể nhận biết nguồn gốc, thời điểm xuất hiện và chiều dài lịch sử gắn liền với nó. Ở nước ta, những nghiên cứu, tài liệu về cổ phục còn khá hạn chế. Loại cổ phục được biết đến rộng rãi nhất có lẽ là áo ngũ thân, từng phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn.
Đầu thế kỷ 19, Hoàng đế Minh Mạng đã chọn áo ngũ thân làm trang phục chung cho toàn thể nhân dân trên cả nước. Từ đó, trong khoảng thời gian từ năm 1837 đến 1945, áo ngũ thân là loại trang phục phổ biến ở cả 2 miền nam - bắc Việt Nam.
Áo ngũ thân là "nguyên bản" của một số loại áo dài cách tân ngày nay. Thời xa xưa, qua chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí trên áo ngũ thân, người ta có thể biết được người mặc ở tầng lớp nào trong xã hội.
Đơn cử như đối với tầng lớp bình dân, chất liệu may áo phần lớn là vải đũi kèm tông màu trầm. Trong khi đó, quý tộc, quan lại sử dụng gấm, lụa, sa... với họa tiết tinh tế, sang trọng cùng các loại phụ kiện như kim bài, kim khánh.
Sở dĩ gọi là ngũ thân bởi áo được may từ 5 thân áo lại với nhau. Trong đó, 2 thân trước sau được may lại bằng sống áo. Phía trước phần bên phải là thân kép, bên trong có một thân áo thứ 5.
Áo ngũ thân có ý nghĩa đặc biệt không nhiều người biết về đạo làm người của dân tộc ta. 4 thân áo của vạt trước và sau tượng trưng cho "tứ thân phụ mẫu". Thân trong áo chính là hình tượng người con với bổn phận hiếu kính với các bậc song thân phụ mẫu. Điểm đặc biệt của áo ngũ thân nằm ở việc áo được nối "sống" lại từ những tấm vải thay vì sử dụng thước đo, bởi khi đó chưa có vải khổ rộng để may đo như ngày nay.
Trong khi đó, Nhật Bình lại là loại cổ phục thể hiện rõ nét sự trang nghiêm, sang trọng dành cho các bậc tôn quý như hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàng quý phi hay giai phi, giai tần.
Sở dĩ gọi là Nhật Bình, vì cổ áo khi mặc vào sẽ có dạng hình chữ nhật to bản. Toàn bộ thân áo được trang trí lộng lẫy với các loại hoa văn dạng tròn đan xen với hình hoa lá hoặc các chữ "phúc", "thọ".
Những loại hoa văn này nói lên vai vế, danh phận của người mặc. Từ Nhật Bình dành cho các hoàng hậu, những loại khác đều có tay áo trang trí dải 5 màu lục, vàng, xanh, trắng, đó tượng trưng cho ngũ hành.
Bên cạnh đó, để phân biệt thứ bậc của người mặc, cũng có thể dựa vào màu sắc của Nhật Bình. Thí dụ như Nhật Bình của hoàng hậu luôn dùng màu vàng chủ đạo, của công chúa là màu đỏ, các cung tần nhị giai, tam giai, tứ giai lần lượt dùng màu xích đào, tím, tím nhạt...
Những năm gần đây, giới trẻ đã dành sự quan tâm đặc biệt với các loại cổ phục. Cổ phục xuất hiện ngày một nhiều trong các sản phẩm nghệ thuật như phim ảnh, MV ca nhạc... của nghệ sĩ trẻ. Từ đó, không ít bạn trẻ đã tự tin diện cổ phục xuống phố để tham gia các buổi chụp hình, chương trình thời trang và những sự kiện trọng đại như đám hỏi, lễ cưới.
Với niềm đam mê khám phá, tìm tòi, học hỏi từ các bạn trẻ, cổ phục Việt Nam sẽ luôn được gìn giữ cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú không chỉ trong kho tàng, mà còn đi sâu vào đời sống hằng ngày mỗi người dân.