Khơi nguồn lực từ các dự án 'treo'

Trên cả nước hiện có hàng nghìn dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, nếu sớm được tháo gỡ sẽ khơi thông nguồn lực rất lớn cho thị trường.

Nhiều dự án triển khai trở lại sau khi được gỡ vướng. Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều dự án triển khai trở lại sau khi được gỡ vướng. Ảnh: Dũng Minh.

Mở cơ chế để thúc đẩy thị trường

Phiên họp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản (Ban Chỉ đạo) diễn ra đầu tuần trước được các thành viên thị trường chú ý cao độ.

Với thông điệp “cân bằng giữa xử lý sai phạm và bảo vệ thị trường”, điều này mang tới sự yên tâm hơn cho nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án với kỳ vọng những “đứa con tâm huyết” sớm được gỡ để tiếp tục triển khai và hoàn thành sau nhiều năm chờ đợi.

Trên thực tế, các chủ đầu tư dự án đều mong muốn các vấn đề kinh tế phải được xử lý bằng vấn đề kinh tế, còn các biện pháp hình sự chỉ là giải pháp cuối cùng.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tâm lý lo sợ bị hình sự hóa vấn đề kinh tế khiến cả doanh nghiệp lẫn cán bộ công quyền e ngại trong việc ra quyết định, từ đó gây ra những nhức nhối, phiền hà trong thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến đất đai.

Số liệu được lãnh đạo Bộ Tài chính công bố trong cuộc họp nêu trên cho thấy, tính đến ngày 25/3/2025, có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, Bộ Tài chính còn nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc khác.

Số lượng dự án gặp vướng mắc lớn, trong đó ghi nhận cho thấy đa phần liên quan đến các dự án đất đai… phản ánh tình trạng lãng phí nguồn lực rất lớn đang xảy ra. Trong khi đó, dự án chậm tiến độ, vốn tồn đọng kéo dài làm tăng chi phí cho chủ đầu tư, từ đó gây áp lực lên giá nhà.

Đáng lưu ý, tại hầu hết các dự án “treo”, cơ quan quản lý đã chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ cơ chế, chính sách bất cập, chồng chéo… khiến doanh nghiệp loay hoay, còn cán bộ địa phương lo ngại rủi ro pháp lý nên thiếu tự tin trong việc phê duyệt các dự án.

Bởi vậy, phản ánh tới Báo Đầu tư Chứng khoán, các doanh nghiệp đều cho biết, đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

Theo đó, trước mắt, khoảng 64 dự án vi phạm trong kết luận thanh tra ở TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và hơn 1.300 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất khi cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Đà Nẵng sẽ có phương án xử lý từ ngày 1/4/2025 theo Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội.

Theo đại diện Tập đoàn Novaland, nhờ nghị quyết này, những vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland tại TPHCM nói chung, dự án Lakeview City nói riêng, sẽ chính thức được giải quyết.

Việc có cơ chế xử lý các dự án không chỉ giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn giúp ổn định tâm lý, đời sống của cư dân tại dự án.

Đặc biệt, việc xử lý tháo gỡ vướng mắc pháp lý ngoài gỡ khó về các khoản nợ, dòng tiền cho doanh nghiệp, còn khơi thông các nguồn vốn khác.

Dự án xây xong không được đưa vào sử dụng gây lãng phí rất lớn. Ảnh: Dũng Minh.

Dự án xây xong không được đưa vào sử dụng gây lãng phí rất lớn. Ảnh: Dũng Minh.

Novaland đang có 3/4 dự án nằm trong diện xử lý theo Nghị quyết 170/2024, gồm The Water Bay (quy mô 224 ha, phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức); Lakeview City (quy mô 106 ha, khu Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP. Thủ Đức) và The Tresor (số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4) .

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, đây là lần đầu tiên Quốc hội có một nghị quyết đặc thù dành cho lĩnh vực bất động sản, “chỉ mặt điểm tên” từng dự án, nêu rõ từng danh mục tháo gỡ, thay vì chỉ nêu chung chung như các văn bản trước đây. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của cơ quan lập pháp trong kiến tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường.

Hiệu ứng lan tỏa

Bên cạnh Nghị quyết 170/2024, các thành viên thị trường cũng kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/4/2025. Hiện tại, dự thảo Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cả nước có khoảng 500 dự án nằm trong diện vướng mắc về đất ở, nếu giải phóng được sẽ giúp đột phá nguồn cung rất lớn cho thị trường.

TS. Trần Xuân Lượng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (thuộc VARS) nhìn nhận, việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng đối với những dự án vướng đất ở sẽ tạo thành một cơ chế pháp lý đồng bộ, toàn diện về đầu tư bất động sản, khơi thông nguồn lực đất đai và tạo nguồn cung nhà ở mới ra thị trường. Khi nguồn cung tăng cao, cơ hội hiện thực hóa giấc mơ an cư của người dân sẽ rõ hơn.

Ngoài ra, với xu hướng phát triển dự án như hiện nay, muốn thu hút đầu tư lớn thì bắt buộc phải quy hoạch các quỹ đất lớn ở xa trung tâm cũ và đại đa số quỹ đất này là đất nông nghiệp, đất trồng cây… Khi đó, cơ chế mới sẽ khuyến khích các nhà phát triển hình thành các siêu đô thị xa trung tâm, giảm tải tình trạng nội đô trung tâm bị “nén” quá mức như hiện nay.

Cũng cần nói thêm, việc gỡ khó cho các dự án nhà ở cũng kéo theo việc gỡ thế bế tắc cho các nhà thầu xây dựng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2024, tăng trưởng ngành đạt khoảng 7,8-8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 năm qua, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Chính vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia đến từ SSI Research, ngành xây dựng dân dụng dự báo phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay nhờ sự bứt phá của các thị trường bất động sản lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, nhóm doanh nghiệp đầu ngành như Coteccons, Hòa Bình, Vinaconex, Ricons, Phục Hưng… sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Bên cạnh đó, việc đầu tư công được đẩy mạnh cũng mang đến nhiều cơ hội cho nhóm doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, khi tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 70% tổng chi phí xây dựng tại các dự án đầu tư công.

Chẳng hạn, với nhu cầu cát, đá xây dựng dự báo tăng 7% trong năm 2025, nên những doanh nghiệp có mỏ đá gần các dự án trọng điểm như Tân Cảng (DHA), Tân Mỹ (KSB), Thạnh Phú - Thiện Tân (VLB)… sẽ có lợi thế lớn nhờ chi phí vận chuyển thấp.

Hay với thép xây dựng, nhu cầu thép được dự báo tăng cao, giá thép có thể tăng khoảng 7% năm nay khi áp lực từ nguồn cung Trung Quốc giảm và khi đó, những doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn nhất thị trường trong nước như VnSteel, Hòa Phát, Pomina… sẽ được hưởng lợi.

Việt Dương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khoi-nguon-luc-tu-cac-du-an-treo-post367003.html