Khơi nguồn sức mạnh, chọn đúng trọng tâm
Những năm qua, Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) ở Trường Sĩ quan Lục quân (SQLQ) 2 giành được những kết quả nổi bật, khơi nguồn sức mạnh, động viên cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ toàn trường sáng tạo, vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xây dựng nhà trường tiêu biểu, mẫu mực.
Nòng cốt là “3 nhất”, “3 tốt”
Tiết học hiểu biết chung về pháo binh của đơn vị học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành trở nên cuốn hút khi Thượng tá Trần Danh Tuấn, Phó chủ nhiệm Bộ môn Pháo binh (Khoa Binh chủng) sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) mô phỏng chiến lệ “ngắm bắn qua nòng” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến lệ kể về Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu, khi đó là Khẩu đội trưởng Pháo lựu 105mm, một mình đảm nhiệm nhiều cương vị trong khẩu đội, thay thế các chiến sĩ hy sinh và bị thương, sáng tạo phương pháp ngắm bắn mục tiêu qua nòng pháo. Với 15 viên đạn, Khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu và pháo thủ Lý Văn Pao đã tiêu diệt 4 khẩu pháo 105mm, 2 khẩu đại liên, 1 hầm đạn của địch, góp phần giữ vững trận địa phòng ngự trên đồi E1… Thượng tá Trần Danh Tuấn nhấn mạnh: “Chiến lệ nào cũng có ý nghĩa sâu sắc, chứng minh cho nghệ thuật đánh địch độc đáo của Quân đội ta. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết vận dụng kinh nghiệm đó một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn huấn luyện, SSCĐ trong từng điều kiện cụ thể mới mang lại giá trị tốt nhất”.
Đây là một trong những nội dung thi đua “3 tốt” (dạy tốt, nghiên cứu khoa học tốt, chính quy kỷ luật tốt) ở cấp tổ giáo viên trong toàn trường. Cụ thể hóa mô hình “3 tốt”, đội ngũ giảng viên thi đua “dạy tốt”, chủ động nghiên cứu, biên soạn bài giảng, giáo án điện tử, vận dụng chiến lệ, sử dụng CNTT để bài giảng thêm sinh động, phong phú. Đại tá, PGS, TS Dương Văn Sự, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Thực hiện mô hình thi đua “3 tốt”, các khoa giáo viên tích cực rà soát, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo sát với mục tiêu của nhà trường và yêu cầu thực tiễn đơn vị; gắn huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm, chủ động vận dụng phương pháp dạy học tích cực, khắc phục truyền thụ kiến thức giản đơn, một chiều. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên không ngừng được chuẩn hóa, thúc đẩy kết quả giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của nhà trường ngày càng tiến bộ vững chắc”.
Mô hình “3 tốt” còn được áp dụng cho các ban chuyên môn thuộc cơ quan của nhà trường, nhưng nội dung được thay đổi để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ: “Chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống tốt; chuyên môn tốt; chính quy kỷ luật tốt”. Mô hình này nhấn mạnh đến chất lượng chuyên môn “công tác tốt”. Các ngành, các ban đều phấn đấu thi đua sáng tạo phục vụ chuyên môn, làm xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân say mê nghiên cứu khoa học, cải tiến mô hình học cụ áp dụng vào thực tiễn. 5 năm qua, nhà trường đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến, tài liệu được nghiệm thu, đưa vào ứng dụng thực tiễn… Đối với các đơn vị quản lý học viên, mô hình thi đua đại đội “3 nhất” (học tập tốt nhất, kỷ luật nghiêm nhất và doanh trại đẹp nhất) được triển khai sâu rộng, toàn diện, tập trung thực hiện “học tập tốt nhất” với nhiều hành động, việc làm hiệu quả, như: Thành lập “Câu lạc bộ Anh văn”, “Đôi bạn học tập”, duy trì “Giờ học thanh niên tự quản”.
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Cả, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: Mỗi cơ quan, đơn vị trong toàn trường đều có những mô hình thi đua riêng. Song, mô hình nòng cốt “3 nhất”, “3 tốt”, “dạy giỏi, học giỏi, công tác tốt”… đã khơi nguồn sức mạnh, giúp nhà trường chuyển biến toàn diện, vững chắc. Điều đó được khẳng định qua chất lượng GD-ĐT, xây dựng nền nếp chính quy và hội thi, hội thao cấp toàn quân. Năm 2019, đội tuyển của nhà trường xuất sắc vượt qua các đội tuyển có “thương hiệu” để giành giải Nhì toàn đoàn trong Hội thi Olympic tiếng Anh lần thứ hai và giải Ba toàn đoàn tại Hội thao Thể dục thể thao quốc phòng năm 2019. Đây là minh chứng sinh động cho những nỗ lực thi đua của cán bộ, giảng viên, học viên Trường SQLQ 2, khích lệ toàn trường vững bước vươn lên.
Nội dung sát thực, chọn đúng khâu đột phá
Một trong những kinh nghiệm được rút ra từ Phong trào TĐQT của Trường SQLQ 2 giai đoạn 2014-2019 là: Thi đua phải thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, nội dung phải sát thực, lựa chọn đúng khâu đột phá. Bám sát đặc thù nhiệm vụ GD-ĐT, nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức Phong trào TĐQT đa dạng, phong phú cả về hình thức, nội dung, nhưng phải phù hợp đối tượng, chuyên môn. Theo đó, hàng loạt mô hình thi đua mang tính đặc thù đã ra đời ở các cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn: “Học thực chất, thi thực chất”, “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”, “Thanh niên Trường SQLQ 2 tiến quân vào khoa học”; “Trao đổi kinh nghiệm học, rèn giữa các khóa học viên”… Theo Đại tá, PGS, TS Đỗ Hoàng Ngân, Phó chính ủy nhà trường, các mô hình này không chỉ sát thực mà còn hướng đến khâu đột phá trong từng lĩnh vực. Nghĩa là, từ thực tiễn chuyên môn và yêu cầu nâng cao chất lượng công tác, các cấp ủy lựa chọn, đề xuất với Đảng ủy nhà trường chỉ đạo thực hiện khâu đột phá phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức, bảo đảm hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều năm qua, Trường SQLQ 2 đã hướng Phong trào TĐQT vào thực hiện 3 đột phá cơ bản, gồm: “Đột phá nâng cao chất lượng GD-ĐT”, “đột phá nâng cao ý thức trách nhiệm và chấp hành pháp luật, kỷ luật”, “đột phá tổ chức, thực hiện nghị quyết”. Ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, các khâu đột phá được cụ thể hóa thành những tiêu chí để toàn trường xác định quyết tâm, tập trung trí tuệ, sức lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường, khẳng định: “Thi đua dàn trải, chung chung sẽ không thể đạt kết quả, mà phải bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, xác định rõ khâu đột phá để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, ấn tượng. Điều quan trọng là phải tổ chức Phong trào TĐQT một cách khoa học, huy động được mọi tập thể, cá nhân tham gia, làm trỗi dậy sức mạnh nội tại, đoàn kết, đồng lòng vì sự phát triển của tập thể, của nhà trường”. Lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã đánh giá về Phong trào TĐQT của Trường SQLQ 2: Nhà trường tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào TĐQT phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, bảo đảm sát thực; lựa chọn đúng khâu đột phá, khơi nguồn sức mạnh từ những mô hình cụ thể để thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng thực chất, góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, tiêu biểu, mẫu mực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.